Kinh tế Australia vượt qua năm bất ổn nhất trong gần một thế kỷ
Năm 2020, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã gây ra một cú sốc kinh tế lớn chưa từng có ở Australia kể từ sau cuộc Đại suy thoái 1930, song dường như nước này đang ứng phó tốt cả về mặt sức khỏe và kinh tế.
Trong buổi họp báo đầu tháng 12/2020, Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg vui mừng thông báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý 3/2020 của nước này tăng 3,3%, cao hơn so với mức dự đoán 2,5% của nhiều nhà kinh tế và là mức tăng trưởng GDP cao nhất trong một quý trong gần 45 năm qua.
Năm 2020, cuộc khủng hoảng COVID-19 đã gây ra một cú sốc kinh tế lớn chưa từng có ở Australia kể từ sau cuộc Đại suy thoái 1930, song kết quả thực tế cho thấy Australia có khả năng chống chọi và ứng phó tốt cả về mặt sức khỏe và kinh tế, qua đó đem lại hy vọng vào sự phục hồi sớm khi đại dịch qua đi.
Khởi đầu lạc quan
Chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison bắt đầu năm 2020 với dự báo hết sức lạc quan về khả năng đạt mục tiêu đạt thặng dư ngân sách liên bang đầu tiên kể từ năm 2007-2008.
Mặc dù Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA) đã cắt giảm lãi suất chính thức xuống mức thấp kỷ lục 0,75% vào cuối năm 2019, song cả RBA và Bộ Ngân khố đều dự báo kinh tế Australia sẽ tiếp tục hành trình gần 30 năm không suy thoái. Tổng nợ chính phủ được dự báo sẽ đạt mức đỉnh khoảng 593 tỷ AUD vào năm 2022-2023 trước khi giảm xuống và nợ ròng sẽ được trả hết vào đầu những năm 2030.
Cản trở đầu đầu tiên cho việc thực hiện kế hoạch trên là đợt cháy rừng nghiêm trọng bùng phát dữ dội trong các tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020, vốn đã tàn phá phần lớn vùng bờ biển phía Đông và một số khu vực khác ở Australia.
Khi những người lính cứu hỏa Australia khống chế được hầu hết các đám cháy rừng tàn khốc thì tin tức về các ca nhiễm bệnh COVID-19 bắt nguồn từ Trung Quốc đã lan đi khắp thế giới, buộc Chính phủ Australia phải ra lệnh đóng cửa biên giới quốc gia đối với các du khách từ Trung Quốc vào ngày 1/2.
Mặc dù vậy, chỉ một ngày sau đó, trả lời phỏng vấn Đài ABC về tác động có thể của dịch COVID-19 tới ngân sách liên bang, người đứng đầu ngành tài chính Australia vẫn bảo vệ mục tiêu đạt thăng dư ngân sách của chính phủ khi tuyên bố rằng chính phủ sẽ chỉ xem xét lại mục tiêu này vào thời điểm chính thức công bố ngân sách 2020-2021.
Các biện pháp giải cứu kinh tế chưa từng có
Hơn 1 tháng sau đó, Chính phủ Australia quyết định đóng cửa hoàn toàn biên giới quốc gia cũng như hầu hết các hoạt động kinh tế của đất nước nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 - đại dịch toàn cầu được đánh giá là nguy hiểm nhất trong một thế kỷ qua.
Trước nguy cơ khôn lường về thảm họa kinh tế mà đại dịch có thể gây ra, chỉ trong vòng ba tuần, Chính phủ Australia đã liên tiếp tung ra các gói giải cứu kinh tế lớn nhất trong lịch sử. Ngày 12/3, Bộ trưởng Ngân khố Frydenberg công bố gói cứu trợ khẩn cấp trị giá 17,6 tỷ AUD bao gồm các khoản hỗ trợ một lần cho những người đang hưởng lương hưu và trợ cấp xã hội.
Vài ngày sau đó, gói cứu trợ kinh tế thứ hai được tung ra với trị giá 66 tỷ AUD. Ngày 30/3, Chính phủ Australia đã công bố chương trình trợ cấp lương JobKeeper trị giá 130 tỷ AUD, tuy sau đó Bộ Tài chính đã điều chỉnh giảm xuống còn hơn 70 tỷ AUD do sai sót trong việc tính toán.
Song song với việc ra quyết định cắt giảm lãi suất chính thức xuống mức thấp kỷ lục 0,25%, RBA ngày 19/3 đã thông qua các chính sách tiền tệ "bất bình thường", bao gồm bơm tiền mặt vào nền kinh tế và giảm lãi suất trên thị trường bằng cách mua trái phiếu chính phủ.
RBA cũng đưa ra một chương trình trị giá 90 tỷ AUD để khuyến khích các ngân hàng cho các doanh nghiệp vay với những điều kiện thuận lợi hơn. Tháng 11/2020, RBA tiếp tục cắt giảm lãi suất cơ bản xuống còn 0,1%, đồng thời tuyên bố sẽ mua 100 tỷ AUD trái phiếu chính phủ liên bang và chính quyền bang nhằm giảm lãi suất dài hạn.
Các ngân hàng thương mại cũng tham gia gánh vác trách nhiệm nặng nề trong việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn trong đại dịch. Cho đến giữa tháng 7/2020, các ngân hàng thương mại đã hoãn các khoản nợ trị giá 245 tỷ AUD cho 803.000 khoản vay của các cá nhân và doanh nghiệp.
Trong một quyết định gây tranh cãi, Chính phủ liên bang cho phép người dân rút tối đa 20.000 AUD/người từ tài khoản tiết kiệm hưu trí, vốn chỉ được sử dụng sau khi nghỉ hưu. Theo số liệu chưa đầy đủ, có tới ít nhất 3,5 triệu người Australia đã rút hơn 40 tỷ AUD để chi tiêu trong thời gian đại dịch bùng phát.
Thiệt hại lớn về kinh tế
Bất chấp các biện pháp hỗ trợ chưa từng có này, thiệt hại kinh tế do đại dịch gây ra vẫn hết sức to lớn. Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bị ngưng trệ, trong khi ngân sách liên bang và các bang nhanh chóng rơi vào tình trạng thâm hụt sâu, "thu không đủ chi".
Không nằm ngoài xu hướng của các thị trường tài chính toàn cầu, thị trường chứng khoán Australia đã sụt giảm 37% giá trị trong khoảng thời gian từ ngày 20/2 đến ngày 23/3. Trong báo cáo việc làm tháng Tư công bố ngày 14/5, Cục Thống kê Australia cho hay khoảng 600.000 việc làm đã "biến mất" chỉ trong 30 ngày, một con số sụt giảm kỷ lục.
Gần 4 tháng sau, vào tháng 9/2020, kinh tế Australia lại chứng kiến một cú sốc nữa. Sau khi giảm 0,3% trong ba tháng đầu năm, nền kinh tế giảm tiếp 7% trong quý 2/2020, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1931. Lúc này, Australia chính thức rơi vào tình trạng suy thoái.
Ngân sách liên bang, được công bố vào ngày 6/10, dự đoán sẽ thâm hụt ở mức kỷ lục 213,7 tỷ AUD trong tài khóa 2020-2021. Mức thâm hụt này dự đoán sẽ giảm xuống còn 112 tỷ AUD trong năm tiếp theo, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức thâm hụt 85,3 tỷ AUD trong tài khóa 2019-20. Tất cả những khoản thâm hụt đó đồng nghĩa với tổng nợ liên bang tăng vọt, dự kiến sẽ vượt mức 1.700 tỷ AUD vào đầu những năm 2030.
Trong bài phát biểu hồi tháng 11/2020, Thống đốc RBA Philip Lowe nhìn nhận: "Năm 2020 là một năm có nhiều biến cố lớn. Chúng ta phải thảo luận về những vấn đề mà rất ít người có thể nghĩ tới hồi đầu năm."
Thách thức phía trước
Những số liệu tích cực được công bố trong tháng 12/2020 cho thấy nền kinh tế Australia đang hồi phục và bước ra khỏi tình trạng suy thoái sớm hơn dự kiến, trong bối cảnh dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, các lệnh hạn chế được nới lỏng và hoạt động kinh doanh trở lại bình thường ở hầu hết các bang.
Ngoài ra, báo cáo khảo sát mới nhất của các ngân hàng lớn cũng cho thấy tâm lý tiêu dùng và niềm tin kinh doanh của người dân và doanh nghiệp Australia đã cải thiện đáng kể so với tháng 3/2020, quay lại mức của đầu năm 2018, thể hiện qua số lượng các đơn đặt hàng, giao dịch, mức lợi nhuận và hiệu suất sử dụng lao động đang ngày càng tăng.
Triển vọng phục hồi của nền kinh tế Australia rõ ràng rất khả quan, nhưng không phải không có những thách thức. Trong nội bộ nền kinh tế, bài toán trước mắt của Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg là làm thế nào để khuyến khích người dân tăng cường chi tiêu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, khi phần lớn số tiền mà chính phủ đổ ra cứu trợ đã không được người dân sử dụng mà lại được tích lũy trong các tài khoản ngân hàng.
Số liệu của các ngân hàng cho thấy, đến quý 2/2020, tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình đã tăng lên mức kỷ lục hơn 22%, trong khi tiền gửi ngân hàng của các hộ gia đình tăng thêm 110 tỷ AUD trong 10 tháng đầu năm 2020.
Bộ trưởng Ngân khố Josh Frydenberg mới đây khẳng định tiêu dùng trong nước mới là động lực chính cho sự phục hồi kinh tế hậu đại dịch chiếm tới 60% và là yếu tố cơ bản, đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng GDP.
Thương mại với Trung Quốc không phải là chìa khóa cho sự phục hồi kinh tế của Australia. Tuy nhiên, trong thời gian tới, một thách thức không nhỏ đối với Chính phủ Australia là cải thiện mối quan hệ đang ngày càng xấu đi với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của nước này./.