Kinh tế ban đêm cần thêm chính sách 'thắp sáng'

Ngay sau khi dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, các thành phố du lịch lớn đã rục rịch triển khai thí điểm các mô hình kinh tế đêm, tuy nhiên vẫn mới chỉ là những chấm phá ban đầu.

Theo PGS.TS. Phạm Trương Hoàng, Trưởng Khoa Du lịch và Khách sạn, Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội, để thắp sáng kinh tế ban đêm cần phải có chính sách khách biệt so với các chính sách thông thường, trong đó cần phải cởi mở cho các hoạt động kinh tế diễn ra giống như ban ngày.

“Đòn bẩy” để phát triển du lịch hậu COVID-19

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, đến nay cả nước có khoảng 20 chợ đêm phục vụ du lịch, khoảng 1.000 trong tổng số 2.300 cửa hàng tiện lợi hoạt động 24/24 giờ, chủ yếu tập trung tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh.

Nhiều địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm.

Nhiều địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế ban đêm.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế ban đêm như: ngành du lịch đang phát triển mạnh, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng nhanh từ 7,5 triệu lượt khách vào năm 2015 đã tăng lên 18 triệu lượt khách trong năm 2019. Bên cạnh đó, lượng khách nội địa cũng rất lớn, lên đến 85 triệu khách (năm 2019).

Chỉ tính riêng tại quận Hoàn Kiếm, năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, song tổng thu ngân sách ước đạt hơn 10.000 tỷ đồng, tăng 5,1% so với năm trước. Kết quả này có một phần đóng góp từ kinh tế ban đêm.

Tuy nhiên, 2 năm qua do ảnh hưởng của dịch COVID-19, phát triển kinh tế ban đêm chững lại. Các chuyên gia cho rằng đây cũng là thời điểm để các địa phương chuẩn bị cho phát triển kinh tế ban đêm.

Thực tế, kể từ ngày 15/3/2022, hoạt động du lịch mở cửa hoàn toàn trở lại, tại một số tỉnh thành như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh đã khởi động kinh tế ban đêm với nhiều hoạt động như phố ẩm thực, phố đi bộ, chợ đêm, hệ thống cửa hàng tiện lợi... Ví dụ: phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), TP Hồ Chí Minh có chợ đêm Bến Thành, phố đi bộ Nguyễn Huệ, phố đi bộ Bùi Viện…

Đồng thời, một số tỉnh thành cũng nhanh chóng triển khai các đề án phát triển kinh tế ban đêm như Đà Nẵng với đề án "Phát triển kinh tế ban đêm tại thành phố Đà Nẵng" mới ban hành. Bước đầu là chương trình thí điểm với loạt hoạt động giải trí về đêm được Đà Nẵng dự kiến tái khởi động tại khu vực bãi biển Mỹ An trong tháng 4 nhằm tạo điểm nhấn cho khai thác du lịch.

Tháng 7/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt "Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam". Kinh tế đêm được hiểu là hoạt động dịch vụ diễn ra từ 6h tối hôm trước đến 6h sáng hôm sau, cụ thể như: dịch vụ văn hóa, vui chơi, thể thao, giải trí, dịch vụ ăn uống, dịch vụ mua sắm, du lịch, lễ hội, sự kiện gia đình.

Đến nay, dự án khu phố du lịch An Thượng đã thi công hoàn thành 2 tuyến đường đi bộ; giai đoạn 2 tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo cũng đang được triển khai và hình thành khu trải nghiệm ẩm thực.

Làm gì để khai thác “mỏ vàng” hiệu quả?

Tuy nhiên, thực chất các chuyên gia cho rằng hiện nay, các phố đi bộ ở Hà Nội và phố đi bộ ở TP.Hồ Chí Minh chỉ là hoạt động về đêm, chưa thể coi là kinh tế ban đêm. Nguyên nhân được ông Phạm Trương Hoàng chỉ ra là do chúng ta chưa thấy được tầm quan trọng và nhìn nhận được tiềm năng, quy mô của lĩnh vực này. Vì vậy, cần nhìn nhận lại khái niệm về kinh tế đêm một cách rõ ràng.

Ông phân tích thêm: “Khách du lịch dành 24 giờ để vui chơi giải trí, trong đó, hiện nay chi tiêu du khách chỉ chiếm 30% ban ngày và 70% là chi tiêu vào ban đêm. Bản thân hoạt động vui chơi giải trí về đêm thỏa mãn nhu cầu du khách, vì vậy mới có tình trạng nhiều du khách đến việt Nam than phiền buổi tối không biết đi chơi ở đâu”.

“Việc phát triển kinh tế đêm thời gian tới sẽ khai thác được tối đa lợi ích từ du lịch", chuyên gia này nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, để “thắp sáng” kinh tế ban đêm và khai thác “mỏ vàng” này hiệu quả cần phải có chính sách khách biệt so với các chính sách thông thường, trong đó cần phải cởi mở cho các hoạt động kinh tế diễn ra giống như ban ngày. Trong bối cảnh hiện nay, ông Phạm Trương Hoàng cho rằng vấn đề cơ bản là cần tập trung xây dựng mô hình thí điểm, bởi vì nhu cầu thị trường đã hình thành, nhìn vào cung cầu đã có sự khởi đầu, vì vậy những mô hình thí điểm sẽ là câu trả lời về việc sẽ làm được và làm như thế nào, tiếp theo sẽ làm gì, mạnh điểm nào, yếu điểm nào.

Đồng tình, ông Huỳnh Văn Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ngôi Sao Biển Sài Gòn cho rằng, cần phải xây dựng cơ chế chính sách rõ ràng, có cái nhìn cởi mở cho phát triển dịch vụ đêm.

“Cuộc sống không thể dừng lại vì COVID-19. Với đề án phát triển kinh tế ban đêm, các địa phương phải chuyển mình mạnh mẽ hơn. Đầu tiên phải xác định quy hoạch không gian, loại hình và đối tượng phục vụ cho kinh tế ban đêm. Được vậy, tôi nghĩ nhiều doanh nghiệp sẵn sàng đầu tư, phát triển nhiều loại hình dịch vụ để khai thác "mỏ vàng" này hiệu quả”, ông Sơn nói.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/kinh-te-ban-dem-can-them-chinh-sach-thap-sang-1084564.html