Kinh tế | Bạn đọc viết TRUYỀN HÌNH INTERNET Lai Châu qua ảnh

Mặc dù ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng năm nay, nhiều mặt hàng nông sản của huyện Phong Thổ được mùa, được giá. Kết quả trên một phần do thời tiết thuận lợi, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền huyện trong việc linh hoạt tìm thị trường tiêu thụ; đặc biệt là Nhân dân tích cực áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng năng suất, giá trị kinh tế cao.

Đến các bản của từng xã dọc tuyến biên giới Bắc Dào San, hay các xã vùng thấp của huyện Phong Thổ, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp hình ảnh lúa, ngô hạt chất đầy góc nhà; đậu tương, ngô bắp treo trên mái hiên; những xe máy, ôtô tải chở nặng chuối. Cùng với đó là nụ cười tươi vui, rạng rỡ của người dân khi được mùa.

Anh Lò Văn Thân ở bản Huổi Hán, xã Nậm Xe phấn khởi: Năm nay ngô được mùa hơn năm trước; hạt to, đều hơn; cùng diện tích 1.000m2, vợ chồng tôi thu hoạch được gần đầy nhà ngô thế này; năm trước chỉ được vài bao đủ nuôi mấy con lợn, gà thôi. Thế là gia đình có sản phẩm bán, thêm tiền trang trải cuộc sống hàng ngày. Mùa dịch, có được đồng tiền quý lắm!

Nhân dân xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) vui mừng được mùa ngô.

Nhân dân xã Nậm Xe (huyện Phong Thổ) vui mừng được mùa ngô.

Được biết, năm 2021, nông dân toàn huyện cấy 4.761ha lúa, trồng 3.923ha ngô, 540ha lạc, đậu tương; duy trì và khai thác hơn 3.752ha cây ăn quả cho sản phẩm (trong đó có 3.434ha cây chuối); trên 70ha mía đường xuất khẩu và mía tím, 1.100ha sắn, hơn 200ha khoai sọ, riềng, nghệ... Theo đó, sản lượng lương thực có hạt đạt 36.948 tấn, tăng 1.247 tấn so với năm 2020; chuối quả trên 41 nghìn tấn, tăng 2.357 tấn so với năm trước; sắn đạt trung bình 15-20 tấn/ha; mía 110 tấn/ha; lạc, đậu tương trên 10 tạ/ha.

Cùng với được mùa, giá nông sản năm nay cũng tăng đáng kể so với năm trước; giúp người nông dân có thu nhập cao để ổn định cuộc sống trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19. Cụ thể, bình quân giá thóc là 10.000 đồng/kg tăng 2.000 đồng/kg (trong đó, thóc chất lượng cao như nếp tan, tẻ râu giá 13.000 đồng/kg); chuối quả có giá 11.000 đồng/kg, tăng 2.000 đồng/kg.

Ông Lý A Nhị ở xã Ma Li Pho cho hay: Mọi năm, giá ngô hạt 4 nghìn đồng/kg, năm nay là 7 nghìn đồng/kg mà thương lái vào tận nhà để mua. Vụ vừa rồi, gia đình tôi trồng 5.000m2, thu được 15 bao ngô hạt (gần 1 tấn). Giá lúa, ngô, khoai cao như thế này, vợ chồng tôi có của ăn, của để dưỡng già.

Theo tìm hiểu của phóng viên, để nông sản được mùa, được giá như hiện nay, một phần là do mưa thuận, gió hòa, ít thiên tai, dịch bệnh. Còn lại chủ yếu là sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở tăng cường lãnh, chỉ đạo tuyên truyền, vận động Nhân dân gieo trồng đúng thời vụ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đưa các giống cây trồng có năng suất cao vào gieo trồng trên địa bàn; kịp thời xử lý các vấn đề về sâu bệnh hại trên cây trồng. Đồng thời, Nhân dân tích cực thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi phương thức trồng trọt theo hướng hàng hóa, kinh tế thị trường.

Đồng chí Vũ Hữu Lưỡng - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ cho biết: UBND huyện, các phòng, ban chuyên môn quan tâm, chú trọng tìm các giải pháp liên kết tiêu thụ nông sản cho bà con nhằm ổn định về giá cả và thị trường tiêu thụ. Hiện nay, huyện tạo điều kiện và làm cầu nối hỗ trợ Công ty Giống vật tư Nông nghiệp Tây Bắc liên kết với bà con các xã: Bản Lang, Nậm Xe, Dào San để bao tiêu thóc tẻ râu, nếp tan với giá ổn định 13 nghìn đồng/kg; Hợp tác xã Nông sản Lai Châu bao tiêu mía đường cho người dân xã Hoang Thèn, thị trấn Phong Thổ. Ngoài ra tạo thuận lợi về các thủ tục pháp lý giúp hợp tác xã, doanh nghiệp, tư nhân thu mua chuối của bà con trên địa bàn để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Năm 2021, mặc dù do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cửa khẩu Ma Lù Thàng đóng cửa gần nửa năm qua, nhưng các thương lái vẫn chủ động, linh hoạt để xuất khẩu các mặt hàng nông sản cho người dân. Trong đó, lượng chuối quả tươi xuất khẩu đạt trên 11 nghìn tấn, 2.000 tấn mía đường tươi; 201 tấn củ chuối khô. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa địa phương đạt 23 triệu USD. Ngoài ra, các sản phẩm OCOP 3 sao của huyện như: chè cổ thụ, cá, cao ngựa bạch được tiêu thụ ở thị trường trong và ngoài tỉnh với giá thành sản phẩm cao. Nhờ đó, nâng cao thu nhập cho Nhân dân trên địa bàn lên 34 triệu đồng/người/năm.

Hiện nay, huyện Phong Thổ đã và đang kêu gọi, thu hút nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh vào đầu tư các dự án về nông nghiệp, chế biến nông nghiệp: chè, mắc-ca. Tăng cường quảng cáo, giới thiệu các nông sản địa phương. Đẩy mạnh việc tìm kiếm các thị trường tiềm năng liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản cho Nhân dân trên địa bàn. Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, căn cứ diễn biến thời tiết, dịch Covid-19 và điều kiện sản xuất của địa phương để xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, điều chỉnh cơ cấu sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản cho phù hợp với thực tiễn. Qua đó, từng bước nâng cao giá trị nông sản hàng hóa, tăng thu nhập cho người dân; góp phần thúc đẩy ngành Nông nghiệp phát triển xứng tầm với tiềm năng của huyện.

Nguồn Lai Châu: https://baolaichau.vn/kinh-t%E1%BA%BF/n%C3%B4ng-s%E1%BA%A3n-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-m%C3%B9a-%C4%91%C6%B0%E1%BB%A3c-gi%C3%A1