Kinh tế bán niên tại Miền Trung: Tăng trưởng tích cực
Kinh tế bán niên một số tỉnh, thành phố Nam Trung Bộ như Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai, Khánh Hòa đạt mức tăng trưởng tích cực với tỷ lệ tăng GRDP từ 7,01% - 12,4%.

Lọc dầu Dung Quất - một trong hai lĩnh vực đóng góp lớn vào tăng trưởng GRDP Quảng Ngãi 6 tháng đầu năm 2025.
Những con số "biết nói"
Trong số các địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nam Trung Bộ, Quảng Ngãi là địa phương dẫn đầu cả nước về tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong 6 tháng đầu năm 2025, với tỷ lệ đạt 11,51%.
Theo Cục Thống kê (Bộ Tài chính), nếu tính theo địa giới cũ, Quảng Ngãi đạt 12,4%, là mức tăng cao nhất trong vòng 5 năm qua. Hai ngành công nghiệp trụ cột là lọc hóa dầu và thép khẳng định vị thế dẫn dắt nền kinh tế Quảng Ngãi với mức tăng 19,32%. Trong đó, lọc hóa dầu đạt 3,84 triệu tấn, tăng hơn 34%. Sản phẩm thép đạt 3,38 triệu tấn, tăng gần 24%. Ngoài ra, sản xuất nông nghiệp 6 tháng đầu năm Quảng Ngãi giữ được nhịp tăng trưởng ở mức 3,53%.
Tại Đà Nẵng, kinh tế sau hợp nhất giữa Đà Nẵng và Quảng Nam đạt mức tăng trưởng 9,43%. Trong đó, Đà Nẵng (cũ) đạt mức tăng trưởng 11,7%, thể hiện vai trò dẫn dắt với tốc độ phục hồi và phát triển vượt trội trong các ngành dịch vụ, công nghiệp chế biến, chế tạo và du lịch; Quảng Nam tăng trưởng 6,63%, đóng góp vào sự ổn định và nền tảng sản xuất công nghiệp cũng như nông nghiệp của khu vực.
Với mức tăng 9,43% trong 6 tháng qua, tốc độ tăng GRDP của Đà Nẵng xếp thứ 8/34 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau sáp nhập). Tỷ trọng GRDP cho thấy Đà Nẵng (cũ) giữ vai trò trung tâm kinh tế chủ lực với thế mạnh vượt trội ở các lĩnh vực gồm dịch vụ, du lịch, công nghệ thông tin và logistics. Trong khi đó, Quảng Nam (cũ) dù có tốc độ tăng trưởng thấp hơn trong kỳ nhưng vẫn giữ vai trò nền tảng về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và cung ứng lao động. Sự chênh lệch về quy mô GRDP giữa hai địa phương phản ánh sự chuyển dịch trọng tâm kinh tế về phía đô thị trung tâm, nhưng đồng thời cũng nhấn mạnh tính liên kết và bổ trợ vùng giữa hai địa phương.
Kinh tế 6 tháng đầu năm 2025 của cả Khánh Hòa (cũ) và Ninh Thuận (cũ) đều có những tín hiệu tích cực, tạo tiền đề vững chắc cho sự bứt phá trong tương lai. Tại Khánh Hòa (cũ), GRDP ước tăng 7,01%, thu ngân sách nhà nước đạt 14.751,9 tỷ đồng, tăng 54,9% so với cùng kỳ. Trong khi đó, tại Ninh Thuận, 6 tháng đầu năm, GRDP tăng 9,49% so với cùng kỳ, thu ngân sách nhà nước đạt 3.445 tỷ đồng, bằng 62,6% kế hoạch và tăng 42,9%.
Theo UBND tỉnh Gia Lai, trong nửa đầu năm 2025, GRDP đạt mức tăng trưởng 7,49%, tổng thu ngân sách nhà nước đạt 13.656 tỷ đồng, tăng 37,3% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, phần đóng góp từ địa bàn Bình Định chiếm 10.055 tỷ đồng, trong khi Gia Lai cũ đạt 3.601 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh đạt 1,686 tỷ USD, tăng 21,3%. Riêng Gia Lai cũ, kim ngạch xuất khẩu tăng gần 48%, chủ yếu nhờ cà phê, tạo động lực lớn cho ngành nông nghiệp của tỉnh…
Quyết tâm duy trì mục tiêu tăng trưởng
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi, bà Bùi Thị Quỳnh Vân cho biết, kết quả tăng trưởng GRDP 6 tháng đầu năm 2025 đang đúng theo kịch bản tăng trưởng từ đầu năm đề ra, là nền tảng để Quảng Ngãi hoàn thành kế hoạch cả năm và tạo đà cho giai đoạn tiếp theo. Để duy trì mục tiêu tăng trưởng, Bí thư Quảng Ngãi cho hay, tỉnh sẽ tiếp tục ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư, phát triển hạ tầng giao thông và đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm.
Đối với Đà Nẵng, theo PGS-TS. Bùi Quang Bình (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng), tuy tốc độ tăng trưởng của tỉnh Quảng Nam (cũ) không như kỳ vọng, nhưng nhờ quy mô kinh tế của TP. Đà Nẵng (cũ) lớn hơn Quảng Nam nên đã kéo được tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm của TP. Đà Nẵng mới lên xấp xỉ 10%. “Thế mạnh công nghiệp của Quảng Nam (cũ) trong nửa đầu năm nay hơi trầm lắng, cần có các giải pháp đẩy mạnh động lực này để góp sức vào mục tiêu tăng trưởng chung của TP. Đà Nẵng trong năm 2025. Tuy nhiên, với tốc độ tăng trưởng đạt 9,43% trong 6 tháng đầu năm, mục tiêu tăng trưởng 10% trong năm nay của TP. Đà Nẵng là trong tầm tay”, PGS-TS. Bùi Quang Bình nhận định.
Tại tỉnh Khánh Hòa, 6 tháng đầu năm, GRDP dù chưa như kỳ vọng, song tỉnh vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng của năm ở mức từ 10% trở lên thông qua các mục tiêu: rà soát, đánh giá lại kết quả tăng trưởng 6 tháng đầu năm chung của cả 2 tỉnh Khánh Hòa (cũ), Ninh Thuận (cũ); đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và thu hút đầu tư ngoài ngân sách; tăng cường kích cầu du lịch, dịch vụ, tiêu dùng nội địa; triển khai KPI trong đánh giá công vụ, phát triển chính quyền số hướng đến nâng cao năng suất và hiệu quả điều hành.
Đánh giá về chỉ tiêu tăng trưởng tại Gia Lai, theo ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy, sau sáp nhập, tỉnh cũng gặp nhiều thách thức, hạn chế. Nổi cộm trong đó là hạ tầng giao thông, thủy lợi, y tế và giáo dục vẫn chưa đồng bộ. Sự khác biệt về cơ chế quản lý giữa hai địa phương cũ có thể ảnh hưởng đến hiệu quả điều hành của Gia Lai (mới).
Để khắc phục những bất cập này, tỉnh Gia Lai đã ban hành bộ quy tắc vận hành mới, lấy phương châm “Rõ người – Rõ việc – Rõ sản phẩm – Rõ tiến độ – Rõ trách nhiệm – Rõ thẩm quyền” làm kim chỉ nam; chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội được giao cụ thể đến từng xã, phường, đặc biệt ưu tiên các vùng khó khăn. Quan trọng nhất, theo Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai, là cần chuẩn hóa hệ thống dữ liệu, nhất là số liệu của hai tỉnh trước đây để làm cơ sở xây dựng kế hoạch chương trình kịch bản tăng trưởng kinh tế đạt 8%.
“Cần rà soát tất cả khó khăn vướng mắc, những dư địa để khơi thông. Cần đổi mới mạnh mẽ tư duy cách vận hành bộ máy từ tư duy quản lý sang chính quyền kiến tạo, phục vụ cho dân, tất cả những việc của dân và doanh nghiệp là phải giải quyết ngay từ cơ sở”. Ông Hồ Quốc Dũng nhấn mạnh.