Hoàn thiện thể chế tài chính đồng bộ cho giai đoạn phát triển mới
Các luật quan trọng trong lĩnh vực tài chính vừa được Quốc hội thông qua tiếp tục khẳng định tầm nhìn chiến lược của Đảng và Nhà nước trong việc hoàn thiện thể chế tài chính, khơi thông nguồn lực, xây dựng hành lang pháp lý đồng bộ cho giai đoạn phát triển mới.

Ưu đãi về thuế trong phát triển năng lượng tái tạo, góp phần phát triển xanh, bền vững. Ảnh: Đức Thanh
Văn phòng Chủ tịch nước vừa tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các Luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 9, trong đó có 4 luật quan trọng thuộc lĩnh vực tài chính, bao gồm: Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 66/2025/QH15; Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp số 68/2025/QH15; Luật Ngân sách nhà nước số 89/2025/QH15 và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 67/2025/QH15.
Đột phá trong phân cấp, phân quyền ngân sách
Lần lượt giới thiệu những điểm mới và ý nghĩa quan trọng của từng đạo luật, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận cho biết, Luật Ngân sách Nhà nước số 89/2025/QH15 được xây dựng bám sát các nghị quyết, kết luận của Trung ương và Bộ Chính trị về sắp xếp tổ chức bộ máy, triển khai mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, thúc đẩy khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời tăng cường phân cấp, phân quyền, đặc biệt là đổi mới cơ chế phân cấp quản lý và phân bổ ngân sách để đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương và tính chủ động của ngân sách địa phương.
Bước đi dài hơi cho phát triển bền vững
Các luật trong lĩnh vực tài chính vừa được ban hành đã góp phần hoàn thiện nền tảng pháp lý để nguồn vốn ngân sách được quản lý, sử dụng hiệu quả hơn, từ đó mang lại lợi ích cho phát triển kinh tế cũng như đời sống người dân.
Bên cạnh nâng cao tính hiệu quả, khơi thông nguồn lực, các quy định mới cũng tăng tính minh bạch, tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các chủ thể trong nền kinh tế; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đây sẽ là những yếu tố để Việt Nam ứng phó hiệu quả với các thách thức mới, đồng thời tận dụng tốt các cơ hội từ quá trình chuyển đổi số, phát triển xanh và nền kinh tế tuần hoàn.
Với mục tiêu tạo chuyển biến căn bản về cơ chế phân cấp, phân quyền trong quản lý ngân sách, Luật đã sửa đổi toàn diện, thay đổi cơ bản cách phân chia nguồn thu giữa ngân sách trung ương và địa phương, trao quyền chủ động, linh hoạt cho các cấp chính quyền trong lập dự toán, điều chỉnh ngân sách, sử dụng nguồn thu vượt dự toán.
Bên cạnh đó, luật còn tăng thẩm quyền cho địa phương trong ban hành phí, lệ phí và quyết định các chế độ chi ngân sách phù hợp thực tiễn, giúp xóa bỏ cơ chế “xin - cho”, khơi thông điểm nghẽn thủ tục, đồng thời tăng trách nhiệm giải trình, minh bạch. Một điểm mới quan trọng khác là luật đã bổ sung quy định về ưu tiên bố trí ngân sách, tăng tính linh hoạt, kịp thời trong bố trí chi cho các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số - động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế.
Được kỳ vọng là cú hích lớn cho khu vực doanh nghiệp nhà nước, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp số 68/2025/QH15 đã mở rộng phạm vi điều chỉnh, không chỉ áp dụng cho doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn mà còn với các tổ chức tín dụng Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội…
Quy định mới khẳng định rõ Nhà nước thực hiện quyền, trách nhiệm sở hữu theo cơ chế thị trường, minh bạch, hiệu quả, tách bạch quản lý nhà nước và quản trị doanh nghiệp. Trong đó, nguyên tắc căn bản của Luật là trao quyền cho chủ sở hữu nhà nước thực hiện quyền đối với phần vốn góp như những nhà đầu tư thông thường khác, trao nhiều quyền tự chủ cho doanh nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp được quyền ban hành chiến lược phát triển 5 năm, 10 năm và kế hoạch kinh doanh hàng năm. Hội đồng thành viên, chủ tịch công ty tự quyết định phương án huy động vốn và chịu trách nhiệm về hiệu quả; đồng thời có nhiều quyền hơn trong việc quyết định các dự án đầu tư. Doanh nghiệp cũng được trao quyền tự thông qua báo cáo tài chính hàng năm và tự quyết định vấn đề tiền lương, tiền thưởng.
Đây được xem là bước tiến quan trọng để khơi thông nguồn lực, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tránh can thiệp hành chính không cần thiết, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước, phát huy vai trò dẫn dắt của khu vực kinh tế nhà nước.
Cải cách thuế theo xu thế toàn cầu
Trong khi đó, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 67/2025/QH15 đã tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, thể hiện cam kết của Việt Nam trong hội nhập quốc tế, ứng phó với bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu.
Luật bổ sung nhiều quy định để mở rộng phạm vi thu thuế với doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh thương mại điện tử, nền tảng số tại Việt Nam; bổ sung các khoản thu nhập chịu thuế và miễn thuế phù hợp với định hướng phát triển các ngành nghề ưu tiên như tín chỉ carbon, trái phiếu xanh, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.
Về ưu đãi thuế, Luật đã tinh chỉnh, bổ sung các tiêu chí ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp cho những lĩnh vực mũi nhọn, đồng thời loại bỏ những ưu đãi dàn trải, kém hiệu quả. Bên cạnh đó, quy định mới khuyến khích doanh nghiệp tăng trích lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ, ưu tiên các khoản chi liên quan đến giảm phát thải, trung hòa carbon, phù hợp với cam kết phát triển xanh, bền vững.
Cũng trong lĩnh vực thuế, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt số 66/2025/QH15 thể hiện rõ mục tiêu điều tiết tiêu dùng, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, phù hợp với thông lệ quốc tế và cam kết hội nhập.
Luật đã điều chỉnh tăng thuế suất, áp dụng lộ trình với rượu, bia, thuốc lá; bổ sung mặt hàng mới như nước giải khát có hàm lượng đường cao… vào diện chịu thuế. Đồng thời, bổ sung mức thuế tuyệt đối đối với thuốc lá. Với Luật mới, nhiều mặt hàng như nước giải khát nhiều đường, rượu bia, thuốc lá sẽ phải “gánh” mức thuế cao hơn theo lộ trình. Điều này không chỉ khuyến khích người dân chuyển sang các sản phẩm lành mạnh hơn, mà còn định hướng sản xuất, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách để đầu tư trở lại cho các chương trình y tế cộng đồng, giáo dục sức khỏe.
Gỡ nhiều ràng buộc cho doanh nghiệp nhà nước
Cung cấp thông tin cụ thể hơn về những quy định đột phá tạo sự thay đổi về quản trị cho doanh nghiệp nhà nước, bà Nguyễn Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp nhà nước, Bộ Tài chính cho biết, Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp trao thêm nhiều quyền cho doanh nghiệp.
Trước đây, chiến lược phát triển và kế hoạch kinh doanh hàng năm do cơ quan đại diện chủ sở hữu ban hành. Tại Luật này, quyền chủ động này được trao cho doanh nghiệp, cho phép họ ban hành chiến lược phát triển 5 năm, 10 năm và kế hoạch kinh doanh hàng năm, từ đó tháo gỡ vướng mắc về việc chậm trễ trong ban hành có thể ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Cơ quan đại diện chủ sở hữu hoặc chủ sở hữu nhà nước sẽ tập trung vào việc quản lý các chỉ tiêu chủ yếu như doanh thu, lợi nhuận và tỷ suất lợi nhuận trên vốn.
Luật mới cũng trao quyền cho hội đồng thành viên, chủ tịch công ty tự quyết định phương án huy động vốn và chịu trách nhiệm về hiệu quả. Trường hợp huy động vốn vượt quá ba lần vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp chỉ cần báo cáo để cơ quan đại diện chủ sở hữu theo dõi, giám sát thay vì phải xin phê duyệt như trước đây.
Về quyền quyết định dự án và khoản đầu tư, Luật mới tháo gỡ vướng mắc khi các dự án đầu tư đạt đến một giá trị nhất định phải báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu để chấp thuận, gây mất thời gian và ảnh hưởng đến việc triển khai. Như vậy, hội đồng thành viên, chủ tịch công ty có nhiều quyền hơn trong việc quyết định các dự án đầu tư.
Nếu dự án thuộc diện phải chấp thuận chủ trương đầu tư theo Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư hoặc các luật chuyên ngành, thẩm quyền sẽ thực hiện theo các luật đó và không phải báo cáo lên cơ quan đại diện chủ sở hữu.