Kinh tế báo chí nhiệm vụ đặt ra cho các cơ quan báo chí trong giai đoạn hiện nay
Sáng ngày 27/6, tại Hà Nội, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, đã tổ chức Hội thảo 'Vấn đề kinh tế báo chí đối với các Tạp chí khoa học của Liên hiệp Hội Việt Nam năm 2023'.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS. TS. Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết: Liên hiệp Hội có hệ thống báo chí lớn, có nhiều tiềm năng phát triển mạnh các hoạt động thông tin, phổ biến kiến thức, tư vấn phản biện và giám định xã hội, là kênh quan trọng trong việc phổ biến chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.
Thời gian qua, báo chí trong hệ thống Liên hiệp Hội đã không ngừng cải thiện nội dung, phương pháp làm báo, đáp ứng tốt nhu cầu thông tin ngày càng cao của các nhà khoa học, trí thức và bạn đọc cả nước. Tuy nhiên, yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho các cơ quan báo chí trong giai đoạn hiện nay là rất lớn, trong đó có vấn đề kinh tế báo chí.
Phát biểu tham luận tại hội thảo, PGS.TS, Nhà báo Nguyễn Thành Lợi, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho biết, cùng với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, đặc biệt là sự thay đổi mạnh mẽ trong hệ sinh thái truyền thông, chuyển đổi số là một trong những giải pháp cấp thiết và quan trọng hàng đầu nhằm đạt mục tiêu “hiện đại hóa” hoạt động báo chí theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là “xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Tuy nhiên, để báo chí thực sự vận hành một cách hiệu quả chuyển đổi số, người làm báo không chỉquan tâm tới “công nghệ” mà phải tìm nhiều giải pháp đột phá để phát triển kinh tế báo chí trong xu hướng chuyển đổi số hiện nay.
Trong xu hướng chuyển đổi số, các cơ quan báo chí bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị, cần làm tốt và bắt kịp xu thế vận động và phát triển của kỷ nguyên công nghệ số. Nếu cơ quan báo chí chuyển đổi số thành công, cần phải có công nghệ và giải pháp hỗ trợ từ các cơ quan quản lý và sự liên kết giữa các cơ quan báo chí. Do đó, kinh tế báo chí trong xu hướng chuyển đổi số đã tiệm cận dần đến từ khóa “kinh tế báo chí số”.
Hiện nay, thị trường quảng cáo trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang đang chuyển từ quảng cáo trên báo chí truyền thống sang quảng cáo số, tác động mạnh tới doanh thu của các cơ quan báo, đài vì phần lớn báo chí dựa vào nguồn thu từ quảng cáo và dịch vụ truyền thông, rất ít các cơ quan báo chí thực hiện đa dạng nguồn thu.
Trong bối chuyển đổi số, các cơ quan báo chí nên thay đổi chiến lược, xây dựng các bộ phận truyền thông - quảng cáo một cách bài bản và chuyên nghiệp, mới có thể phát triển kinh tế báo chí ổn định và bền vững lâu dài, tránh gặp những rủi ro không đáng có.
Nhà báo Vũ Xuân Bân - Phó Tổng biên tập Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển tham luận nêu rõ: Ở nước ta, báo chí là sản phẩm văn hóa, cũng là sản phẩm chính trị, không thể bằng mọi giá để có nguồn thu. Các cơ quan báo chí đều thực thi nhiệm vụ kép, dù cơ quan báo chí là đơn vị sự nghiệp có thu một phần hay tự chủ hoàn toàn thì nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là thực hiện nhiệm vụ chính trị theo tôn chỉ, mục đích của tờ báo, tạp chí in hay điện tử. Tôn chỉ đó xác định vị trí, chức năng của cơ quan báo chí đó.
Cũng theo Nhà báo Vũ Xuân Bân, làm kinh tế trong hoạt động báo chí là nhu cầu cần thiết trước hết của chính tờ báo, tạp chí và xa hơn nữa của nền kinh tế thông tin và hội nhập. Nhưng, không thể bằng mọi cách, mọi giá và càng không phải theo cách “lôi kéo độc giả theo cách chiều chuộng mọi nhu cầu, dọa dẫm mặc cả; chặt chém, thông tin đục đục mờ mờ gây tò mò…”. Những cách làm kinh tế kiểu đó, nó mâu thuẫn với việc thực hiện tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của tờ báo, tạp chí và đi xa hơn nữa là vi phạm pháp luật.
Phó Tổng Biên tập Tạp chí Tự động hóa Ngày nay - đồng chí Trần Thị Giang, cho rằng việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các cơ quan báo chí thuộc Liên hiệp Hội đang đặt ra bài toán cho bản thân các cơ quan báo chí lẫn cơ quan chủ quản trực tiếp, cơ quan gián tiếp là Liên hiệp Hội và Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT.
Cũng theo đồng chí Trần Thị Giang, cần coi trọng đồng bộ công tác đổi mới nội dung và phát hành. Trong xu hướng phát triển báo chí hiện nay, ngoài việc tồn tại những cơ quan báo chí, sản phẩm báo chí thông tin tổng hợp phong phú về nội dung, bao quát gần như các lĩnh vực trong đời sống xã hội thì việc tồn tại các tạp chí chuyên ngành như loại hình báo chí chuyên biệt là phù hợp nhu cầu độc giả cũng như nhu cầu phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực. Vậy sản phẩm báo chí ấy cần hấp dẫn độc giả nghiên cứu về chiều sâu, thông tin của loại hình báo chí ấy phải theo kịp sự phát triển của tri thức, trình độ dân trí trong xã hội đó.
Nhưng nếu thông tin khoa học quá hàn lâm và thiên về lý thuyết thì lượng người đọc sẽ bị thu hẹp, đồng nghĩa với việc số lượng phát hành hạn chế. Việc xã hội hóa nội dung, xã hội hóa đối tượng độc giả khi đã có mong muốn thực hiện cần triển khai nội dung đúng với tinh thần xã hội hóa để đối tượng công chúng mà tạp chí muốn hướng đến thực sự thấy thông tin phù hợp với mình, chứ không phải mục tiêu thì có mà cách thực hiện lại không phù hợp. Việc đổi mới nội dung thông tin trên các sản phẩm báo chí cần đồng thời triển khai công tác phát hành hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần coi trọng chiến lược phát triển nguồn thu cho cơ quan báo chí, tạo cơ chế chính sách hợp lý để huy động nguồn lực tập thể. Tăng tính chủ động, sáng tạo và năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của cán bộ, nhân viên trong tòa soạn báo chí. Xây dựng cơ chế quản lý, sử dụng tài chính phù hợp đặc thù của hoạt động báo chí.
Kết luận Hội thảo, PGS. TS Phạm Ngọc Linh - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, những ý kiến mà các đại biểu nêu ra tại Hội thảo này sẽ được tổng hợp sớm gửi đến các cơ quan chức năng Đảng, Nhà nước xem xét. Trong thời gian tới, việc sửa đổi Luật Báo chí năm 2016 nhằm tạo điều kiện cho báo chí nói chung, trong đó có hệ thống báo chí của Liên hiệp hội hoạt động có nguồn thu hợp pháp, phát triển bền vững, góp phần thiết thực xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại công nghệ số, "bùng nổ" thông tin./.