Kinh tế bất ổn, tầng lớp trung lưu Trung Quốc ngừng chi tiêu xa xỉ
Nhiều người đã giảm thiểu việc tiêu tốn tiền vào những món đồ hay dịch vụ xa xỉ và tập trung hơn vào việc đảm bảo tài sản riêng ở mức an toàn và bền vững.
Theo kết quả từ một cuộc khảo sát hàng năm do Viện Tài chính Tiên tiến Thượng Hải (SAIF) của Đại học Giao thông Thượng Hải và nhà cung cấp dịch vụ tài chính Charles Schwab phối hợp thực hiện, được công bố vào 19/9 vừa qua, khi tình hình kinh tế ngày càng bất ổn khiến người dân cảm thấy cuộc sống trở nên khó khăn hơn, tầng lớp trung lưu ở Trung Quốc đang trở nên dè xẻn hơn và cắt giảm việc mua sắm xa xỉ phẩm.
Cuộc khảo sát được thực hiện đối với những người được xác định là ở cấp độ khá giả, với thu nhập hàng năm từ 125.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 415 triệu VNĐ) đến 1 triệu nhân dân tệ (3,3 tỉ VNĐ), từ các thành phố hạng nhất đến hạng 3 trên khắp Trung Quốc. Trong số hơn 4.500 người được khảo sát, chỉ có 28,6% coi việc chi tiêu xa xỉ là mục tiêu tài chính, giảm mạnh so với mức 50% ở thời điểm cách đây 5 năm. Mong muốn tiết kiệm vốn để thành lập công ty cũng giảm. Hiện tại chỉ có 27,8% số người trả lời khảo sát coi đó là mục tiêu, ở mức 1/3 so với năm ngoái.
Thay vào đó, việc chăm sóc cha mẹ và chuẩn bị tiền cho các vấn đề sức khỏe đã được ưu tiên hơn. Báo cáo cho biết những thay đổi này cho thấy họ “đang tập trung lại vào sự an toàn và bền vững, để duy trì cuộc sống trong thời gian ngắn trước mắt thay vì đầu tư vào tương lai hoặc chi tiêu cho những hoạt động tiêu dùng chỉ thể phô trương sự giàu có”.
Tu Quangshao, giám đốc điều hành SAIF và cựu phó thị trưởng Thượng Hải, gọi nhóm người được khảo sát là “những người đang trở nên giàu có”, là một nhóm tương tự như tầng lớp trung lưu ở phương Tây và hoạt động tiêu dùng của họ đóng vai trong quan trọng trong bức tranh kinh tế lớn của quốc gia này.
“Những người này đóng vai trò rất quan trọng đối với sự tăng trưởng kinh tế của đất nước. Bởi vì bất kể thuộc ngành nghề hay lĩnh vực nào, thì họ cũng đều là trụ cột kinh tế và là nguồn lực tiêu dùng lớn, đặc biệt khi chính phủ đang nỗ lực kích thích việc chi tiêu.”
Ngoài ra, nhiều người cũng có xu hướng không còn lạc quan hay kỳ vọng nhiều vào vấn đề đầu tư để sinh lời. Chỉ khoảng 18% cho biết bản thân đang sở hữu cổ phiếu, đây là mức thấp nhất kể từ khi bắt đầu cuộc khảo sát từ 2017, và hơn 1/3 số người được khảo sát nói rằng họ không đầu tư vào bất động sản nào. Ngược lại, các khoản tiền mặt và tiền gửi có kỳ hạn cố định chiếm đến khoảng 56% danh mục đầu tư của họ.
Thông qua cuộc khảo sát, có thể thấy nhiều người Trung Quốc hiện nay đã dần thay đổi suy nghĩ về khái niệm giàu có. Sau nhiều năm bị đóng cửa do dịch Covid, họ đã hạ thấp tiêu chuẩn của bản thân về những yếu tố tạo nên sự giàu có. Năm 2021, họ vẫn cho rằng “giàu có về tài chính” là sở hữu tài sản lưu động từ 5,06 triệu nhân dân tệ (tương đơn hơn 16,8 tỉ VNĐ) trở lên. Nhưng đến 2023,số tiền đó đã giảm xuống còn 4,23 triệu nhân dân tệ (tương đơn hơn 14 tỉ VNĐ).
Lisa Hunt - người đứng đầu bộ phận dịch vụ quốc tế của tập đoàn tài chính đa quốc gia Charles Schwab, cho biết điều tương tự cũng đã xảy ra ở Mỹ. Bà giải thích: “Tất cả chúng ta đều đã thay đổi suy nghĩ vì đã không còn đi du lịch nhiều nữa mà dành nhiều thời gian hơn ở nhà. Điều đó giúp chúng ta có thể làm được nhiều việc hơn và tốn ít chi phí hơn.”
Lisa Hunt cũng nói thêm, bất chấp tình hình không mấy khả quan trước mắt, “những người đang trở nên giàu có” ở Trung Quốc càng ngày càng thể hiện sự tự tin về tình hình tài chính của bản thân, chủ yếu là do họ có niềm tin rất lớn vào khả năng đạt được mục tiêu mà mình đặt ra.