Kinh tế BRICS vững vàng nhờ Nga, Trung Quốc và Ấn Độ? Cách nhóm làm 'lu mờ' vị thế đồng USD
Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS) bao gồm các quốc gia có nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Nhóm 5 thành viên được chú ý trong bối cảnh thế giới thúc đẩy việc thay đổi sự thống trị của đồng USD trong thương mại quốc tế. BRICS sẽ thúc đẩy quá trình này thế nào?
BRICS đã trở nên khá quan trọng trong động lực kinh tế toàn cầu nhờ sự kết hợp sức mạnh của 5 nền kinh tế thành viên. Với dân số đông, tài nguyên thiên nhiên dồi dào, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, nhóm đã trở thành động lực tăng trưởng kinh tế thế giới và đóng vai trò định hình chính sách toàn cầu.
Một trong những sáng kiến quan trọng mà nhóm thực hiện là tăng cường thương mại nội khối, sử dùng nội tệ để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.
Tiềm năng kinh tế to lớn
BRICS mang lại tiềm năng kinh tế to lớn. Ví dụ, vào năm 2022, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nhóm đạt khoảng 18,6 nghìn tỷ USD, gần bằng 1/4 tổng GDP toàn cầu. Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - đóng góp hơn 70% tăng trưởng GDP của nhóm.
Tăng trưởng kinh tế nhanh chóng, đầu tư cơ sở hạ tầng lớn, xuất khẩu mạnh mẽ và tiêu dùng nội địa cao là những yếu tố chính giúp Bắc Kinh có cơ sở để đóng góp vào tăng trưởng kinh tế BRICS.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là một trong những quốc gia có thị trường tiêu dùng lớn nhất thế giới. Đất nước có tác động không nhỏ đến mục tiêu xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế của các nước trong nhóm.
Mặt khác, Nga là một trong những nước sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới và có trữ lượng tài nguyên thiên nhiên dồi dào, đặc biệt là dầu khí. Đóng góp này rất quan trọng trong việc hỗ trợ nhu cầu năng lượng toàn cầu và là nhân tố chính trong hợp tác năng lượng giữa các thành viên BRICS.
Moscow cũng đóng vai trò trong phát triển công nghệ, công nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng, hàng không vũ trụ và công nghệ hạt nhân. Nga có chuyên môn, tiềm năng trong các lĩnh vực này và có thể đóng góp lớn cho sự phát triển công nghệ cao của các nước BRICS.
Thêm vào đó, Nga tăng cường hợp tác thương mại giữa các nước BRICS, trong đó, có nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong thương mại quốc tế. Thời gian qua, Moscow thúc đẩy đa dạng hóa tiền tệ trong thương mại song phương với các nước BRICS. Đây là một bước quan trọng trong tiến trình phi USD hóa.
Bên cạnh Trung Quốc và Nga, Ấn Độ cũng duy tốc độ tăng trưởng ổn định. New Delhi trở thành một trong những thị trường lớn nhất thế giới, với dân số đông và tăng trưởng kinh tế nhanh.
Tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 15, nhóm này tuyên bố, kể từ ngày 1/1/2024, sẽ có thêm 6 quốc gia gồm: Argentina, Ethiopia, Iran, Arab Saudibia, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Ai Cập sẽ chính thức trở thành thành viên của khối.
Các chuyên gia đánh giá, việc mở rộng thêm thành viên của BRICS giống như “hổ mọc thêm cánh”, giúp nâng tầm vị thế và tầm ảnh hưởng của khối này trên trường quốc tế.
BRICS mở rộng sẽ chiếm gần 40% nền kinh tế toàn cầu. GDP của nhóm BRICS hiện đã vượt GDP của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) và khoảng cách này sẽ ngày càng lớn hơn khi có thêm 6 thành viên mới gia nhập BRICS vào năm tới.
GDP của BRICS mở rộng tính theo sức mua tương đương (PPP) sẽ vào khoảng 65.000 tỷ USD, đưa tỷ trọng của khối trong GDP toàn cầu tăng từ 31,5% hiện tại lên 37%. Trong khi đó, tỷ trọng GDP của nhóm G7 hiện ở mức khoảng 29,9%.
Ngoài ra, với việc bổ sung các thành viên mới, các quốc gia BRICS sẽ chiếm gần một nửa sản lượng lương thực của thế giới. Năm 2021, sản lượng thu hoạch lúa mì của nhóm lên tới 49% tổng sản lượng toàn cầu. Thị phần của G7 là 19,1%. BRICS mở rộng sẽ chiếm khoảng 38,3% sản lượng công nghiệp toàn cầu, so với 30,5% của G7.
Hợp sức "lật đổ" USD
Trong những năm gần đây, thông qua sức mạnh kinh tế và tầm ảnh hưởng, BRICS đã đưa ra nhiều giải pháp về thương mại và tài chính quốc tế. Từ đó, trực tiếp giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.
Nhóm đã thúc đẩy việc sử dụng đồng nội tệ của các quốc gia tương ứng trong thương mại, giảm sự phụ thuộc vào ngoại tệ và tăng cường hội nhập kinh tế.
Một trong những bước quan trọng nhất là việc BRICS thành lập Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) vào năm 2014. NDB được thành lập nhằm mục đích cung cấp các khoản vay cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng ở các nước thành viên cũng như bên ngoài BRICS, sử dụng tiền tệ quốc gia thay vì đồng bạc xanh.
Theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2022, thương mại nội khối BRICS đạt hơn 500 tỷ USD. Mặc dù con số này vẫn còn kém xa thương mại toàn cầu nhưng tốc độ tăng trưởng ổn định cho thấy, xu hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào ngoại tệ, đặc biệt là đồng USD đang phát triển.
Phó Tổng thống Nam Phi Paul Mashatile từng tuyên bố, thế giới chú ý đến BRICS vì khối này đang đi đầu trong trong các cuộc thảo luận toàn cầu nhằm giảm sự phụ thuộc vào USD. Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi không cạnh tranh với phương Tây. Chúng tôi muốn không gian của mình trong kinh doanh toàn cầu".
Nhóm thậm chí còn đưa ra tín hiệu về khả năng giới thiệu một loại tiền tệ thương mại chung của khối tại Hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 8/2023.
Mặc dù một loại tiền tệ như vậy vẫn đang trong quá trình phát triển nhưng ông Joe Sullivan, cựu cố vấn đặc biệt của Hội đồng Cố vấn kinh tế Nhà Trắng nhận định, BRICS mở rộng có khả năng "lật đổ" sự thống trị của đồng USD, ngay cả khi chưa xuất hiện đồng tiền chung.
"Đồng USD đang phải đối mặt với thách thức ngày càng tăng từ các nước BRICS do kế hoạch mở rộng của khối này và nỗ lực thúc đẩy việc sử dụng đồng tiền quốc gia trong thương mại giữa các nước thành viên", ông Joe Sullivan khẳng định.
Không thể phủ nhận, giảm sự phụ thuộc vào USD sẽ tác động đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu. Điều này có thể làm giảm tác động của biến động tỷ giá hối đoái đối với sự ổn định thương mại và kinh tế. Tuy nhiên, bằng cách sử dụng các đồng nội tệ trong thương mại, BRICS có thể tự bảo vệ mình khỏi những biến động có thể phát sinh do chính sách tiền tệ của Mỹ hoặc bất ổn thị trường toàn cầu.
Thay đổi sự thống trị của đồng USD không thể xảy ra trong "một sớm, một chiều", nhưng các bước đi mà BRICS thực hiện đã góp phần lớn vào việc cải tổ cơ cấu tài chính quốc tế vốn đang phụ thuốc vào đồng bạc xanh.
Modern Diplomacy cũng nhận thấy, về lâu dài, quá trình phi USD có thể là động lực cho hệ thống tài chính toàn cầu ổn định và cân bằng hơn.