Kinh tế châu Âu: Thừa nhận chỉ là 'phàm nhân', nỗi sợ tụt hậu trước Mỹ-Trung Quốc, 2 sai lầm lịch sử, không sập bẫy 'phép màu' (Kỳ 1)

Xung đột Nga-Ukraine bộc lộ khoảng cách ngày càng lớn giữa những người cho rằng EU cần một tương lai không phụ thuộc Mỹ và phe coi bất kỳ động thái nào có thể khiến Washington xa lánh liên minh là điều đáng chê trách.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Sorbonne, ngày 25/4, cảnh báo châu Âu đang tụt hậu. (Nguồn: AP)

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại Sorbonne, ngày 25/4, cảnh báo châu Âu đang tụt hậu. (Nguồn: AP)

Mọi người dường như đều thấy rõ rằng nền kinh tế châu Âu đang gặp khó khăn. Tuy nhiên, Liên minh châu Âu (EU) không nên trông cậy vào Mỹ để tìm cảm hứng cho phục hồi và phát triển.

Những mối bận tâm

Vào tháng 9/2017, phát biểu tại giảng đường chính của Đại học Sorbonne ở Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra ý tưởng về “quyền tự chủ” của châu Âu. Ông lập luận rằng, với những cải cách đúng đắn, châu Âu có thể điều hướng một cách suôn sẻ những mối nguy hiểm đang tích tụ của quá trình toàn cầu hóa.

Vào ngày 25/4, trên cùng một bục phát biểu tại Sorbonne, ông Macron có bài phát biểu dài nhưng thông điệp khác biệt rõ rệt. Tờ The Economist số ra ngày 4/5 có bài báo với dòng tít trên trang bìa, trích lời nhà lãnh đạo Pháp: “Châu Âu của chúng ta là ‘phàm nhân’. Nó có thể chết”.

Ông Macron cảnh báo: “Châu Âu sẽ tụt lại phía sau. Chúng ta đã bắt đầu thấy điều này rồi”.

Tổng thống Pháp nghiền ngẫm những đánh giá khủng khiếp hiện đang khiến giới tinh hoa kinh tế và chính trị của EU bận tâm: Khối này đang bị buộc phải chi hàng tỷ USD cho thị trường năng lượng toàn cầu; phụ thuộc về mặt kỹ thuật số vào Thung lũng Silicon, bỏ lỡ cơ hội tích lũy vốn dựa trên công nghệ đã từng tái tạo nền kinh tế Mỹ kể từ năm 2008, quá phụ thuộc vào công nghệ xanh cũng như các khoáng sản quan trọng của Trung Quốc trong bối cảnh dễ bị tổn thương về năng lượng. Chưa kể đến việc các cam kết giảm lượng khí thải CO2 của liên minh đòi hỏi phải tăng tốc nhanh chóng trong việc triển khai các công nghệ trung hòa carbon.

Tuyên bố rằng tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người ở Mỹ đã vượt xa châu Âu hơn 30% kể từ đầu những năm 1990, ông Macron cảnh báo, nếu không có gì thay đổi, EU phải đối mặt với tình trạng “bần cùng hóa” tập thể.

Mặc dù có rất ít sự đồng thuận về cách ứng phó, nhưng ngày càng có nhiều ý kiến đồng tình về các vấn đề của khối cho thấy thực tế sự suy giảm kinh tế dài hạn của EU so với các trung tâm khác của phương Tây trên toàn cầu.

Một báo cáo được lưu hành rộng rãi năm 2023 của Hội đồng quan hệ đối ngoại châu Âu đã chỉ ra rằng, GDP danh nghĩa của Mỹ vào năm 2022 đạt 25 nghìn tỷ USD, tăng gần 1/3 so với nền kinh tế EU và Vương quốc Anh cộng lại. 15 năm trước, trước cuộc khủng hoảng năm 2008, châu Âu và Mỹ về cơ bản ở mức ngang bằng về kinh tế.

Sự cách biệt lớn

Vài tuần trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (ngày 6-9/6), khối này vẫn bị chia rẽ một cách đặc trưng theo các đường lối chính trị và khu vực.

Những lời kêu gọi EU phát triển chính sách công nghiệp trên toàn khối với các khoản đầu tư công lớn và trợ cấp được tài trợ bởi khoản vay chung đang chống lại chủ nghĩa bảo thủ tài chính của các quốc gia phía Bắc, vốn giàu có hơn. Điều này khả năng tái diễn các cuộc tranh luận như đã từng diễn ra đối với chính sách thắt lưng buộc bụng được áp dụng khắc nghiệt trong những năm 2010.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ký đạo luật giảm lạm phát, ngày 16/8/2022. (Nguồn: Getty Images)

Tổng thống Mỹ Joe Biden ký đạo luật giảm lạm phát, ngày 16/8/2022. (Nguồn: Getty Images)

Trong khi đó, xung đột Nga-Ukraine (từ tháng 2/2022) đã bộc lộ khoảng cách ngày càng lớn giữa những người cho rằng EU cần dự đoán một tương lai không có sự bảo trợ an ninh của Mỹ và những người coi bất kỳ động thái nào có thể khiến Washington xa lánh liên minh là điều đáng chê trách. Ngay cả Tổng thống Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng có ý kiến khác biệt.

Những chia rẽ này lại nổi lên vào thời điểm khối đặc biệt phải đối mặt với các thế lực từ nước ngoài. Hàng trăm tỷ USD trợ cấp của doanh nghiệp cho các công nghệ tái tạo do Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của chính quyền Tổng thống Joe Biden đang đẩy ngành công nghiệp châu Âu tụt hậu xa hơn so với các công ty Mỹ. Việc chi tiêu rầm rộ của Washington đang làm gia tăng khoảng cách đầu tư, vốn đã tăng lên lần đầu tiên sau cuộc khủng hoảng.

Tính trung bình, chi tiêu vốn ròng của các tập đoàn Mỹ lấn át đầu tư của các đối tác châu Âu. Theo một báo cáo gần đây của công ty tư vấn quản trị toàn cầu McKinsey, từ năm 2015-2022, đầu tư của các công ty Mỹ đã tăng khoảng 30%, trong khi ở châu Âu thì trì trệ.

Dân số EU khoảng 448 triệu người, cao hơn Mỹ hơn 100 triệu người. Tuy nhiên, trong 3 quý đầu năm 2023, lục địa này chỉ là điểm đến của 90 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài, trong khi nền kinh tế số 1 thế giới thu hút được 300 tỷ USD, một phần nhờ vào việc triển khai IRA.

Các nhà lãnh đạo châu Âu lo ngại làn sóng xe điện giá rẻ và các công nghệ năng lượng tái tạo khác từ Trung Quốc. Khi các quốc gia EU nỗ lực cắt giảm 55% lượng khí thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 1990 như đã cam kết, các công ty Trung Quốc sẵn sàng thống trị thị trường xe điện và chuỗi cung ứng khoáng sản được sử dụng trong các công nghệ không carbon.

Hơn 90% tấm pin Mặt trời được lắp đặt ở châu Âu vào năm 2023 được sản xuất tại nền kinh tế số 2 thế giới, trong khi 25% doanh số bán xe điện vào năm 2024 dự kiến sẽ là hàng nhập khẩu từ cường quốc châu Á, cao hơn 5 điểm phần trăm so với năm trước.

Kể từ năm 2022, châu Âu đã giảm nhập khẩu khí đốt của Nga, vốn đã giảm từ gần 40% lượng nhập khẩu trước xung đột ở Ukraine còn khoảng 10% vào năm 2023. Tuy nhiên, một sự “giảm thiểu rủi ro” tương tự từ Trung Quốc thông qua thuế quan thậm chí khó có thể được chứng minh.

Sau khí đốt giá rẻ của Nga, việc bán phần cứng có giá trị gia tăng cao cho Trung Quốc là trụ cột khác của ngành công nghiệp Đức - động lực chính của nền kinh tế châu Âu nói chung. Reuters đưa tin, Mỹ có thể sẽ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Đức vào năm 2024, sau 8 năm Trung Quốc giữ vị trí hàng đầu.

Tuy nhiên, với tư cách là một thị trường thay thế, Mỹ có thể tỏ ra chưa đủ mức độ tin cậy như vậy, tùy thuộc vào chính quyền của Nhà Trắng.

(còn nữa)

(theo The Nation)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-chau-au-thua-nhan-chi-la-pham-nhan-noi-so-tut-hau-truoc-my-trung-quoc-2-sai-lam-lich-su-khong-sap-bay-phep-mau-ky-1-272442.html