Đảng cực hữu của bà Le Pen quyết giành đa số trong vòng 2 bầu cử Pháp
Đảng RN cực hữu đánh bại liên minh trung dung của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở vòng đầu tiên của cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn.
Khi Pháp chuẩn bị cho vòng 2 của cuộc bầu cử lập pháp trước thời hạn vào ngày 7/7, Đảng Tập hợp Quốc gia (RN) của chính trị gia cực hữu Marine Le Pen đã tuyên bố rằng ngay cả khi kết quả bầu cử không mang lại cho họ đa số tuyệt đối, họ vẫn sẽ cố gắng thành lập một chính phủ đa số bằng cách thu hút các đồng minh từ Đảng Cộng hòa (Les Républicains) bảo thủ.
Thông báo này được đưa ra sau khi Đảng RN đánh bại liên minh trung dung của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở vòng đầu tiên của cuộc bầu cử 2 vòng diễn ra hôm 30/6. RN được dự đoán sẽ tiếp tục chiếm ưu thế trong vòng 2.
“Đó không phải là một sự thay đổi hướng đi vì bà ấy vẫn nói rằng họ sẽ không thành lập một chính phủ thiểu số”, ông Mujtaba Rahman của Eurasia Group cho biết. “Bà ấy đang nói rằng nếu đảng của bà ấy có thể chạm đến rất gần ngưỡng cần thiết, họ sẽ cố gắng lôi kéo các đồng minh từ cánh hữu cứng rắn của Les Républicains và sau đó thành lập một chính phủ đa số”.
Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu chính trị gia kỳ cựu Le Pen, 56 tuổi; ông Jordan Bardella, 28 tuổi, người đứng đầu Đảng RN và ứng cử viên Thủ tướng Pháp của đảng này, có thành công hay không. Ông Éric Ciotti, lãnh đạo Les Républicains lúc bấy giờ, đã gây phẫn nộ và buộc phải rời đảng vào tháng trước sau khi tuyên bố hợp tác với Đảng RN.
Trong nỗ lực đập tan giấc mơ đa số 289 ghế trong Quốc hội Pháp khóa mới của phe cực hữu, liên minh trung dung của ông Macron đang nỗ lực lôi kéo một số ứng cử viên về thứ 3 trước thềm vòng bỏ phiếu mang tính quyết định vào ngày 7/7.
Trong khi đó, liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NPF) cho biết họ sẽ rút tất cả các ứng cử viên về thứ 3 của họ để dồn sức ngăn sự trỗi dậy của cực hữu. Cho đến nay, 202 ứng cử viên đã từ bỏ cuộc đua – 127 người thuộc các đảng cánh tả và 75 người thuộc phe trung dung của ông Macron.
Nếu Đảng RN của bà Le Pen thành công trong việc giành được sự ủng hộ từ các đảng khác sau cuộc bỏ phiếu vòng 2 vào ngày 7/7, điều này sẽ tiếp tục “bình thường hóa” phe cực hữu trong nền chính trị Pháp và có thể mở ra một chính phủ cực hữu trong Quốc hội Pháp khóa mới.
Bà Le Pen cũng đã lên kế hoạch hậu bầu cử. Các thành viên trong Đảng RN của bà thuộc nhóm Bản sắc và Dân chủ (ID) tại Nghị viện châu Âu (EP) dự kiến gặp gỡ các đồng minh EU vào ngày 8/7 để thảo luận về tương lai của phe cực hữu trên toàn châu Âu.
Nhiều người đang cân nhắc xem có nên tham gia một liên minh dân túy mới được Thủ tướng Hungary Viktor Orban công bố trong tuần này hay không.
Minh Đức (Theo GZero Media)