Kinh tế chia sẻ: Cần cơ chế thử nghiệm công nghệ mới

Theo quyết định phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ của Thủ tướng, cần có cơ chế thử nghiệm chính sách mới cho hoạt động triển khai, ứng dụng công nghệ mới.

 Việt Nam cần sớm xây dựng cơ chế thử nghiệm cho các dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới (ví dụ như Grab, Uber, AirBnb...) theo loại hình kinh tế chia sẻ, từ đó góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng công nghệ, thúc đẩy phát triển nền kinh tế số.

Việt Nam cần sớm xây dựng cơ chế thử nghiệm cho các dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới (ví dụ như Grab, Uber, AirBnb...) theo loại hình kinh tế chia sẻ, từ đó góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng công nghệ, thúc đẩy phát triển nền kinh tế số.

Thủ tướng vừa chính thức phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ với Quyết định số 999/QĐ-TTg (ngày 12-8-2019). Quyết định này sẽ góp phần khuyến khích hoạt động đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ số và phát triển nền kinh tế số (Digital Economy).

Điểm quan trọng trong quyết định phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ là việc thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách mới (theo dạng sandbox) cho việc triển khai và ứng dụng các công nghệ mới theo mô hình kinh tế chia sẻ (sharing economy). Đây cũng là điều các doanh nghiệp phát triển công nghệ mới đang trông chờ để có điều kiện ứng dụng công nghệ mới (được phép thử nghiệm trước) theo mô hình kinh tế chia sẻ.

Đề án mô hình kinh tế chia sẻ bao gồm việc đề xuất các giải pháp hoàn thiện quản lý nhà nước về mô hình kinh tế chia sẻ nhằm phát huy các mặt tích cực và giảm thiểu rủi ro của mô hình kinh tế này ở Việt Nam. Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Đề án sẽ làm rõ bản chất, nội hàm và nhận dạng các hoạt động kinh tế chia sẻ, phân tích thực trạng phát triển kinh tế chia sẻ, phản ứng chính sách và đề xuất các giải pháp để hoàn thiện quản lý nhà nước về mô hình này ở Việt Nam.

Trước đây, tại Việt Nam đã xuất hiện một số dịch vụ (ứng dụng công nghệ) áp dụng mô hình kinh tế chia sẻ như dịch vụ vận tải trực tuyến từ năm 2014 (Uber, Grab, dichung...), dịch vụ chia sẻ phòng (AirBnB). Bên cạnh đó, một số dịch vụ khác cũng đã xuất hiện trong mảng du lịch như Triip.me, dịch vụ sửa chữa điện tử, điện lạnh, xây dựng… như Rada (ứng dụng kết nối thợ sửa chữa điện tử, điện lạnh...), dịch vụ tài chính ứng dụng công nghệ cho vay ngang hàng như huydong.com...

Theo nhận xét từ một số chuyên gia công nghệ thì để có thể phát triển tốt các dịch vụ mới dựa trên ứng dụng công nghệ (theo mô hình kinh tế chia sẻ), cần xây dựng cơ chế triển khai thử nghiệm (gọi là sandbox) để có thể xem dịch vụ đó có phù hợp với chúng ta hay không. Những công nghệ mới, dịch vụ/mô hình kinh doanh mới, trong khi cơ quan Nhà nước chưa biết phải quản lý dịch vụ này như thế nào sẽ được phép thử nghiệm trong một thời gian (thời gian thí điểm) và khu vực giới hạn.

Việc phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ, cơ quan quản lý nhà nước sẽ đảm bảo cho các hoạt động kinh tế hợp pháp được phát triển, trong đó có các hoạt động kinh tế chia sẻ; thay đổi tư duy và cách thức quản lý nhà nước cho phù hợp với xu thế phát triển kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0. Đồng thời, nâng cao nhận thức và năng lực của doanh nghiệp, địa phương và người dân về mô hình kinh tế chia sẻ.

Một điểm quan trọng là xây dựng và phát triển hệ sinh thái cho kinh doanh, đầu tư theo mô hình kinh tế chia sẻ; cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa kinh tế chia sẻ và kinh tế truyền thống. Các cơ quan quản lý nhà nước sẽ phải rà soát, bãi bỏ các quy định, điều kiện kinh doanh không phù hợp đối với lĩnh vực kinh doanh truyền thống và áp dụng chung cho kinh tế chia sẻ.

Sandbox là bộ khung thể chế thí điểm ở một quốc gia hoặc khu vực cụ thể, nó cho phép một số doanh nghiệp triển khai thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong thực tiễn (kết nối thực tế với người dùng) nhưng giới hạn phạm vi và thời gian xác định, dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý ngành. Điều này giúp phát triển nhanh các dịch vụ mới, thúc đẩy ứng dụng công nghệ... nhưng cơ quan quản lý sẽ không lâm vào cảnh lúng túng, không biết phải quản lý như thế nào đối với các dịch vụ này (giống như hiện nay chúng ta lúng túng trong việc quản lý dịch vụ taxi/xe ôm công nghệ của Grab, Vato, Go-Viet...).

Chí Thịnh

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/292792/kinh-te-chia-se-can-co-che-thu-nghiem-cong-nghe-moi.html