Kinh tế Chung tay vì mục tiêu đảm bảo an ninh nước

TTH - An ninh nước đang đối mặt với nhiều thách thức, nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Để đạt được mục tiêu 100% người dân dùng nước sạch theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị, ngoài những nỗ lực của Công ty CP Cấp nước Thừa Thiên Huế (HueWACO) còn cần sự đồng lòng của người dân, sự vào cuộc trong chỉ đạo của hệ thống chính trị.

Lãnh đạo huyện Quảng Điền và HueWACO khảo sát thi công tuyến ống băng phá

Lãnh đạo huyện Quảng Điền và HueWACO khảo sát thi công tuyến ống băng phá

Thiếu hụt nguồn nước cấp

An ninh nước được hiểu là sự bảo đảm cấp đủ lượng nước với chất lượng nước phù hợp phục vụ cho sức khỏe, sinh kế và hoạt động sản xuất, ứng với mức độ chấp nhận được về các rủi ro liên quan đến nước. Với cách hiểu này, đảm bảo an ninh nguồn nước phải đạt được một hệ thống bền vững về quản trị nguồn nước, kết cấu hạ tầng ngành nước, đảm bảo đủ nguồn nước cấp để cân bằng nguồn nước phục vụ mục tiêu phát triển bền vững.

Là một trong những địa phương đi đầu trong cung cấp nước sạch với tỷ lệ người dân dùng nước đạt 94%, trong đó, đô thị đạt 98,4% nông thôn đạt 90,5%… đây là tỷ lệ rất cao so với cả nước. Tuy nhiên, trên địa bàn vẫn còn 6% người dân chưa tiếp cận nước sạch chủ yếu vùng sâu, vùng xa, miền núi A Lưới. Ngoài ra, dưới tác động của biến đối khí hậu, lượng nước cấp vào mùa khô thiếu hụt nghiêm trọng.

Tại một số nguồn khai thác như Khe Mệ - Nhà máy (NM) Chân Mây, Khe Su của NM Lộc Trì (huyện Phú Lộc), suối Tà Rê của NM A Lưới (huyện A Lưới), lưu lượng nguồn nước thô từ các khe suối giảm từ 60-100m3/h (tương đương 30 - 60% công suất nhà máy). Riêng suối Thượng Ngàn của NM Bình Điền đã khô cạn sớm, chỉ còn 15% công suất của NM, gây nguy cơ thiếu nước. Vào mùa mưa, lưu lượng dòng chảy của hệ thống sông suối tăng đe dọa hệ thống cấp nước, gây ngập cục bộ ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động cấp nước cũng như hệ thống cấp nước.

Có thể lấy sự cố nước đục tại NM Chân Mây làm ví dụ và cũng là bài học trong công tác đảm bảo an ninh nước. Khi trong điều kiện nắng hạn đột biến gay gắt, lượng nước nguồn về nhà máy chỉ còn từ 40% so với ngày thường, ảnh hưởng không nhỏ đến việc cấp nước cho người dân. Công ty phải lấy nước từ sông Thừa Lưu làm giải pháp tình thế để bù lượng nước nguồn bị thiếu hụt của NM Chân Mây do nắng hạn kéo dài. Tuy nhiên, sự cố tại NM trên xảy ra cùng thời điểm lấy nước sông Thừa Lưu nên xảy ra hiểu lầm đáng tiếc.

Công ty phải lắp đặt 4 lọc áp lực để thay bể lọc bị sự cố; hoàn thành NMN cơ động 2.400m3/ngày đêm lấy nguồn từ Thủy Yên cùng 3km đường ống D225 để cấp nước kịp thời cho người dân trong vòng chưa đến 1 tuần; huy động 100 cán bộ, công nhân viên làm việc liên tục xuyên đêm thông rửa bằng quả mút trên 200km đường ống chính trong vòng 10 ngày.

Năm 2022, khu vực Chân Mây - Lăng Cô sẽ thiếu 5.000 m3/ngày đêm do HueWACO đã ngừng khai thác nguồn nước sông Thừa Lưu vào cao điểm nắng nóng và sự hồi phục kinh tế du lịch sau đại dịch, chưa tính đến các dự án đầu tư mới trong khu vực nhu cầu khoảng 2.000m3.

Để đáp ứng nhu cầu dùng nước khu vực kinh tế trọng điểm Chân Mây - Lăng Cô, Sở Xây dựng đã có công văn đề nghị HueWACO nghiên cứu phương án cấp nước đối với Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Theo đó, đầu tư nâng cấp NM XLN cơ động Thủy Yên từ 2.400m3/ngđ lên 5.000m3/ngày đêm theo phương thức đầu tư “Công trình xây dựng khẩn cấp” nhằm kịp thời đối phó với tình trạng hạn hán vào mùa hè 2022. Đồng thời, nghiên cứu đề xuất đầu tư xây dựng NM Lộc Thủy 55.000m3/ngày đêm, lấy nước từ hồ Thủy Yên phân kỳ theo 4 giai đoạn (GĐ 1 đầu tư lắp đặt máy móc công suất 12.500m3/ngày đêm). Ngoài ra, đề xuất tạo điều kiện để công ty khai thác nguồn Hói Dừa, Hói Mít công suất 2.000m3/ngày đêm, đáp ứng cho 900 đấu nối mới tại thị trấn Lăng Cô, dự án chợ Lăng Cô.

Lắp đặt nhà máy nước cơ động Thủy Yên

Lắp đặt nhà máy nước cơ động Thủy Yên

Và giải pháp bổ sung nguồn nước

Theo HueWACO, giai đoạn 2013 - 2021, sản lượng nước chỉ tăng 3 - 4,5%/năm, nhưng nhiều thời điểm trong năm 2021, sản lượng nước tăng đột biến gần 11,6%, đặc biệt ngày cao điểm nhất lên đến 209.558m3/ngày đêm, vượt 69,55% so với công suất bền vững và vượt 4,78% so với công suất thiết kế tạm thời, ảnh hưởng rất lớn đến việc đảm bảo cấp nước an toàn (CNAT), an ninh nước (ANN).

Để đảm bảo CNAT cho người dân, công ty đã thi công tuyến nước thô chống mặn kênh thủy lợi hồ Truồi để dự phòng bổ sung nguồn cho NM Lộc An trong trường hợp nước sông Truồi bị nhiễm mặn. Khẩn trương hoàn thành nhà máy cơ động công suất 2.400m3/ngày đêm, lấy nguồn từ hồ Thủy Yên cấp nước cho khu vực Chân Mây - Lăng Cô. Thi công tuyến ống truyền tải chiến lược DN400 gang băng hầm đèo Phước Tượng dài 1,7km lấy nước từ NM Chân Mây cấp nước cho các xã Lộc Trì, Lộc Bình giúp nghỉ vận hành 4 nhà máy nhỏ công nghệ lạc hậu và thiếu nguồn vào mùa hè tại xã Lộc Bình là Tân Bình, Hải Bình, Mai Gia Phường, Vinh Hiền.

Đặc biệt, đưa vào hoạt động tuyến ống truyền tải D800, D600 dọc đường Đào Tấn mở rộng - Đặng Huy Trứ vào tuyến ống truyền tải chính D1000 đường Điện Biên Phủ vào cuối tháng 5. Đây là tuyến ống truyền tải chiến lược quan trọng nhằm bổ sung áp lực cho khu vực phía đông TP. Huế, nhất là khu vực thị xã Hương Thủy, KCN Phú Bài và một số khu vực thuộc huyện Phú Vang như Phú Xuân, Phú Hồ…

Ngoài ra, thi công tuyến ống D225 HDPE dài 3,7km băng ngầm phá Tam Giang từ bến đò Cồn Tộc, xã Quảng Lợi qua xã Quảng Ngạn. Đây là tuyến ống được đặt thêm song song với tuyến ống cũ D225 HDPE được thi công từ năm 2009 nhằm đảm bảo cấp nước an toàn, liên tục khi một trong hai tuyến ống gặp sự cố.

Thi công nhà máy nước cơ động Thủy Yên

Thi công nhà máy nước cơ động Thủy Yên

Đẩy mạnh giải phóng mặt bằng

Bổ sung nguồn nước cấp chỉ là một trong những giải pháp góp phần đảm bảo ANN. Cùng với đó, các giải pháp về công trình, kỹ thuật cũng sẽ là “bàn đạp” không nhỏ vừa góp phần đảm bảo ANN, nâng tỷ lệ người dùng nước NM Vạn Niên đang xây dựng có công nghệ tiên tiến hiện đại, áp dụng nhiều sáng kiến, sáng tạo đỉnh cao KHCN của ngành nước như công trình chống lũ, chống cát; chống rác và phao chắn dầu, bể lắng lọc thông minh chất lượng cao thân thiện với môi trường… Đặc biệt, bể lọc tiếp xúc sinh học (uBCF) công nghệ Nhật xử lý được các chất hữu cơ, rong tảo, màu, mùi, nitrit, nitrat, amoni… chi phí xây dựng thấp chỉ bằng 1/10 so với bể lọc uBCF Công ty Kobelco Nhật Bản chuyển giao cho một công ty cấp nước miền Bắc. Nước sản xuất ra không chỉ an toàn mà còn ngon theo tiêu chí nước ngon của Nhật.

NM được khởi công từ ngày 24/2/2021, đến nay sau hơn 10 tháng thi công, đã hoàn thành 70% các hạng mục xây dựng công trình trạm bơm, bể lắng, bể lọc… Tuy nhiên, hiện nay hạng mục xây dựng bể chứa nước sạch 30.000m3 tại đồi Quảng Tế 3 - phường Thủy Xuân chưa thể triển khai do vướng công tác giải phóng mặt bằng (3,74ha). Hiện mới chỉ có 16 hộ nhận tiền đền bù vào giao đất với diện tích đất đã thu hồi chỉ đạt 18,9%, còn lại 27 hộ chưa nhận tiền và chưa bàn giao mặt bằng do giá đền bù đất thấp.

Theo ông Trương Công Hân, Tổng Giám đốc HueWACO, mặc dù công ty và lãnh đạo của TP. Huế, phường Thủy Xuân đã rất tích cực, nhiều lần đối thoại, tuyên truyền, vận động nhưng đến thời điểm hiện nay, người dân vẫn chưa chấp hành. Vì thế, công ty rất mong lãnh đạo tỉnh, TP quan tâm, chỉ đạo sớm giải phóng mặt bằng để các hạng mục dự án hoàn thành đồng bộ, chính thức đi vào hoạt động nhằm đảm bảo ANN cho 72% dân số, với khoảng 811.000 người dân TP. Huế và vùng phụ cận khi HueWACO phải bàn giao NM Dã Viên cho tỉnh để thực hiện quy hoạch khu du lịch, các nhà máy khu vực hạ lưu cũng ngưng hoạt động để đảm bảo chất lượng nước.

Ngoài ra, cần sớm triển khai Trạm trung chuyển điều áp Châu Sơn 10.000m3 nhằm đảm bảo cấp nước cho khu vực TX. Hương Thủy, KCN Phú Bài, một phần của huyện Phú Vang trước khó khăn do nguồn nước cấp của nhà máy nước Phú Bài 5.000m3/ngđ bị nhiễm mặn.

Việc chậm đầu tư các công trình trước tháng 6/2022 sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đảm bảo cấp nước an toàn, an ninh nước trên toàn tỉnh trong mùa hè năm 2022.

Bài, ảnh: Thảo Nguyên

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chung-tay-vi-muc-tieu-dam-bao-an-ninh-nuoc-a108710.html