Kinh tế Công nghiệp - TTCN Tiếp sức cho làng nghề, nghề truyền thống
TTH - Từ nguồn vốn khuyến công, nhiều làng nghề, nghề truyền thống đã được khôi phục, duy trì và có hướng phát triển khả quan.
Nghề rèn truyền thống ở cầu Vực (P. Thủy Châu, TX. Hương Thủy) có 20 hộ, trước đây, tất cả đều làm bằng thủ công nên khả năng cạnh tranh rất hạn chế. Những năm gần đây, tranh thủ nguồn hỗ trợ khuyến công và lồng ghép các nguồn hỗ trợ khác, đến nay, nhiều cơ sở rèn đã được đầu tư mua mới máy móc, thiết bị hiện đại giúp nâng chất lượng, sản lượng, mẫu mã và khả năng cạnh tranh.
Anh Huỳnh Thế Tiến - chủ cơ sở rèn Trường Tiến chia sẻ: “Từ hỗ trợ của chương trình khuyến công, cơ sở rèn của tôi đã mua mới máy dập trục khuỷu, máy cán, máy khoan và máy búa nén khí, giúp giải quyết được khâu nặng nhất của quy trình tạo ra sản phẩm rèn. Kết hợp công nghệ hiện đại với phương pháp rèn truyền thống, những sản phẩm ngày càng tinh xảo, chất lượng, giá thành hạ, đủ sức cạnh tranh trên thị trường”.
Từ lâu, làng Phò Trạch (Phong Bình – Phong Điền) nổi tiếng với nghề đan đệm bàng. Tuy nhiên, để làm ra một chiếc đệm bàng phải mất rất nhiều thời gian vì trải qua rất nhiều công đoạn, nhưng khi bán ra giá lại rất rẻ, trong khi đầu ra bấp bênh, nên nhiều người phải chuyển sang nghề khác có thu nhập ổn định hơn khiến một thời gian dài, nghề đan đệm bàng hoạt động cầm chừng, thậm chí đứng trước nguy cơ mai một.
Nhận thấy sản phẩm được làm từ cây cỏ bàng, như: đệm, túi xách, mũ, chiếu, ống hút… đang trở thành xu hướng tiêu dùng của nhiều người vì màu đẹp, có độ bền chắc, thân thiện môi trường…, sau thời gian nghiên cứu, năm 2019, Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt mạnh dạn bắt tay vào sản xuất ống hút và một số sản phẩm từ loại cây này.
“Lúc bắt đầu, chúng tôi xác định sẽ rất chật vật do thiếu vốn. Tuy nhiên, từ nguồn kinh phí của chương trình khuyến công hỗ trợ lên đến 300 triệu đồng (mức tối đa đối với 1 dự án), chúng tôi đã mua sắm thêm nhiều máy móc hiện đại, giúp rút ngắn một số công đoạn, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa mẫu mã sản phẩm, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng cũng như đủ “tự tin” để tham gia các hội chợ giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Đến hiện tại, đơn đặt hàng cơ sở chúng tôi luôn trong tình trạng “full”, bà Nguyễn Thị Huệ - Giám đốc Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt chia sẻ.
“Nếu tận dụng thời gian nhàn rỗi, mỗi ngày thu nhập từ 50 – 100 ngàn đồng. Nếu chuyên tâm làm, thu nhập khoảng 100 – 150 ngàn đồng/ngày và điều quan trọng là công việc ổn định. Gia đình tôi đang có 3 người tham gia làm các sản phẩm từ cỏ bàng. Hiện, không chỉ trong làng có mấy chục hộ quay lại với nghề mà nhiều người trẻ xa quê cũng quay lại làng lấy sản phẩm để khởi nghiệp.”, chị Nguyễn Thị Ngọc Oanh, dân làng Phò Trạch cho hay.
Từ hỗ trợ của chương trình khuyến công và một số nguồn khác đã giúp các cơ sở, doanh nghiệp trong làng nghề đã cải tiến thiết bị, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, từ đó tạo được kết nối giữa sản phẩm và khách hàng trong, ngoài nước, đồng nghĩa có thêm nhiều đơn hàng, giúp tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Đó chính là cơ sở quan trọng để khôi phục, duy trì và phát triển làng nghề, nghề truyền thống.Theo ông Nguyễn Lê Minh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công thương), thời gian qua, chương trình khuyến công địa phương đã đóng góp không nhỏ trong hồi phục, duy trì, phát triển các làng nghề, nghề truyền thống gắn với du lịch, dịch vụ; góp phần thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm và các chương trình liên quan khác. Tiếp tục thực hiện chương trình khuyến công, ở đợt 1 năm 2022, khuyến công địa phương dự kiến hỗ trợ 8 đề án với tổng kinh phí gần 1 tỷ đồng. Đây sẽ là động lực góp phần giúp các cơ sở, doanh nghiệp trong làng nghề tiếp tục khôi phục, phát triển như mục tiêu đề ra.