Kinh tế cửa khẩu khẳng định vị thế Lào Cai

Những ngày đầu năm 2025, Nhân dân Lào Cai vui mừng khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý với Dự án đầu tư xây tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng để trình Quốc hội phê duyệt tại kỳ họp Quốc hội trong tháng 2/2025. Đây sẽ là trục kết nối quan trọng giữa những cảng biển lớn ở miền Bắc với Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, là “cú hích” để Lào Cai sớm trở thành Trung tâm kết nối giao thương giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc và châu Âu.

Tỉnh Lào Cai (Việt Nam) và tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) có sông núi nối liền, vị trí đặc biệt quan trọng không chỉ với hai nước mà còn là cầu nối giữa ASEAN với Trung Quốc và châu Âu. Vì thế, không phải tự nhiên mà các tuyến giao thông kết nối giữa hai địa phương được hình thành từ rất sớm và hoạt động buôn bán, giao thương hàng hóa cũng sôi động dần theo từng năm. Đặc biệt, bước sang thế kỷ XXI, hợp tác biên mậu giữa Lào Cai (Việt Nam) và Vân Nam (Trung Quốc) có sự tăng trưởng vượt bậc bởi nhận được sự ủng hộ về chính sách ưu đãi, đầu tư hệ thống giao thông, xây dựng cơ sở hạ tầng tại các cặp cửa khẩu để hình thành khu kinh tế cửa khẩu nhộn nhịp bậc nhất của hai nước.

Theo dữ liệu thống kê, nếu như tổng giá trị hàng hóa xuất - nhập khẩu qua Cửa khẩu Quốc tế Lào Cai (Việt Nam) - Hà Khẩu (Trung Quốc) năm 2001 chỉ đạt gần 210 triệu USD thì đến năm 2007 là 723 triệu USD (tốc độ tăng trưởng bình quân đạt gần 20%/năm). Đến năm 2019, kim ngạch xuất - nhập khẩu hàng hóa tại các cửa khẩu của tỉnh Lào Cai đạt cao nhất với 3,8 tỷ USD; năm 2023 là 1,159 tỷ USD (do ảnh hưởng của dịch Covid-19). Bước sang năm 2024, hoạt động xuất - nhập khẩu từng bước phục hồi, giá trị kim ngạch xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn đạt 3,625 tỷ USD.

Những ai đã từng sinh sống, gắn bó với vùng đất biên cương Lào Cai đều nhận thấy sự đóng góp vô cùng quan trọng của hoạt động thương mại qua biên giới đối với sự phát triển của tỉnh. Sau gần 35 năm tái lập tỉnh (năm 1991), sự phát triển của kinh tế cửa khẩu có sự tăng trưởng rất lớn, từ những phiên chợ đường biên hình thành tự phát để mua bán hàng hóa tiêu dùng và nông sản của cư dân hai bên biên giới đến những chuyến đò thô sơ chở hàng qua lại trên sông Hồng, sông Nậm Thi và hôm nay là những cặp cửa khẩu quốc tế được xây dựng hiện đại, bề thế, như cặp Cửa khẩu Quốc tế đường bộ Lào Cai - Hà Khẩu (qua cầu Hồ Kiều II), Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành (qua cầu Kim Thành) và Cửa khẩu Quốc tế đường sắt Lào Cai - Hà Khẩu (qua cầu Hồ Kiều)…

 Từ đầu tháng 11/2024, Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành đã được mở rộng thêm 5 luồng thông quan, đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa ngày càng tăng cao.

Từ đầu tháng 11/2024, Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành đã được mở rộng thêm 5 luồng thông quan, đáp ứng nhu cầu xuất, nhập khẩu hàng hóa ngày càng tăng cao.

Theo quy hoạch cửa khẩu trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì tỉnh Lào Cai được mở và nâng cấp 2 cặp cửa khẩu Mường Khương (Lào Cai) - Kiều Đầu (Vân Nam), Bản Vược (Bát Xát) - Pả Sa (Vân Nam) thành cửa khẩu quốc tế; mở 6 lối thông quan - đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa giữa Lào Cai và Vân Nam, gồm Bản Quẩn - Sơn Yêu, Na Lốc - Mã Hoàng Pao, Lồ Cô Chin - Lao Kha, Hóa Chư Phùng - Seo Pả Chư, Lũng Pô - Lũng Pô Chải và lối thông quan Y Tý - Ma Ngán Chải. Cùng với đó, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, cửa khẩu thông minh giúp nâng cao năng lực thông quan, giảm chi phí logistics qua các cửa khẩu. Đặc biệt, tỉnh Lào Cai đang hướng tới việc hình thành Cảng cạn Kim Thành, Cảng cạn quốc tế Bản Vược, cùng các trung tâm logistics hiện đại trên biên giới. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng mà còn tạo thuận lợi cho hàng hóa lưu thông qua biên giới Việt - Trung.

Nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 10/2/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 20/12/2024 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 1620/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai xây dựng Lào Cai trở thành Trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc.

Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch là xây dựng Lào Cai trở thành cửa ngõ quan trọng, đầu mối kết nối giao thông và kinh tế của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ, giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc với kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại; phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai là đầu mối trung tâm trung chuyển hàng hóa, trung tâm logistics lớn trên tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, hợp tác kinh tế Tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS); phát triển Lào Cai trở thành trung tâm dịch vụ về tài chính, du lịch, thương mại, tổ chức sự kiện mang tầm quốc tế; triển khai xây dựng, vận hành cửa khẩu thông minh, xây dựng thí điểm khu hợp tác kinh tế qua biên giới tại cửa khẩu Lào Cai, góp phần đưa tỉnh Lào Cai đến năm 2030 trở thành cực tăng trưởng, tỉnh phát triển khá của cả nước.

Để hiện thực hóa kế hoạch, Chính phủ yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, ban, ngành Trung ương cân đối vốn đầu tư công giai đoạn 2026 - 2030 để bố trí cho các công trình, dự án nhằm xây dựng Lào Cai trở thành Trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc. Cùng với đó, giao UBND tỉnh Lào Cai triển khai 2 đề án: Đề án thí điểm xây dựng mô hình mới về Khu hợp tác kinh tế qua biên giới tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ Lào Cai và Đề án xây dựng cửa khẩu thông minh tại Cửa khẩu đường bộ số II Kim Thành và xã Bản Vược, huyện Bát Xát.

Theo ông Vương Trinh Quốc, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai, tới đây, khi đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, đối với Lào Cai, kinh tế cửa khẩu tiếp tục đóng vai trò là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng. Bởi, năm 2024, Lào Cai đã được đánh giá có nhiều điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội với tăng trưởng GRDP đạt trên 7,38% (cao hơn so với năm 2023 là 5,11%), trong đó kinh tế cửa khẩu có đóng góp rất quan trọng, là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, với tổng giá trị xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu ước đạt 3,625 tỷ USD (tăng 68% so với năm trước).

“Để đạt được mục tiêu tổng trị giá xuất - nhập khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh đạt 9 tỷ USD và tăng trưởng GRDP trên 10% vào năm 2025, Lào Cai tập trung vào việc phát triển kinh tế cửa khẩu thông qua các dịch vụ thương mại và logistics. Trong đó, tiếp tục quy hoạch đồng bộ các khu chức năng và đầu tư hạ tầng khung tại khu Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số II Kim Thành. Ngoài các nội dung trên, việc đầu tư xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng khu vực xã Bản Vược, huyện Bát Xát là dự án có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại của 2 nước Việt Nam - Trung Quốc. Để đáp ứng nâng cấp cửa khẩu phụ Bản Vược thành cửa khẩu quốc tế cần đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, đặc biệt hạ tầng cửa khẩu thông minh giúp tăng năng lực thông quan qua cửa khẩu và thu hút các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất - nhập khẩu hàng hóa...”

Ông Vương Trinh Quốc cho biết thêm

Tỉnh Lào Cai xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế cửa khẩu năm 2025 và những năm tiếp theo là đầu tư xây dựng cửa khẩu thông minh gắn với hệ thống kho ngoại quan và cảng tập kết, lưu giữ hàng hóa xuất - nhập khẩu công nghệ cao; khu phức hợp kho ngoại quan thương mại điện tử và kho bưu chính quốc tế để nâng cao năng lực thông quan hàng hóa, giảm thời gian thông quan, nâng cao hiệu quả logistics cho doanh nghiệp. Cùng với đó, việc thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới cũng là nhiệm vụ quan trọng góp phần tinh giản thủ tục, công khai, minh bạch để giảm chi phí thông quan cho doanh nghiệp xuất - nhập khẩu.

Với quy hoạch bài bản, khoa học và có tầm chiến lược đối với khu kinh tế cửa khẩu, cùng với sự quan tâm của Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương, Lào Cai tự tin khẳng định vai trò là Trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam Trung Quốc. Sự phát triển của Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho tỉnh mà còn góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ thương mại quốc tế.

Phạm Vũ Sơn - Tất Đạt

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/kinh-te-cua-khau-khang-dinh-vi-the-lao-cai-post396946.html