Kinh tế Đến với xã thông minh
TTH - Mô hình xã thông minh Quảng Thọ (Quảng Điền) là hạt nhân mở rộng mô hình nông thôn hiện đại trên địa bàn tỉnh, góp phần trong phát triển kinh tế số, chính quyền số và công dân số, phục vụ cuộc sống ngày một tốt hơn của người dân.
Số hóa nông nghiệp
Nằm ở hạ lưu sông Bồ, xã Quảng Thọ được thiên nhiên ưu đãi cho một vùng đất trù phú với lượng phù sa bồi đắp hàng năm màu mỡ, thuận lợi phát triển nhiều loại cây trồng và nuôi cá nước ngọt. Để thực hiện chuyển đổi số (CĐS) trong nông nghiệp, ngoài việc đưa về địa phương một số mô hình trồng trọt công nghệ cao, UBND xã phối hợp với Văn phòng điều phối xây dựng NTM của tỉnh lắp đặt hệ thống giám sát và chia sẻ dữ liệu quan trắc không khí trên cánh đồng.
“Khi áp dụng hệ thống này, toàn bộ vùng khí hậu sẽ được quan trắc tự động bằng hình ảnh, bằng những trạm quan trắc ảo, thực và thông báo về cho một trung tâm dữ liệu nhằm cung cấp diễn biến chất lượng không khí và cảnh báo ô nhiễm không khí theo thời gian thực trên địa bàn xã. Cùng với đó là vùng trồng, thông qua quan trắc biết được thời điểm nào, canh tác bao nhiêu, thu hoạch đến đâu và tính được ra sản lượng trên mỗi diện tích cây trồng” - trưởng thôn La Vân Hạ, ông Hoàng Công Thông, người đang trồng thành công mô hình cà chua công nghệ cao trong nhà lưới chia sẻ.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, ông Trần Phúc, hiện nông nghiệp ở xã phát triển rất tốt, nhiều mô hình, loại cây trồng có giá trị kinh tế cao đang được phát triển nhân rộng. Hiện xã có 70ha rau má (52ha VietGAP), sản lượng ước đạt hơn 2.500 tấn, giá trị đạt từ 180-220 triệu/ha. Hoa cúc 9,5ha, giá trị bình quân đạt hơn 600 triệu đồng/ha; đậu các loại 72ha, giá trị đạt hơn 250 triệu đồng/ha; cây nưa 7,5ha, giá trị đạt trên 300 triệu đồng/ha. Giá trị sản lượng bình quân trên mỗi hecta canh tác đạt trên 130 triệu đồng. Ngoài ra, nuôi cá lồng năng suất bình quân đạt hơn 250kg/lồng/năm, giá trị đạt hơn 12 tỷ đồng; cá hồ 30 tấn, giá trị đạt hơn 1,2 tỷ đồng.
Cùng với đó là xây dựng kinh tế số. Xã Quảng Thọ đã chọn HTX Nông nghiệp Quảng Thọ II để xây dựng hệ thống HTX số kết hợp đẩy mạnh giải pháp thương mại điện tử cho nông hộ và HTX. Theo Giám đốc HTX Nông nghiệp Quảng Thọ II Nguyễn Lương Trí, hoạt động của Website HTX bước đầu quảng bá các sản phẩm HTX đang sản xuất, kinh doanh. Đáng chú ý là việc đưa sản phẩm trà rau má của HTX lên các sàn thương mại điện tử, hướng đến xuất khẩu ra nước ngoài nhằm mở rộng thị trường và nâng tầm sản phẩm OCOP này lên tiêu chuẩn 5 sao.
Về truy xuất nguồn gốc, HTX phối hợp và triển khai theo các cấp độ với nông dân và HTX để minh bạch các sản phẩm với mã QR. Ngoài ra, HTX đẩy mạnh kết hợp với các địa phương khác trên cơ sở hệ thống này để quản lý về mặt chất lượng sản phẩm nông nghiệp và quan trọng nhất là kết nối cung cầu. Bên cạnh đó, quảng bá du lịch của xã bằng công nghệ mô hình hóa 3D và AR (thực tại ảo tăng cường) gắn với quảng bá và thương mại sản phẩm đặc hữu địa phương.
Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, ông Trần Kìm thông tin, khi bắt đầu xây dựng NTM, thu nhập bình quân của người dân xã Quảng Thọ chỉ đạt 18 triệu đồng/người/năm, tuy nhiên đến năm 2022 đã cán mốc 47 triệu đồng. “CĐS trong nông nghiệp không chỉ là câu chuyện ứng dụng công nghệ tạo thêm những giá trị thặng dư cho nền kinh tế, mà là để giúp hàng trăm hộ nông dân tiếp cận, cập nhật tri thức mới, mở ra cách nghĩ mới, cách làm mới, sẵn sàng thay đổi để hòa nhịp xu thế phát triển. Đây chính là giá trị lớn mà chuyển đổi số mang lại” - ông Trần Kìm khẳng định.
Hướng đến chính quyền số và công dân số
Qua quá trình triển khai, đến nay, trên địa bàn xã Quảng Thọ đã và đang hoàn thiện chính quyền điện tử cấp xã, đưa vào hoạt động phòng điều hành xã thông minh đáp ứng yêu cầu làm việc, trang bị thêm các thiết bị đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ. Hệ thống xử lý dịch vụ công tập trung nhằm theo dõi tình hình tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ thủ tục hành chính đươc cho là đầu tàu của toàn tỉnh với tỷ lệ đúng hạn đạt 99,9%. Ngoài việc không ngừng nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đường truyền internet, hệ thống internet và wifi đã phủ khắp các thôn. Toàn xã hiện nay có 31 camera được kết nối vào hệ thống tại phòng điều hành phục vụ quan sát các điểm xung yếu, ngập lụt trong mùa mưa bão và góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn.
Công chức Văn phòng - Thống kê UBND xã Hà Hiền cho biết, xã đã triển khai các hệ thống thông tin phục vụ Chính quyền số theo tiêu chí “4 không 1 có”. Theo đó, ứng dụng Hệ thống Quản lý văn bản và Điều hành trong toàn thể cán bộ, công chức xã; mọi hoạt động ban hành văn bản đi và thao tác xử lý văn bản đến đều được thực hiện trên phần mềm Quản lý văn bản và Điều hành, 100% văn bản đi được ký số theo quy định. Hoạt động giải quyết thủ tục hành chính trên hệ thống dịch vụ công tập trung với phương châm “Thân thiện - đơn giản - đúng hẹn” được triển khai đồng bộ, hiệu quả.
UBND xã đã chủ động phối hợp với các tổ chức tài chính, các đơn vị thanh toán trung gian tổ chức nhiều đợt về địa bàn các thôn, nhà văn hóa xã để tạo tài khoản thanh toán trực tuyến, cho phép khách hàng từ sử dụng các tiện ích thanh toán, chuyển tiền, đầu tư, mua bảo hiểm... tiện lợi. Hiện trên địa bàn xã đã có 1.065/1.959 hộ gia đình có tài khoản ngân hàng phục vụ thanh toán không dùng tiền mặt hóa đơn điện, nước, truyền hình, internet... Đồng thời, 100% cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách xã có tài khoản các ngân hàng khác và đã thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Bài, ảnh: Thái Bình
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/den-voi-xa-thong-minh-a123007.html