Kinh tế di sản nhìn từ bến tàu xưa

Thật không ngờ thành phố có thêm một nhà hát lớn ngoài trời thuộc loại 'khủng' với sàn diễn dài 300m và khán đài tương ứng. Độc đáo là sân khấu có nước - cả một dòng sông. Và kìa, bầu trời đêm lộng lẫy những sắc màu huyền ảo. Người người tề tựu thăng hoa cảm xúc với không gian khoáng đạt giữa một đô thị xô bồ, chật chội. Ở đâu vậy? Hóa ra là bến tàu xưa ở quận Tư!

Dạ tiệc kỳ thú, kết nối xưa và nay

Lễ hội sông nước lần thứ hai của TP.HCM đầu tháng 6 năm nay mở đầu bằng một chương trình đại nhạc kịch mang tên Chuyến tàu huyền thoại ngay tại cảng Khánh Hội. Khách đến vào chiều tối đi qua chiếc cổng khổng lồ - nơi từng ra vào những xe hàng container. Đi qua tòa nhà hải quan xây từ thời Pháp - bây giờ đóng cửa nhưng dáng dấp vẫn đầy quyền lực. Đi qua những nhà kho khổng lồ, trông như những trái núi bí ẩn, ra đời từ thế kỷ XIX.

Đi qua một hành lang hoang vắng đến lạ, ngăn cách với phố phường chen chúc bên ngoài bằng một bức “trường thành” mỏng manh trong bóng đêm. Đi qua những tiếng thì thầm, những âm thanh mơ hồ đâu đó trong tâm trí về một thương cảng - âm vang nhộn nhịp, huyên náo vọng lại từ quá khứ.

Cảng xưa, bến tàu xưa là đây, ít người biết đến! Ngay hai chữ “bến tàu” nếu không nhắc, có lẽ cũng tan biến vào ký ức quên lãng.

Hoạt cảnh đóng tàu ở Thủy xưởng Gia Định thế kỷ XVIII, tại chương trình khai mạc Lễ hội sông nước TP.HCM, tối 31.5.2024.

Chọn bến tàu Khánh Hội là nơi tái hiện khung cảnh và câu chuyện của một thành phố đầy ắp cổ tích liên quan sông nước, quả là đúng chỗ và tuyệt vời. Cảm ơn các tác giả ý tưởng và nhà tổ chức đã biến nơi đây làm sàn diễn và địa điểm kết nối quá khứ - hiện tại - tương lai xuyên thế kỷ một cách ngoạn mục. Hàng trăm diễn viên, nhạc công và ca sĩ, nghệ sĩ say sưa vào vai suốt 3 tiếng đồng hồ.

Và thêm nữa, hàng trăm nhân viên kỹ thuật, hướng dẫn viên và bảo vệ hùng hậu làm việc cật lực từ hơn mấy tháng trước. Tất cả cùng làm nên một “dạ tiệc” thịnh soạn của diễn xuất, ca vũ, âm nhạc, ánh sáng, mô hình, đạo cụ… Và ô hay, cả tàu thuyền qua lại sống động, cả lửa thật và lửa trong lòng, cả drone tân kỳ bay lượn tạo hình trên bầu trời.

Rất nhiều điều kỳ thú trong một show diễn thu hút hơn ngàn người địa phương và du khách, bao gồm người mua vé và khách mời. Qua đó, mọi người thích thú chứng kiến, khám phá và suy ngẫm chuyện đời gian truân và các giá trị hay đẹp của một đô thành sông nước - đô thành sông biển, từ thuở Bến Nghé thời khai phá đến Sài Gòn công nghiệp và hiện đại. Trong đó, bến tàu Khánh Hội từng là nguồn sống chính yếu của Sài Gòn và không thể để hiu quạnh như hiện tại.

“Báu vật” bến tàu trên cánh cung vàng

Bến tàu Khánh Hội là một phần quan trọng, phần lớn nhất của hệ thống thương cảng Sài Gòn, được khởi tạo từ 1860. Hệ thống ấy có nhiều bến bắt đầu từ khu vực công trường Mê Linh, chạy thẳng đến cột cờ Thủ Ngữ rồi vươn ra Khánh Hội.

Nhìn trên bản đồ, ta có thể nhận ra hệ thống bến tàu mang hình dáng của một cánh cung vàng mà Khánh Hội với điểm mở đầu là Nhà Rồng chính là đỉnh xuất phát cho các mũi tên giao thương và hàng hải - hai sức mạnh truyền thống của Sài Gòn. Bản thân hai chữ Khánh Hội được nhà Nguyễn đặt tên cho mũi đất có hai mặt sông nước đã gởi đến thông điệp của người xưa về kỳ vọng tương lai hưng thịnh cho cả vùng đất lớn: Long vân khánh hội - rồng mây giao hòa, quê hương phát đạt.

Toàn cảnh bến tàu Khánh Hội năm 1930 (tư liệu Thư viện Quốc gia Pháp).

Toàn cảnh bến tàu Khánh Hội năm 1930 (tư liệu Thư viện Quốc gia Pháp).

Ở mũi đất này, dòng nước đủ sâu hơn 30m, khoảng cách với bờ Thủ Thiêm hơn 300m, rất thuận lợi cho nhiều con tàu lớn xoay chuyển ra vào. Đặt cơ sở chính của thương cảng Sài Gòn tại Khánh Hội, người Pháp đã thể hiện con mắt tinh đời và tầm nhìn xa rộng. Khánh Hội có đủ đất đai cao ráo và rộng lớn để khởi dựng nhà điều hành, kè đá vững chãi, các cột neo tàu kiên cố, các nhà kho bề thế, đường bộ và đường ray cho xe cộ vận chuyển...

Mặt khác, Khánh Hội rất gần Chợ Lớn - trung tâm kết nối với vựa lúa Tiền Giang, thông thương dễ dàng bằng đường thủy và chẳng mấy chốc có thêm đường sắt chạy dọc bờ kinh Tàu Hũ. Từ Nhà Rồng, bến tàu Khánh Hội trải dài đến khu vực cầu Tân Thuận, gần tròn 2km. Đồng thời, nó vẫn còn dư địa tiếp nối để mở rộng ra phía Nhà Bè. Trong thực tế, từ đầu thập niên 1940, chính quyền Đông Dương đã có kế hoạch xây dựng cảng Tân Thuận và khu công nghiệp liền kề mà mãi gần 50 năm sau mới thành hiện thực.

Bến tàu Khánh Hội từ họa đồ quy hoạch Sài Gòn 1898 (tư liệu Thư viện Quốc gia Pháp).

Bến tàu Khánh Hội từ họa đồ quy hoạch Sài Gòn 1898 (tư liệu Thư viện Quốc gia Pháp).

Đối diện với Khánh Hội có cầu Mống (1894) và cầu Quay (1905) bắc qua, là dải đất kế cận rạch Cầu Sấu (đại lộ Hàm Nghi) và kinh Chợ Vải (đại lộ Nguyễn Huệ), được chọn làm khu phố tài chính, bao gồm trụ sở các hãng bảo hiểm, ngân hàng - hai trụ cột không thể thiếu cho giao thương quốc tế. Dãy phố tài chính tân tiến, thời Pháp mang tên bến Arroyo Chinois và bến Belgique, sau 1955 đổi thành bến Chương Dương vang bóng một thời.

Nối tiếp nó là khu chợ sầm uất trên bến dưới thuyền bao gồm cầu Ông Lãnh, cầu Kho và cầu Muối đã có từ lúc Pháp chưa vào. Vùng đất Khánh Hội lại có sẵn xóm Chiếu và nhiều thôn xóm dân dã khác là nguồn cung cấp lao động phổ thông cho thương cảng. Với bằng ấy các yếu tố thiên thời - địa lợi - nhơn hòa, bến tàu Khánh Hội từ lâu đã là một “báu vật” kinh tế và văn hóa - lịch sử.

Đừng thưởng ngoạn riêng tư “báu vật” của đời

Bến tàu Khánh Hội cùng với 9 bến tàu khác thuộc hệ thống thương cảng Sài Gòn bắt đầu được di dời ra Hiệp Phước từ năm 2018. Chính quyền thành phố chủ trương chuyển toàn bộ khu đất bến tàu với diện tích 31,5 ha và chiều dài sát bờ sông là 1,8 km trở thành dự án khu phức hợp nhà ở - văn phòng và công trình thương mại. Theo dự kiến, chủ dự án muốn xây dựng tại đây hơn 30 biệt thự và hơn 3.000 căn hộ cao tầng. Nhìn chung, bến tàu Khánh Hội lại nằm trong tầm ngắm “đất vàng”, giông giống những dự án địa ốc lộng lẫy như đảo Kim Cương, Ba Son hay Tân Cảng.

Dàn nhạc hợp xướng ngay bên bờ sông.

Dàn nhạc hợp xướng ngay bên bờ sông.

Mấy năm trước, một kiến trúc sư tham gia dự án ngậm ngùi nói với người viết rằng chủ đầu tư gợi ý thiết kế các biệt thự và căn hộ sao cho chiếm lĩnh không gian bờ sông “càng nhiều càng tốt”. Anh đau xót vì thấy không gian công cộng của dự án sẽ chẳng còn là bao. Và tự hỏi ai sẽ hưởng lợi từ những ngôi nhà đắt tiền đó? Nhiều người đồng tình với anh nhưng chưa biết sẽ phải lên tiếng thế nào. Trong khi đó, vào năm 2022, khi tham gia cuộc thi “Hiến kế phát triển sông Sài Gòn” do báo Tuổi Trẻ tổ chức, kiến trúc sư Trần Quang Hiếu và Trần Tấn Phúc thẳng thắn đề nghị giữ và tái thiết kế bến tàu Khánh Hội thành khu vực công cộng phục vụ cộng đồng rộng lớn hơn!

Đề án của hai tác giả đoạt giải nhì - không có giải nhất, đưa ra ý tưởng sử dụng các nhà kho làm bảo tàng, nhà triển lãm, thư viện, các trung tâm giải trí, thể thao và thương mại. Còn các sân bãi và bờ sông sẽ là nơi tổ chức lễ hội và các sự kiện văn hóa - nghệ thuật, các địa điểm thư giãn và thể thao. Tỷ lệ đất dành cho xây dựng cao ốc căn hộ chỉ chiếm phần nhỏ, bao gồm nhà ở cao cấp và nhà ở trung bình. Theo hai kiến trúc sư tuổi đời chỉ khoảng 40, có làm như thế, thành phố mới giữ được cảnh quan di sản sông nước quý hiếm. Đồng thời, xã hội có thêm nguồn thu từ nhiều dịch vụ đáp ứng nhu cầu rộng rãi chứ không phải chỉ phục vụ một nhóm dân cư thu nhập cao.

Tạo hình con tàu ra khơi trên nền trời bằng drone.

Tạo hình con tàu ra khơi trên nền trời bằng drone.

Trước đó, vào năm 2019, tại cuộc thi thiết kế “Khu phố di sản trong thành phố thông minh” do Tổng lãnh sự Ý và các trường đại học ngành kiến trúc tại TP.HCM thực hiện, cũng đã có các nhóm sinh viên đồng thuận ý tưởng gìn giữ và tôn tạo di sản bến tàu Khánh Hội. Chẳng hạn, nhóm Curves Lines đề nghị từ vị trí Nhà Rồng đến vị trí dự kiến cầu Thủ Thiêm 3, sẽ thành chuỗi công viên và bảo tàng, khu thể thao, và đặc biệt là “chợ làng” - phục dựng chợ Khánh Hội xưa. Còn nhóm The Line of History điểm danh một loạt di tích, cột mốc ký ức dọc bờ sông từ công trường Mê Linh đến thủy đài Khánh Hội, coi đó là những chấm son nối thành một đường kẻ lịch sử.

Các bạn đề xuất dải bến tàu xưa cần kết hợp thành một dải công viên văn hóa, gắn kết cả ba chiều thời gian và sức mạnh của cả quận Một và quận Tư. Những ý tưởng trẻ trung và tâm huyết như trên cho thấy những hiểu biết rất đáng trân trọng về di sản và kinh tế di sản, cũng như các định hướng xây dựng đô thị nhân văn đúng đắn.

Cần thêm các cuộc thi ý tưởng và đấu thầu dự án

Có thể coi Lễ hội sông nước mở đầu từ bến tàu Khánh Hội vừa rồi là một cột mốc chuyển biến trong việc khai thác các bến tàu, bến cảng xưa và các khu dân cư phụ cận. Nó đưa ra thực tế một thử nghiệm thành công, rằng chưa cần phải đầu tư lớn hay xây cất gì mới, các tiện nghi của một bến tàu cũ kỹ vẫn đủ điều kiện làm ngay một sự kiện du lịch tích hợp nhiều yếu tố hấp dẫn. Nguồn sinh lợi cho nó không chỉ là tiền bán vé hay tiền tài trợ mà còn mở rộng ra nhiều dịch vụ “ăn theo” như quảng cáo, ẩm thực, xe cộ đưa đón...

Tại bến tàu Khánh Hội đang sẵn có nhiều địa điểm phù hợp để làm những “show diễn” kịch nghệ và xiếc, hay điện ảnh và ca nhạc, hoặc pháo bông và tạo hình trên trời, lấy chất liệu từ lịch sử thành phố và các nơi khác liên quan sông nước (thủy chiến, thương hồ, tàu thuyền…). Các show diễn đó sẽ làm phong phú thêm sản phẩm du lịch phục vụ công dân thành phố cùng du khách cả nước và quốc tế.

Hàng trăm khán giả trên khán đài lộ thiên.

Hàng trăm khán giả trên khán đài lộ thiên.

Tuy vậy, bến tàu Khánh Hội về lâu dài không chỉ là nhà hát ngoài trời mà còn là một không gian sinh hoạt công cộng có thể tích hợp nhiều ý tưởng sáng tạo mới nhất của thế kỷ XXI. Đã đến lúc, chính quyền bao gồm Bộ Giao thông - Vận tải (chủ quản cảng Sài Gòn) và các bộ ngành liên quan (quy hoạch, văn hóa, du lịch, công thương và giáo dục) cùng với UBND TP.HCM cần khảo sát mới và bổ sung, hoàn thiện định hướng sử dụng bến tàu này. Bến tàu Khánh Hội cần thiết là một “cảng thị mini” tân kỳ đa chức năng, được tái tạo nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của không chỉ quận Tư mà còn cho toàn thành phố trong 20 năm kế tiếp.

Một dự án tầm vóc như thế không thể mặc lại chiếc áo cũ là phức hợp căn hộ - văn phòng mà cần thay áo mới là phức hợp văn hóa - du lịch - giáo dục. Chính quyền thành phố nên sớm mở ra những cuộc thi thiết kế ý tưởng khai thác vùng đất “báu vật”, như từng làm với Phú Mỹ Hưng, Thủ Thiêm hoặc mới đây là Thanh Đa. Đó là những cuộc thi tập hợp nguồn vốn trí tuệ xã hội trong và ngoài nước, nhất là giới trẻ - những kiến trúc sư và doanh nhân đang đi tìm đất mới cho sáng tạo và khởi nghiệp. Sau khi có ý tưởng toàn diện và đúng đắn, chính quyền sẽ mở đấu thầu công khai, kêu gọi các nhà đầu tư vào cuộc chứ không thể chỉ giao cho một vài công ty, quốc doanh hay tư nhân, nghiễm nhiên được quyền khai thác.

Khu cảng Sài Gòn (Nhà Rồng - Khánh Hội) là bến cảng có lịch sử lâu đời. Khu bến cảng này có tổng chiều dài 1.800m, chiều rộng cầu cảng trung bình từ 12m đến 25m, đảm bảo thuận lợi để phục vụ hoạt động của các tàu khách nội địa, tàu du lịch quốc tế. Ảnh: Trung Dũng

Khu cảng Sài Gòn (Nhà Rồng - Khánh Hội) là bến cảng có lịch sử lâu đời. Khu bến cảng này có tổng chiều dài 1.800m, chiều rộng cầu cảng trung bình từ 12m đến 25m, đảm bảo thuận lợi để phục vụ hoạt động của các tàu khách nội địa, tàu du lịch quốc tế. Ảnh: Trung Dũng

Khi bến tàu Khánh Hội được cải biến phù hợp và hiệu quả với lợi ích của toàn xã hội thì không những các nhà đầu tư có lợi mà các khu dân cư kế cận như Xóm Chiếu, Tôn Thất Thuyết cũng sẽ hưởng lợi từ việc cải thiện cơ sở hạ tầng cho đến cơ hội kinh doanh và việc làm “cộng hưởng”. Hẳn đó cũng là điều mà người thanh niên Nguyễn Tất Thành mong muốn khi rời vùng đất nghèo Khánh Hội ra đi vào năm 1911: những nơi chốn từng cưu mang mình sẽ đến ngày “đổi đời”, ấm no và phát triển hài hòa hơn nữa!

Bài & ảnh: Phúc Tiến

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/kinh-te-di-san-nhin-tu-ben-tau-xua-44278.html