Kinh tế Dịch vụ hỗ trợ thuế chủ động: Tháo gỡ vướng mắc và sai sót cho doanh nghiệp
Ngoài cung cấp nhiều chính sách thuế hữu ích, hội nghị 'Tập huấn về các vướng mắc và sai sót của doanh nghiệp trong quá trình thực thi chính sách pháp luật về thuế', đã giúp nâng cao nhận thức và hỗ trợ tối đa doanh nghiệp (DN) trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hội nghị diễn ra trong 2 ngày (8 và 9/10), thu hút 1.200 doanh nghiệp (DN) lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh tham gia.
Hỗ trợ doanh nghiệp
Đại diện Công ty Thương mại Hương Thủy nêu câu hỏi, trường hợp bên bán đã xuất hóa đơn, bên mua đã nhận hàng. Bên bán và bên mua đã thực hiện kê khai thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo quy định. Sau đó, bên bán và bên mua phát hiện hàng hóa đã giao không đúng quy cách, chất lượng theo hợp đồng thì xử lý như thế nào?
Ông Hoàng Lộc, Phó Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh trả lời, đây là hợp đồng mua bán giữa hai bên, trong trường hợp này vi phạm hợp đồng là do bên bán, do đó căn cứ vào hợp đồng để xử lý.
Cụ thể, trong trường hợp bên bán phải bồi thường cho bên mua một khoản tiền, đây là khoản bồi thường vi phạm hợp đồng, do đó bên bán không được hạch toán vào chi phí và bên mua được hạch toán vào thu nhập khác và thuộc trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT.
Trường hợp nữa, bên mua trả lại hàng cho bên bán thì bên bán phải lập hóa đơn điều chỉnh (số lượng hàng trả lại liên quan đến thuế đầu ra); bên mua lập hóa đơn điều chỉnh liên quan đến thuế đầu vào.
Tương tự, đối với Công ty CP Đầu tư HD hỏi về kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đối với cơ sở sản xuất kinh doanh thủy điện, ông Hoàng Lộc cho rằng, trường hợp này theo Thông tư số 151/2014/TT-BTC quy định, trường hợp công ty thủy điện có đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập thì đơn vị trực thuộc nộp hồ sơ kê khai thuế TNDN phát sinh tại đơn vị trực thuộc cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.
Trường hợp công ty có cơ sở sản xuất thủy điện hạch toán phụ thuộc hoạt động tại địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với địa bàn nơi công ty đóng trụ sở chính thì thuế TNDN được tính nộp ở nơi có trụ sở chính và nơi có cơ sở sản xuất thủy điện hạch toán phụ thuộc theo quy định của pháp luật thuế TNDN.
Tại hội nghị, các nội dung DN vướng mắc, sai sót cần cơ quan thuế hỗ trợ tập trung ở các vấn đề như thuế GTGT đối với các mặt hàng chịu thuế hay không chịu thuế, xuất hóa đơn như thế nào; đối với thuế TNDN thường vướng mắc trọng điểm nằm ở các dự án đầu tư mới như DN có được miễn, giảm thuế, có đủ hồ sơ không, trong trường hợp dự án đầu tư mới đang hoạt động kinh doanh thì như thế nào?
Ngoài ra, đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) thường gặp vướng mắc những lỗi cơ bản, như xuất lùi hóa đơn, khai thuế suất, kê khai chậm tờ khai do đội ngũ kế toán những DN này còn hạn chế về kiến thức chính sách thuế.
Nộp thuế tự nguyện
Từ đầu năm 2019 đến nay, Cục Thuế tỉnh đã và đang triển khai chương trình dịch vụ hỗ trợ thuế chủ động giúp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho DN.
Bà Âu Thị Nguyệt Liên, Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế, Cục Thuế tỉnh cho rằng, trước đây DN có nhu cầu hỗ trợ về chính sách thuế thì tìm đến cơ quan thuế sẽ được hỗ trợ. Tuy nhiên, hiện nay cơ quan thuế đang áp dụng chương trình chủ động tìm đến DN để hỗ trợ. Có nghĩa, cơ quan thuế sẽ hỏi DN đang cần và vướng mắc gì và cung cấp dịch vụ hỗ trợ miễn phí hoàn toàn cho họ.
Trong quá trình triển khai chương trình này, ban đầu, Cục Thuế tỉnh tiến hành khảo sát hơn 20 DN trên địa bàn tỉnh. Khi phỏng vấn các DN thì họ đều tỏ ra e ngại, sợ gặp cơ quan thuế. Tuy nhiên, khi đến với cục thuế rồi mới hiểu rằng, dịch vụ cơ quan thuế là để phục vụ DN. Từ đó, DN thay đổi thái độ làm việc.
Qua khảo sát cho thấy, các DN cần kiến thức về thuế để quá trình thanh, kiểm tra của cơ quan thuế DN khỏi sai sót, vi phạm.
“Những sai phạm cần cơ quan thuế công khai cảnh báo để DN biết mà tránh. Người nộp thuế mà cụ thể là DN, cần cơ quan thuế xây dựng niềm tin, để người nộp thuế thấy rằng cán bộ hướng dẫn những nội dung là đúng và xác định kênh nào là kênh chính thống để DN tiếp xúc. Chúng tôi đang xây dựng một lộ trình nằm trong chương trình hỗ trợ người nộp thuế chủ động. Không chỉ là hỗ trợ DN qua kênh hỗ trợ ở phòng tuyên truyền mà còn cho DN biết số liệu nợ thuế và có thông báo, cảnh báo DN trước thời hạn công bố quyết định thanh tra, kiểm tra để DN bổ sung, điều chỉnh”, bà Liên chia sẻ thêm.
Đầu năm 2019, Cục Thuế tỉnh khảo sát 500 DN về dịch vụ hỗ trợ thuế chủ động. Đơn vị sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn cho 1.200 DN lớn, nhỏ trên địa bàn tỉnh về các vướng mắc, sai sót của DN trong quá trình thực thi chính sách pháp luật về thuế. Sau khảo sát, Cục Thuế tỉnh sẽ phân tích số liệu thống kê, đánh giá với các chứng cứ khoa học để đưa ra các giải pháp.
Đến năm 2020, Cục Thuế tỉnh sẽ chọn lọc ra các DN để cung cấp thử các dịch vụ của đơn vị và xây dựng phần mềm công nghệ thông tin nhằm hướng đến lộ trình đáp ứng nhu cầu hỗ trợ cho 5.000 DN trên địa bàn tỉnh. Nếu chương trình này thành công sẽ được Tổng Cục thuế (Bộ Tài chính) cho triển khai trên cả nước.