Kinh tế Eurozone đối mặt suy thoái kép
Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang rơi vào suy thoái kép lần đầu tiên trong gần 10 năm. Đó là nhận định của hầu hết các chuyên gia kinh tế tham gia cuộc khảo sát do hãng tin Reuters tiến hành.
Trong bối cảnh nhiều nước châu Âu đang đối mặt với số ca nhiễm Covid-19 gia tăng đột biến, các chuyên gia cho hay, nền kinh tế Eurozone sẽ giảm 2,5% trong quý này sau khi tăng kỷ lục 12,6% trong quý III năm 2020. Dự báo này đi ngược lại với dự báo kinh tế Eurozone sẽ tiếp tục đà phục hồi đưa ra hồi tháng trước. Sang quý I năm 2021, kinh tế Eurozone dự kiến sẽ tăng 0,8%, thấp hơn mức dự báo tăng 1% trước đó.
44/55 chuyên gia kinh tế tham gia cuộc khảo sát cho rằng kinh tế Eurozone hiện đã tiến rất gần tới suy thoái kép bởi các biện pháp phong tỏa mới và các biện pháp hạn chế được áp đặt trên diện rộng nhằm ứng phó với làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai. Trước đó, chỉ có 3 chuyên gia dự đoán kinh tế Eurozone rơi vào suy thoái kép trong thời điểm đỉnh dịch Covid-19 bùng phát lần thứ nhất.
Chuyên gia kinh tế Angel Talavera tại Oxford Economics nhận định, khi những nguy cơ suy giảm kinh tế tiếp tục trở thành hiện thực và tình hình y tế tiếp tục xấu đi, dường như sự phục hồi kinh tế diễn ra trong Eurozone kể từ tháng 5 vừa qua đã kết thúc. Nền kinh tế Eurozone sẽ phải chứng kiến một cuộc suy thoái kép trong quý IV năm 2020.
Trước đó, IMF cũng từng cảnh báo kinh tế Eurozone sẽ chứng kiến một cú sốc lịch sử trong năm 2020. Theo đó, tăng trưởng kinh tế của Eurozone sẽ suy giảm 8,3% trong năm nay, một “cú rơi tự do” chưa từng thấy kể từ sau cuộc đại suy thoái những năm 30 của thế kỷ trước. Bên cạnh đó, IMF nhấn mạnh, kịch bản Anh và Liên minh châu Âu (EU) không đạt thỏa thuận thương mại trước ngày 31-12 tới “sẽ làm tăng cái giá phải trả đối với doanh nghiệp và làm đứt quãng các thỏa thuận sản xuất xuyên biên giới đang tồn tại”.
Hiện châu Âu vẫn đang loay hoay đối phó với sự bùng phát trở lại của đại dịch Covid-19. Các số liệu thống kê cho thấy, đà suy giảm kinh tế của các quốc gia EU nói chung và Eurozone nói riêng đang tỷ lệ thuận với tốc độ lây lan của làn sóng Covid-19 thứ hai ở châu lục này. Ðáng lo ngại hơn, tất cả các nền kinh tế đầu tàu của khu vực, kể cả những nền kinh tế từng đứng vững trước các cuộc khủng hoảng tài chính trước đây như Ðức và Pháp, cũng được dự báo sẽ chứng kiến sự suy giảm mạnh. Theo Reuters, ngày 17-11, Chính phủ Pháp đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2021 sau khi dịch Covid-19 tái bùng phát, buộc nước này phải áp đặt các biện pháp phong tỏa mới. Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire cho biết, nền kinh tế lớn thứ hai của Eurozone có khả năng sẽ suy giảm tới 11% trong năm nay. Trước đó, ông Bruno Le Maire từng có lần khẳng định “nước Pháp không bất lực trước cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện tại”. Tuy nhiên, vực dậy nền kinh tế đã lao dốc của Pháp trong bối cảnh hiện nay xem ra là “nhiệm vụ bất khả thi”.
Trong bối cảnh nền kinh tế lâm vào cảnh bĩ cực, hy vọng và cũng là điểm tựa lớn nhất để các nước thoát khỏi khủng hoảng lúc này là quỹ phục hồi kinh tế châu Âu vừa được các nhà lãnh đạo thông qua gần đây. Sau nhiều tháng thảo luận cam go, các nhà lãnh đạo EU cuối cùng đã đi đến một thỏa thuận về quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro cùng với kế hoạch ngân sách giai đoạn 2021-2027 của khối trị giá 1.100 tỷ euro. Quỹ phục hồi này được kỳ vọng không chỉ tạo ra đòn bẩy tài chính cho các nền kinh tế khu vực mà còn được xem là “một cử chỉ đoàn kết” nhằm chia sẻ khó khăn của cả khối với các nước thành viên bị thiệt hại nặng nề bởi dịch Covid-19.
Tuy nhiên, một vấn đề hóc búa đã xảy ra khi Ba Lan và Hungary ngày 16-11 không ủng hộ EU thông qua ngân sách giai đoạn 2021-2027 và quỹ phục hồi trị giá 750 tỷ euro dự kiến triển khai vào năm 2021, do việc giải ngân cho các nước thành viên được gắn với quy định tuân thủ nguyên tắc pháp quyền. Đây được xem là một lực cản lớn đối với nỗ lực tìm lại đà tăng trưởng kinh tế của các quốc gia trong khu vực.
Với bức tranh không mấy sáng sủa mà các chuyên gia dự báo, việc kiểm soát tốt dịch bệnh nhằm hạn chế những thiệt hại về kinh tế là điều quan trọng và cần thiết lúc này đối với các quốc gia EU nói chung và Eurozone nói riêng.