Kinh tế Giống cho trồng rừng bản địa đa loài

TTH - Trước yêu cầu nâng cao chất lượng rừng, ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH), ngành lâm nghiệp đang tổ chức sản xuất nguồn giống cây bản địa phục vụ mô hình trồng rừng hỗn giao đa loài.

Ngành chức năng kiểm tra, đánh giá sự sinh trưởng của rừng bản địa hỗn giao đa loài

Ngành chức năng kiểm tra, đánh giá sự sinh trưởng của rừng bản địa hỗn giao đa loài

Thích nghi, sinh trưởng tốt

Vùng đồi trọc Khe Liềm thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền giờ đây được phủ xanh bằng cây bản địa hỗn giao đa loài (BĐHGĐL). Những cây lim, gõ, kiền, thông caribe... được đánh giá phù hợp, thích nghi tốt với vùng đồi núi Khe Liềm, thân cao hơn một mét, tiếp tục đâm chồi, sinh trưởng tốt. Sức sống mãnh liệt của các loài cây bản địa cùng với kỹ thuật chăm sóc, quản lý tốt của ngành lâm nghiệp, cây sẽ thành rừng trong 7 năm tới, có khả năng ứng phó BĐKH như kỳ vọng của tỉnh.

Trồng cây BĐHGĐL tại đồi Khe Liềm là mô hình phục hồi rừng trên vùng đất bị chiến tranh tàn phá, ứng phó BĐKH đầu tiên trên địa bàn tỉnh. Trước khi triển khai mô hình, ngành lâm nghiệp cùng với các chuyên gia đầu ngành tổ chức nghiên cứu trên cơ sở thực tiễn tiềm năng, tài nguyên vốn có, cho thấy trồng cây BĐHGĐL phù hợp với xu thế ứng phó bão lũ, hạn hán. Khi cây thành rừng còn là nơi trú ngụ, sinh sôi, bảo tồn các loài động vật hoang dã và các nguồn gen thực vật quý hiếm.

Mô hình trồng rừng BĐHGĐL tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Phong Điền do HTX Lâm nghiệp bền vững Thuận Thiên thực hiện với diện tích 21ha, trồng hỗn giao 17 loài với các nhóm cây tổ thành chính, cây mọc nhanh, cây tổ thành phụ theo 5 công thức trồng rừng khác nhau. Mô hình nằm trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt với Khu Bảo tồn thiên nhiên Phong Điền về phục hồi rừng trên đất bị chiến tranh tàn phá giai đoạn 2021-2025.

Sau khi đánh giá khả năng sinh trưởng, sự thích nghi và phù hợp của cây rừng bản địa ở Khe Liềm cũng như các vùng núi rừng trên địa bàn tỉnh, ngành lâm nghiệp tỉnh đang tiếp tục khảo sát, nghiên cứu, từng bước nhân rộng mô hình này. Yêu cầu đặt ra hiện nay là tổ chức sản xuất nguồn giống đảm bảo số lượng và chất lượng phục vụ triển khai mô hình trồng rừng BĐHGĐL.

Cung cấp 25 triệu cây giống/năm

Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước MTV Lâm nghiệp Tiền Phong, ông Tôn Thất Ái Tín khẳng định, với kỹ thuật, công nghệ nuôi cấy mô hiện đại, công ty hoàn toàn tạo ra nguồn giống đảm bảo chất lượng phục vụ nhu cầu trồng rừng kinh tế, khôi phục rừng tự nhiên bằng cây bản địa. Hằng năm công ty sản xuất, gieo ươm hàng trăm ngàn cây giống lim xanh, gõ, kiền, sao đen, thông caribe… đáp ứng nhu cầu trên địa bàn tỉnh và bán ra thị trường một số tỉnh lân cận. Đơn vị đang tiếp tục nghiên cứu, nâng cao sản lượng và chất lượng nguồn giống, cung ứng mô hình trồng rừng BĐHGĐL và các mô hình trồng rừng kinh tế bằng cây bản địa trên địa bàn tỉnh.

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn cho rằng, trước xu thế ứng phó BĐKH, bão lũ, hạn hán ngày càng khắc nghiệt, mô hình trồng rừng đa loài bằng cây bản địa được xác định là hướng đi phù hợp, tất yếu. Ngành lâm nghiệp đang triển khai các giải pháp sản xuất nguồn giống đảm bảo số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phục hồi rừng tự nhiên và các mô hình trồng rừng kinh tế bằng giống cây bản địa. Trong đó, thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các công ty, tổ chức, hộ cá nhân sản xuất, gieo ươm giống bằng công nghệ hiện đại.

Đến cuối năm 2025, hoạt động sản xuất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh đảm bảo đáp ứng nhu cầu giống khoảng 25 triệu cây/năm. Trong đó, keo các loại khoảng 20 triệu cây/năm; còn lại thông, phi lao, giống bản địa các loài, lâm sản ngoài gỗ khoảng 5 triệu cây/năm. Giống lâm nghiệp nói chung, rừng trồng kinh tế nói riêng được kiểm soát chất lượng trên 90%, đảm bảo sinh khối rừng mỗi ha tăng trưởng đạt 20-25m3/năm.

Trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, ngành lâm nghiệp hỗ trợ các đơn vị sản xuất, cung ứng giống nâng cao phẩm chất di truyền, chọn tạo nguồn giống mới có năng suất cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh gây hại và các điều kiện bất lợi khác. Đặc biệt, nghiên cứu, sản xuất các loài đảm bảo tính phong phú trong cơ cấu giống cây lâm nghiệp, đồng thời phát hiện, bổ sung các loài có khả năng phục hồi rừng, chống chịu với các điều kiện bất lợi như bão, lũ và hạn hán.

Trong chuyến kiểm tra thực tế mô hình trồng rừng BĐHGĐL trong tháng 2 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh yêu cầu ngành lâm nghiệp, các đơn vị liên quan tiếp tục giám sát, cập nhật thông tin, tăng cường sản xuất nguồn giống nhân rộng mô hình trồng rừng BĐHGĐL nhằm góp phần bảo tồn đa dạng sinh học trong thời gian tới.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giong-cho-trong-rung-ban-dia-da-loai-a110730.html