Kinh tế Hà Nội thể hiện rõ xu hướng phục hồi

Cục Thống kê Hà Nội cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) Hà Nội quý IV-2021 tăng 6,69% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,55%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,04%; khu vực dịch vụ tăng 6,84%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 2,92%.

Tăng trưởng GRDP quý IV năm nay cao hơn mức tăng 6,29% so với cùng kỳ năm 2020, đồng thời cao hơn mức tăng của các quý trước, thể hiện rõ xu hướng phục hồi đà tăng trưởng.

Tính chung cả năm 2021, GRDP của thành phố tăng 2,92%, là mức thấp so với kế hoạch (7,5%) và thấp hơn mức tăng trưởng năm 2020 (4,18%). Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhất là trong quý III, khi hầu hết các ngành, lĩnh vực bị suy giảm mạnh.

Phân xưởng sản xuất của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông.

Phân xưởng sản xuất của Công ty cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp thì kết quả trên với xu hướng phục hồi tích cực trong quý IV là rất quan trọng, thể hiện tính chủ động, kịp thời, hiệu quả của thành phố trong chỉ đạo, điều hành khôi phục kinh tế, phòng, chống dịch bệnh, sự quyết tâm, đồng lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Đáng chú ý, khu vực công nghiệp và xây dựng năm 2021 tăng 3,85% so với năm 2020, đóng góp 0,87% vào mức tăng GRDP, trong đó ngành công nghiệp tăng 5,37%, đóng góp 0,75%. Mặc dù cũng chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19, song chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4,8% so với năm 2020; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,7%, tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong tăng trưởng chung của ngành công nghiệp.

Năm 2021, tổng vốn đăng ký của các dự án đầu tư nước ngoài thành lập mới, dự án bổ sung tăng vốn và mua cổ phần trên địa bàn Hà Nội đạt 1,5 tỷ USD. Trong đó, đăng ký mới có 364 dự án với số vốn 238 triệu USD; 146 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với 813 triệu USD; nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 465 lượt, đạt 448 triệu USD.

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 16 tỷ USD, tăng 0,9% so với năm 2020. Một số mặt hàng chủ yếu có kim ngạch xuất khẩu tăng so với năm 2020 gồm hàng dệt may, tăng 18,3%; máy móc thiết bị, phụ tùng tăng 19,8%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 40,2%; xăng dầu tăng 17,3%; gỗ và sản phẩm từ gỗ tăng 39,3%; giày dép tăng 55%.

Cộng dồn cả năm 2021, thành phố Hà Nội cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 24,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 9% so với năm 2020; tổng số vốn đăng ký mới đạt 345,7 nghìn tỷ đồng, giảm 16%; thực hiện thủ tục giải thể cho 3,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 22%; có 13,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, tăng 29%; 10,9 nghìn doanh nghiệp trở lại hoạt động, tăng 80%. Tỷ lệ hồ sơ đăng ký doanh nghiệp qua mạng được duy trì 100%, bảo đảm chất lượng và đúng hạn.

Theo Cục trưởng Cục Thống kê thành phố Hà Nội Đậu Ngọc Hùng, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý IV cho thấy: Có 34,9% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý IV tốt hơn quý III; 30,5% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn và 34,6% số doanh nghiệp cho rằng, tình hình sản xuất kinh doanh ổn định. Nếu những tháng tiếp theo tình hình dịch Covid-19 được khống chế thì 33,8% số doanh nghiệp dự kiến quý I-2022 sẽ tốt lên so với quý IV-2021; 21% doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn và 45,2% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định.

Hồng Sơn

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/kinh-te/1021174/kinh-te-ha-noi-the-hien-ro-xu-huong-phuc-hoi