Kinh tế Hỗ trợ lãi suất 2%: Không hạ chuẩn, đảm bảo công khai và minh bạch
TTH - Việc xây dựng, ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất (HTLS) 2% cho doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh (HKD) vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19 đã khó. Song, việc tổ chức triển khai thực hiện, giải ngân vốn đúng đối tượng thụ hưởng còn khó hơn.
Cấp bù lãi suất 2% từ ngân sách Nhà nước
Dư luận thường gọi chương trình HTLS hay cấp bù lãi suất là gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng (thực tế là 347.000 tỷ đồng, tương đương khoảng 15 tỷ USD) để nâng cao năng lực của hệ thống y tế, kiểm soát dịch bệnh, tạo điều kiện để phục hồi và phát triển kinh tế; giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội; hỗ trợ DN, người dân vượt qua khó khăn; đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Trong số này, có gói 40.000 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước (NSNN) để hỗ trợ DN, HTX, HKD 2% lãi suất khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại (NHTM), thực hiện trong 2 năm.
Để triển khai gói hỗ trợ này, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phối hợp với các bộ, ngành, NHTM nghiên cứu xây dựng nghị định hướng dẫn. Sau nhiều cuộc họp, ngày 20/5/2022, Chính phủ ban hành Nghị định (NĐ) 31/2022 về HTLS từ NSNN đối với khoản vay của DN, HTX, HKD. Cùng ngày, Thống đốc NHNN ban hành Thông tư (TT) 03/2022/TT-NHNN để hướng dẫn NHTM thực hiện NĐ31.
Tại hội nghị trực tuyến triển khai NĐ31 được tổ chức ngày 6/7/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, chính sách này không mới. Chúng ta đã từng triển khai hơn 10 năm trước, nhưng khi đó không sử dụng NSNN để giảm lãi suất. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, cơ quan quản lý Nhà nước không thể dùng chỉ đạo hành chính để chỉ đạo các NHTM (hoạt động theo thị trường) giảm lãi suất.
Không để lặp lại “vết xe đổ” hơn 10 năm trước
Qua tìm hiểu, một số NHTM tỏ ra dè dặt đối với gói HTLS 2% vì lo ngại đi vào “vết xe đổ” của hơn chục năm trước, được xem là bài học bởi đến nay vẫn còn ngân hàng chưa quyết toán được.
Theo lãnh đạo Agribank, các NHTM e ngại khi thực hiện cho vay theo gói HTLS 2% chính là khâu kiểm toán và quyết toán. Bởi khi thực hiện, cơ quan kiểm toán Nhà nước sẽ vào để kiểm toán con số chính thức. Trong khi đó, khách hàng cho vay, NHTM thực hiện đúng theo như quy định hướng dẫn TT39 của NHNN; nhưng khi kiểm toán thì yêu cầu rất nhiều nội dung, trong đó có những nội dung mà các NHTM không thể làm được.
Đại diện một NHTM cổ phần phân tích: Trước hết, đối tượng phải cụ thể và chính xác. Bởi số dư nợ, số khách hàng đáp ứng được yêu cầu để được hưởng HTLS 2% theo NĐ31 là không lớn. Nhưng vì đối tượng quy định quá chặt chẽ, nếu không cẩn thận thì sẽ không tiêu hết gói ngân sách hỗ trợ này, mục tiêu sẽ không đạt được. Theo vị này, NHNN đã có TT01, và TT03 sửa đổi quy định về hỗ trợ cho các khách hàng là DN bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Điều này cũng có nghĩa là những khách hàng này đã được cơ cấu lại các nhóm nợ và không thuộc nhóm đối tượng HTLS này. Các khoản giải ngân lại phải trước 1/8/2021. Như vậy, các đối tượng này đáng lẽ phải được hỗ trợ để phục hồi sản xuất thì lần này họ lại không được hưởng gói HTLS 2%, trong khi đây là nhóm đối tượng chiếm đa số và cần được tiếp tục hỗ trợ.
Có ngân hàng cho rằng, NĐ31 chưa quy định cụ thể về khái niệm đối tượng khách hàng nợ quá hạn (NQH). Đại diện ngân hàng này dẫn chứng: Quy định về khách hàng NQH sẽ có 2 vấn đề: thứ nhất, các khách hàng trả nợ trong vòng 10 ngày kể từ ngày đáo hạn trả nợ thì không bị chuyển sang nợ nhóm 2. Nhưng ở đây, NĐ31 lại chỉ dùng chung khái niệm là NQH, vậy nên hiểu theo nghĩa này thì những khách hàng bị trả nợ chậm vài ngày, nhưng chưa quá 10 ngày thì có nằm trong nhóm đối tượng được HTLS hay không? Nếu khách hàng trong kỳ đó đã trả hết nợ, kỳ kế tiếp mới được hỗ trợ thì kỳ kế tiếp là kỳ trả nợ gần nhất hay là kỳ trả nợ xấu gần nhất? NHNN cần làm rõ, nếu không sẽ hỗ trợ nhầm, hỗ trợ thừa.
Thứ nữa, đó là khâu giám sát, kiểm tra, đánh giá khách hàng sử dụng vốn theo gói HTLS 2%. Điều này cần được thực hiện chặt chẽ, bởi nếu không đúng mục đích, dòng tiền chảy không đúng địa chỉ thì ngân hàng sẽ rơi vào tình trạng mất vốn, NSNN cũng chịu thiệt hại…