Kinh tế khó khăn, khách Việt giảm chi tiêu cho du lịch
Tỷ lệ du khách Việt đi tự túc trong quý II tiếp tục chiếm đa số và tăng 4,2% so với quý I, cho thấy mặc dù dịch Covid đã kết thúc, nhưng du khách vẫn thích đi du lịch tự túc hơn.
The Outbox Company, công ty nghiên cứu thị trường du lịch, vừa phát hành báo cáo mới nhất mang tên “Du lịch Việt Nam - 6 tháng đầu năm 2023”. Báo cáo ghi nhận toàn diện về tình hình phục hồi du lịch của Việt Nam so với các điểm đến khác trong khu vực Đông Nam Á và các yếu tố ảnh hưởng đến nhu cầu du lịch của du khách Việt.
Với hành vi của du khách Việt trong 6 tháng đầu năm, báo cáo đã chỉ ra nhu cầu du lịch trong nước vẫn rất cao và lựa chọn du lịch tự túc của người Việt vẫn tiếp tục tăng. Có thể nhận xu hướng thực hiện các “chuyến đi ngẫu hứng” bao gồm việc rút ngắn thời gian lên kế hoạch, rút ngắn độ dài chuyến đi đang trở nên phổ biến hơn đối với du khách Việt.
Cụ thể, tỷ lệ du khách Việt đi tự túc trong quý II tiếp tục chiếm đa số và tăng 4,2% so với quý I. Hiện tượng này cho thấy mặc dù dịch Covid đã kết thúc đã lâu nhưng du khách vẫn thích đi du lịch tự túc hơn. Bên cạnh đó, du lịch solo là phân khúc tiềm năng cần được chú trọng khai thác. Du lịch solo ghi nhận sự tăng trưởng vượt bậc. Đặc biệt hình thức du lịch tự túc một mình đã tăng hơn gấp rưỡi so với quý I và gần 3 lần so với năm 2022
Cuộc sống bận rộn hơn cũng là lý do khiến du lịch solo phát triển. Bởi sự bận rộn, không dễ để sắp xếp được thời gian cùng đi du lịch với gia đình, bạn bè vì thế nhiều người lựa chọn hình thức du lịch một mình tránh việc bị phụ thuộc và phải chờ đợi.
Cũng theo báo cáo của The Outbox, đa số chuyến đi trong nửa đầu năm 2023 là chuyến đi ngắn ngày (từ 3 đêm trở xuống) và hơn một nửa số chuyến đi có độ dài 2-3 đêm. Xu hướng này gia tăng từ quý I sang quý II khi tỷ lệ chuyến đi ngắn ngày tăng 5%, nguyên nhân là do quý II không còn kỳ nghỉ lễ dài như Tết ở quý I.
Thời gian lên kế hoạch cho chuyến đi của du khách Việt trong 6 tháng đầu năm 2023 chủ yếu là từ 2 tuần trở xuống. Có một sự tương quan giữa thời gian lên kế hoạch và độ dài lưu trú khi mà tỷ lệ du khách có chuyến đi ngắn ngày tăng 5% thì tỷ lệ du khách có thời gian lên kế hoạch dưới 2 tuần cũng tăng 3,4%.
Ngân sách bình quân mỗi chuyến đi của du khách Việt chi trả phần đông trong khoảng từ 1-5 triệu đồng/người. Tỷ lệ khách chi trên 10 triệu đồng/người ở quý II chiếm khoảng 30% nhưng đã giảm 5,4% so với quý I. Nguyên nhân là do tình hình kinh tế khó khăn hơn, thu nhập bình quân tháng của người lao động giảm so với quý I và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động trong quý II tăng so với quý I.