Kinh tế Khoa học - công nghệ Nghiên cứu để làm gì?

Đọc Nghị quyết 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về 'Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học - công nghệ giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến năm 2030', thấy có một chỉ số: 'Đến năm 2025, có 30% kết quả của các nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ được thương mại hóa sản phẩm'.

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất giống lan. Ảnh: N.Q

Trước đó, Tỉnh ủy cũng đã có Nghị quyết tương tự về phát triển khoa học công nghệ giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn 2020.

Không thấy số liệu công bố đến thời điểm hiện tại đã có bao nhiêu phần trăm nghiên cứu và ứng dụng khoa học – công nghệ được thương mại hóa. Tuy nhiên, có một điều chúng ta nhận biết được là kết quả thương mại hóa từ những nghiên cứu khoa học rất thấp.

Bây giờ là năm 2021, đến năm 2025, còn 4 năm nữa nhưng cũng mới đặt ra con số “khiêm tốn” là phấn đấu đạt con số 30% những nghiên cứu được thương mại hóa. Tức là từ trước đến nay, con số này có thể là một con số nào đó nhưng dưới xa con số 30%? Có thể hiểu một cách khác là nhiều nghiên cứu trước đây chưa ứng dụng được vào thực tế?

Tại Nghị quyết 07 nói trên của Tỉnh ủy đã đánh giá điều này như sau: “Hoạt động khoa học và công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu là động lực và nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội. Năng lực hấp thụ, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống chưa mạnh... Tỷ lệ ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào sản xuất và đời sống còn thấp. Sự gắn kết giữa khoa học và công nghệ với các chương trình, dự án kinh tế - xã hội chưa cao”.

Tại Quy hoạch Phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025 và tầm nhìn 2030, công bố vào tháng 2/2017 cũng xác định phấn đấu “Xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành một trong những trung tâm khoa học và công nghệ của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước”. Có 4 lĩnh vực ưu tiên là công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới và ứng dụng công nghệ cao trong y, dược. Ví dụ như mục tiêu về phát triển công nghệ sinh học, ở lĩnh vực nông nghiệp xác định cụ thể đến năm 2025 bảo đảm 75% nhu cầu giống các đối tượng nuôi trồng chủ lực được sản xuất có chất lượng cao, sạch bệnh; sản lượng các đối tượng nuôi trồng chủ lực tăng 20% nhờ phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông lâm thủy sản”.

Đến những mốc thời gian nói trên, chúng ta có đạt được mục tiêu như qui hoạch đã đưa ra hay không là điều đang phấn đấu. Muốn trở thành một trung tâm khoa học công nghệ lớn thì việc trước tiên công tác nghiên cứu phải đạt hiệu quả cao. Những nghiên cứu phải được ứng dụng vào đời sống để sinh ra giá trị. Thế nhưng, như trên đã nêu, phần lớn những nghiên cứu của chúng ta không thương mại hóa được. Cho nên, trước khi muốn trở thành một trung tâm về khoa học công nghệ, việc trước tiên phải khắc phục cho được điểm yếu này. Tức là phải trả lời rốt ráo câu hỏi: nghiên cứu để là gì ?

Nguyễn Nguyên

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/nghien-cuu-de-lam-gi-a104746.html