Kinh tế Khoa học - công nghệ Rác thải từ đồng ruộng tràn ra biển

TTH - Một lượng rác thải trong nông nghiệp, nông thôn theo dòng nước lũ trôi ra sông, đầm phá rồi cuốn ra biển qua cửa Thuận An; sau đó rác lại trôi dạt vào bờ mỗi mùa biển động.

Người dân thu gom rác thải trên đồng ruộng đưa vào bể chứa

Người dân thu gom rác thải trên đồng ruộng đưa vào bể chứa

Nhiều bao bì, chất thải nhựa

Dọc theo bãi biển từ huyện Phong Điền đến huyện Phú Lộc những ngày này một lượng rác thải khá lớn trôi dạt vào bờ biển. Trong số các loại rác như củi, gỗ mục còn xen lẫn nhiều bao bì, chai nhựa, kể cả chai đựng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).

Anh Võ Thọ ở thôn Hải Thế, xã Phong Hải (Phong Điền) chia sẻ, thường sau những ngày biển động, biển trở lại bình thường, anh và nhiều người dân địa phương thu lượm củi, gỗ mục phơi khô làm chất đốt; bao bì, chất thải nhựa có thể bán kiếm tiền, vừa góp phần làm sạch môi trường bãi biển.

Rất ít khi anh Thọ chú ý nguồn gốc, phân loại cụ thể rác thải nhưng nhìn chung được xác định xuất phát từ vùng nông thôn, phần lớn là bao bì, chai nhựa. Các bao bì, chai nhựa đều phai mờ nhãn hiệu do trôi dạt nhiều ngày trên nước, sóng đánh nhưng thỉnh thoảng xem kỹ vẫn có thể xác định là vật dụng chứa đựng thuốc BVTV.

Người dân thu gom rác thải trên đồng ruộng đưa vào bể chứa

Người dân thu gom rác thải trên đồng ruộng đưa vào bể chứa

Cứ sau mỗi trận bão lũ, biển động, lực lượng vũ trang, đoàn thể, thanh niên cùng Nhân dân ra quân thu gom rác, bao bì, chai nhựa trên bãi biển. Điều này cho thấy, biển đang chứa một lượng rác thải lớn từ nhiều nguồn.

Những năm gần đây, nhất là từ khi triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, môi trường ở khu vực từ thành thị đến nông thôn ở Thừa Thiên Huế cải thiện đáng kể. Nguồn rác thải bừa bãi trong khu dân cư, trên các tuyến đường ngày càng hạn chế, nhưng chưa được giải quyết triệt để, nhất bao bì, chai lọ thuốc BVTV trên đồng ruộng và khu dân cư.

Theo lý giải, nhận định của lãnh đạo các địa phương, một bộ phận người dân vẫn chưa thật sự ý thức bảo vệ môi trường nói chung, môi trường biển nói riêng. Do một phần sau những giờ làm việc mệt nhọc trên đồng, người dân đã thiếu sự quan tâm, hoặc quên thu dọn bao bì, chai lọ thuốc BVTV đưa đến nơi xử lý theo quy định.

Phong trào nuôi tôm trên cát ven biển Ngũ Điền (Phong Điền) và một số địa phương ở Phú Vang, Phú Lộc đang phát triển với diện tích trên 400ha, trong tổng quy hoạch khoảng 1.000ha. Với diện tích ao hồ khá lớn kéo theo một lượng lớn bao bì, chai lọ, chất thải đựng thuốc, hóa chất, thức ăn trong quá trình nuôi. Hầu hết mô hình nuôi tôm của người dân đều tự phát, thiếu an toàn, nguồn nước trong ao sau khi thu hoạch tôm, hoặc tôm chết xả trực tiếp ra biển, không qua xử lý khiến môi trường (tại khu vực nuôi tôm) biển đang bị ô nhiễm. Theo phản ánh của người dân, mỗi lần tắm tại vùng biển nằm trong khu vực nuôi tôm thường bị ngứa, nước biển có mùi hôi khó chịu.

Chuyển đổi nhận thức

Ngư dân trẻ Trần Văn Cường ở phường Thuận An (TP. Huế) được nhiều người biết đến không chỉ mạnh dạn đầu tư gần 4 tỷ đồng đóng tàu vỏ gỗ công suất lớn trên 1.000CV, mua sắm thiết bị ngư cụ hiện đại mà còn kết hợp nhặt rác trên biển trong quá trình khai thác dài ngày. Sau mỗi chuyến biển trở về, ngoài hải sản, tàu Cường còn chở đầy ắp rác khiến các chủ tàu, ngư dân khác thường bị nhầm tưởng tàu Cường trúng lớn hải sản.

Là một đoàn viên ưu tú, đảng viên trẻ với những việc làm hữu ích, ý nghĩa, Cường được tín nhiệm bầu Bí thư Chi đoàn tổ dân phố Tân Bình, kiêm Chủ nhiệm câu lạc bộ ngư dân trẻ phường Thuận An. Đây là cơ hội để Cường quy tụ thêm 30 ngư dân trẻ vừa khai thác biển, dịch vụ hậu cần nghề cá vừa kết hợp thu gom rác thải trên biển. Cường bảo: “Đại dương mênh mông, nhưng mỗi người chung một tay vớt rác, không xả rác bừa bãi thì môi trường biển sẽ ngày càng tốt hơn”.

Chủ tịch UBND phường Thuận An - ông Đào Quang Hưng đánh giá, “mô hình vớt rác trên biển” của Trần Văn Cường và các ngư dân trẻ tác động tích cực đến nhận thức ngư dân Thuận An nói riêng và các vùng biển nói chung. Hàng trăm chủ tàu cùng với ngư dân ngày càng quan tâm hơn trong bảo vệ môi trường biển...

Sau những ngày biển động, hoặc theo định kỳ, lực lượng vũ trang, đoàn thể, thanh niên và Nhân dân các vùng ven biển ra quân thu gom rác thải trên bãi biển, đồng ruộng. Tại nhiều địa phương ở các huyện Quảng Điền, Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc… hình thành mô hình “ruộng ai nhà ấy dọn sạch”, người dân tự giác, bỏ công vệ sinh đồng ruộng đã hạn chế tối đa chi phí đầu tư của Nhà nước cho các hoạt động xử lý môi trường. Toàn tỉnh đã triển khai mô hình xây dựng bể chứa thu gom bao bì, chai lọ thuốc BVTV trên đồng ruộng với khoảng 2.100 bể. Điều này không chỉ phát huy hiệu quả trong việc xử lý rác thải mà còn tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người dân, nâng cao trách nhiệm bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng.

Giám đốc Sở NN&PTNT - ông Nguyễn Đình Đức khẳng định, nguồn rác thải nông thôn, từ đồng ruộng trôi ra biển qua các mùa mưa lũ là thực tế đang diễn ra. Để hạn chế, hướng đến xử lý triệt để nguồn rác thải từ đồng ruộng trôi ra biển gây ô nhiễm môi trường, những năm qua, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tổ chức ra quân vệ sinh môi trường, thu gom rác thải trên bãi biển. Đồng thời kết hợp khuyến khích, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc BVTV một cách hợp lý, tránh lạm dụng. Quá trình sản xuất, người dân từng bước hạn chế xả bừa bãi các chất thải từ thuốc BVTV, kết hợp thu gom, xử lý rác đúng quy định.

Những năm gần đây, bình quân mỗi năm người dân sử dụng khoảng 175-200 tấn thuốc BVTV, giảm 42,8% so với năm 2007; tỷ lệ phân bón thuộc nhóm hữu cơ được sử dụng ngày càng nhiều (khoảng 20-40% tổng lượng phân bón được sử dụng). Tuy nhiên theo ông Đức, tỷ lệ này vẫn còn thấp so với yêu cầu tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, bảo vệ môi trường và sức khỏe Nhân dân.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh - ông Nguyễn Văn Phương yêu cầu các ban ngành chức năng theo định kỳ tổ chức đánh giá tác động của các loại chất thải nhựa, bao bì ảnh hưởng đến môi trường, môi trường biển, nhất là chất thải từ đồng ruộng, thuốc BVTV, từ đó có biện pháp, mô hình xử lý hiệu quả. Các địa phương duy trì, tích cực triển khai phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” nhằm xử lý rác, hướng đến giáo dục, chuyển biến nhận thức của Nhân dân trong bảo vệ môi trường, không xả rác thải bừa bãi như mô hình “biến rác thành tiền”, nói không với sử dụng túi ni lông và rác thải nhựa... Đồng thời khuyến khích, động viên nhân rộng mô hình vừa khai thác hải sản kết hợp thu gom, vớt rác, chất thải nhựa, bao bì trôi dạt trên biển. Tỉnh đang hướng đến đầu tư chuyên nghiệp hóa mô hình nuôi tôm trên cát ven biển nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, góp phần bảo vệ môi trường nói chung, môi trường biển nói riêng.

Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/rac-thai-tu-dong-ruong-tran-ra-bien-a106722.html