Kinh tế Khoa học - công nghệ Thừa Thiên Huế đứng thứ 2/63 tỉnh thành về mức độ chuyển đổi số
Theo kết quả đánh giá mức độ chuyển đổi số chiều 19/10 do Bộ TT&TT và Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) phối hợp tổ chức, Thừa Thiên Huế xếp thứ 2/63 tỉnh thành.
Năm 2020 là năm đầu tiên triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Vì vậy chủ đề năm 2020 được chọn là “Chuyển đổi số khởi đầu khát vọng cho một thập kỷ hành động”.
Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa, báo cáo DTI 2020 được tổng hợp từ 4 nguồn thông tin dữ liệu, thực hiện đánh giá mức độ chuyển đổi số của các bộ, tỉnh theo 3 nhóm: các bộ cung cấp dịch vụ công, các bộ không cung cấp dịch vụ công và các tỉnh.
Kết quả, DTI 2020 cấp tỉnh trung bình là 0,3026; DTI 2020 của các bộ cung cấp dịch vụ công trung bình là 0,3982 và DTI 2020 của các bộ không cung cấp dịch vụ công trung bình là 0,2342. Kết quả này cho thấy chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương trong năm 2020 đang trong giai đoạn bắt đầu.
Theo báo cáo DTI 2020, ở nhóm 18 bộ, ngành cung cấp dịch vụ công, với việc đạt giá trị DTI là 0,4944, Bộ Tài chính là cơ quan dẫn đầu. Còn trong 7 bộ, ngành không có dịch vụ công, Đài Truyền hình Việt Nam xếp vị trí thứ nhất với giá trị DTI là 0,2995.
Kết quả xếp hạng DTI 2020 cho thấy, Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về mức độ chuyển đổi số năm 2020, với giá trị đạt được là 0,4874. Đây cũng là địa phương xếp hạng nhất ở cả 3 trụ cột Chính quyền số, Kinh tế số và Xã hội số. Các vị trí tiếp theo trong Top 10 tỉnh, thành phố lần lượt là Thừa Thiên Huế, Bắc Ninh, Quảng Ninh, TP.HCM, Tiền Giang, Cần Thơ, Ninh Bình, Kiên Giang và Bắc Giang.
Từ kết quả DTI 2020, đại diện Cục Tin hóa cho hay, hiện chỉ số chuyển đổi số còn thấp, các bộ, ngành và địa phương cần đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số theo cả 3 trụ cột Chính phủ số, Kinh tế số và Xã hội số. Cũng dựa vào DTI, các bộ, ngành và địa phương cần ưu tiên thúc đẩy những chỉ số còn thấp.
Tin, ảnh: Thái Bình