Kinh tế Khởi nghiệp Xây dựng chương trình cố vấn khởi nghiệp
Đó là chủ đề của hội nghị được Đại học (ĐH) Huế phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức vào chiều 25/3.
Lãnh đạo ĐH Huế cho biết, cố vấn là một cấu phần không thể thiếu trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Chương trình cố vấn khởi nghiệp sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người được cố vấn như: Cơ hội tiếp cận mạng lưới kinh doanh, học hỏi từ kiến thức và kinh nghiệm; được tạo động lực, truyền cảm hứng; cải thiện năng lực ra quyết định, nhận trợ giúp tài chính...
Tại ĐH Huế, việc đào tạo, huấn luyện và xây dựng mạng lưới cố vấn khởi nghiệp đã được triển khai từ đầu năm 2019, ĐH Huế đã hình thành nên mạng lưới đầu tiên với những mentor (người cố vấn) là các doanh nhân trên địa bàn tỉnh, ngoài ra còn có các giảng viên, chuyên viên đến từ ĐH Huế.
Năm 2020, với sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua đề án 844, ĐH Huế đã thực hiện nhiệm vụ về huấn luyện mentor cho một số địa phương khu vực miền Trung và Tây Nguyên; đã đào tạo, huấn luyện cho 120 người là lãnh đạo các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, các trường ĐH, hỗ trợ hình thành mạng lưới và chương trình cố vấn khởi nghiệp tại các tỉnh như Quảng Nam, Nha Trang và Đắk Lắk.
Tại ĐH Huế, hoạt động cố vấn khởi nghiệp là gần như bắt buộc trong các cuộc thi về khởi nghiệp. Cố vấn cũng là hoạt động quan trọng trong chương trình ươm tạo khởi nghiệp.
Hiện tại, Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo - ĐH Huế đang triển khai chương trình X-Mentoring mùa thứ hai với sự hỗ trợ từ Swiss EP và SMEs Mentoring 1on1.
Thông qua hội nghị, ĐH Huế mong muốn mang đến góc nhìn rõ hơn cho lãnh đạo các trường ĐH, các địa phương cũng như các doanh nhân về vai trò, sự cần thiết, cũng như một số kinh nghiệm đối với việc xây dựng và triển khai một chương trình cố vấn khởi nghiệp.
Tin, ảnh: Hữu Phúc