Kinh tế Kinh tế Bảo tồn vùng nguyên liệu tràm gió
Nhằm bảo tồn vùng nguyên liệu tràm gió, tránh khai thác thiếu kiểm soát và tận diệt, Công ty TNHH MTV sản xuất tinh dầu Hoa Nén (Công ty Hoa Nén) kịp thời khảo sát vùng nguyên liệu, vùng tràm nguyên sinh tại huyện Phong Điền và lập ý tưởng kêu gọi tài trợ bảo tồn.
Phục hồi rừng tự nhiên
Công ty Hoa Nén đã khảo sát vùng nguyên liệu, vùng tràm nguyên sinh tại huyện Phong Điền, và lập đề xuất ý tưởng kêu gọi tài trợ từ Dự án (DA) Trường Sơn Xanh của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và đã được phê duyệt triển khai “DA bảo tồn và phát triển vùng nguyên liệu cây tràm gió thiên nhiên gắn với việc bảo tồn, phát triển nghề chưng cất tinh dầu tràm Huế đồng thời gắn với việc xây dựng, phát triển thương hiệu tinh dầu Hoa Nén” trong thời gian 20 tháng tại xã Phong Hiền (Phong Điền) với tổng kinh phí 2 tỷ đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Cho, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, hiện nay trên địa bàn huyện có khoảng 100 ha diện tích cây tràm gió, tập trung ở các xã Phong An, Phong Bình, Phong Thu, Phong Hiền. Do nhu cầu tiêu thụ cây tràm gió hiện nay khá lớn, dẫn đến tình trạng khai thác ồ ạt, không đúng quy trình, nếu không có biện pháp bảo tồn sẽ nhanh chóng cạn kiện, mất cân bằng sinh thái. Trước thực trạng trên, UBND huyện đã đưa ra hai phương án: Vừa bảo tồn diện tích rừng tràm tự nhiên hiện có, vừa phát triển bằng cách trồng mới các diện tích.
“Về phương án bảo tồn, huyện đã chỉ đạo và giao cho các xã, thôn tự bảo quản diện tích cây tràm gió tự nhiên tại địa phương của mỗi xã, từ đó có kế hoạch bảo vệ, chăm sóc cũng như đưa ra phương án khai thác hợp lý diện tích cây tràm gió tự nhiên trên địa bàn xã phụ trách quản lý”, ông Cho cho biết.
Ngoài công tác bảo tồn, năm 2019, UBND huyện Phong Điền xác định cây tràm gió là một mũi nhọn trong việc phát triển kinh tế cho người dân trên địa bàn huyện thông qua việc chưng cất và chế biến tinh dầu tràm. Dưới sự hỗ trợ và giúp đỡ từ DA Trường Sơn Xanh năm 2019, huyện Phong Điền sẽ tiến hành trồng mới 70 ha cây tràm gió. Bước đầu, DA đã triển khai trồng ngoài thực địa 5 ha tại thôn Cao Ban (xã Phong Hiền), cho thấy tốc độ sinh trưởng và phát triển rất tốt của loài cây này.
DA là sự lồng ghép các mục tiêu của Công ty Hoa Nén với các mục tiêu hỗ trợ ưu tiên của DA Trường Sơn Xanh do USAID tài trợ bao gồm bảo tồn và phục hồi rừng tràm gió tự nhiên; phát triển, mở rộng rừng tràm trồng theo tiêu chuẩn VietGAP; cung cấp nguyên liệu thô phục vụ cho sản xuất bền vững lâu dài nhằm nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần quản lý tài nguyên hiệu quả, bảo tồn đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Xây dựng thương hiệu
Ông Đỗ Đăng Tèo, Phó Giám đốc DA Trường Sơn Xanh tại Huế cho biết, DA Trường Sơn Xanh chọn Công ty Hoa Nén là đối tác để hỗ trợ trong việc bảo tồn và phát triển vùng nguyên liệu cây tràm gió tại huyện Phong Điền trên cơ sở gắn với việc sản xuất sản phẩm tinh dầu tràm của công ty. Qua DA này không những góp phần bảo tồn và phát triển được vùng nguyên liệu cây tràm gió tại vùng cát nội đồng của huyện Phong Điền mà còn mong muốn đem lại sinh kế lâu dài cho bà con Nhân dân nơi đây khi tham gia DA.
Với việc bảo tồn diện tích cây tràm gió hiện có, đồng thời tiến hành trồng mới khoảng 70 ha trong thời gian tới không những đem lại cho bà con công ăn việc làm mà còn tạo ra một vùng nguyên liệu ổn định và lâu dài. DA còn mở ra cơ hội làm việc, học tập, thực tập ngoại khóa cho hơn 1.000 học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh; qua đó góp phần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học cho các em.
Ông Hồ Thắng, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết: “Tinh dầu tràm là một sản phẩm đem lại nhiều giá trị về mặt kinh tế cho người dân. Vì vậy, tỉnh đã xây dựng các tiêu chí để lựa chọn các sản phẩm chủ lực, trong đó có các sản phẩm tinh dầu tràm mang thương hiệu của tỉnh. Để đẩy mạnh việc phát triển thế mạnh của sản phẩm chủ lực này, tỉnh đã chủ trương xây dựng chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm dầu tràm nhằm khẳng định sản phẩm dầu tràm là của tỉnh. Thông qua chỉ dẫn địa lý, chúng tôi muốn nâng cao khả năng thương mại hóa sản phẩm, khả năng tiếp cận thị trường cho sản phẩm tinh dầu tràm Huế”.
Theo ông Thắng, bảo tồn rừng tràm nguyên sinh và phát triển mở rộng vùng nguyên liệu trồng cây tràm gió tại Phong Điền là vấn đề rất cấp thiết nhằm lưu giữ và phục hồi một loài cây bản địa có nhiều giá trị về truyền thống, văn hóa cũng như lợi ích kinh tế. Các hoạt động này sẽ mang lại nhiều lợi ích cả về môi trường, kinh tế, xã hội, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao thu nhập và tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng địa phương. Đồng thời, uy tín của thương hiệu tinh dầu tràm Huế cũng sẽ được nâng cao, tạo cơ hội để sản phẩm truyền thống này tiếp cận được các thị trường trong nước và quốc tế.
Bài, ảnh: Hà Nguyên - Đồng Miệu
Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/bao-ton-vung-nguyen-lieu-tram-gio-a73420.html