Kinh tế Kinh tế Cá trắm nuôi lồng ở Quảng Điền bị chết

Cá trắm cỏ nuôi lồng tại xã Quảng Thọ (Quảng Điền) bị chết do nhiễm tác nhân gây bệnh nấm mang Brachiomyces sanguinis.

Cá trắm cỏ chết do bệnh nấm mang Brachiomyces sanguinis.

Cá trắm cỏ chết do bệnh nấm mang Brachiomyces sanguinis.

Trong những ngày qua, trên địa bàn xã Quảng Thọ (Quảng Điền) xảy ra hiện tượng cá trắm cỏ nuôi lồng trên sông Bồ nổi lờ đờ, bị chết. Trong đó tại thôn Phước Yên, xã Quảng Thọ có nhiều lồng cá chết rải rác, một số lồng bị chết 150 con/lồng. Qua kiểm tra của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền, các yếu tố môi trường đều nằm trong giới hạn cho phép.

Ông Nguyễn Dũng ở xã Quảng Thọ rất lo lắng khi cá chết rải rác trong nhiều ngày nay. Mặc dù đã chạy oxy thường xuyên, điều hòa các yếu tố môi trường, tăng cường thức ăn dinh dưỡng… nhưng cá vẫn lờ đờ, chết rải rác và sau đó chết nhiều. Một số hộ có đến 2-3 lồng cá trắm bị chết, phần lớn cá đều từ 4-5 tháng tuổi, thiệt hại 10-20 triệu đồng.

Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Thọ, ông Trần Kìm thông tin, ngay sau khi xuất hiện cá chết, chính quyền địa phương báo với Chi cục Thủy sản tỉnh, đồng thời hướng dẫn bà con các biện pháp phòng trừ dịch bệnh. Tuy nhiên đến nay thì cá vẫn chết rải rác, địa phương khuyến cáo bà con thu hoạch bán, chấp nhận giá thấp nhằm hạn chế tối đa thiệt hại.

Chi cục Thủy sản cũng đã phối hợp với Khoa Thủy sản - Trường đại học Nông Lâm (Đại học Huế) tổ chức lấy mẫu cá chết tại hiện trường với các dấu hiệu như không xuất huyết bên ngoài cơ thể, không có hiện tượng xơ rách ở vây, không phát hiện bất kỳ tổn thương bên ngoài cơ thể.

Người dân nuôi cá lồng ở Quảng Thọ

Người dân nuôi cá lồng ở Quảng Thọ

Tuy nhiên qua kiểm tra cá có các dấu hiệu bệnh lý về mang, như mang xuất hiện các vùng mất sắc tố, có màu xám vàng, các phiến mang sưng và dính vào nhau, kết dính ở biểu mô mang, hoại tử các phiến mang. Ở bề mặt nội quan không thấy xuất huyết, cơ không xuất huyết, ruột không có thức ăn, gan nhợt nhạt.

Kết quả kiểm tra tại phòng thí nghiệm không phát hiện vi khuẩn trên các mẫu bệnh phẩm từ thận, không thấy dấu hiệu do nhiễm virus vì cơ không xuất huyết, nấm xuất hiện trên các mẫu nuôi cấy từ mang. Từ đó có thể kết luận cá trắm cỏ nuôi lồng tại các địa phương như Quảng Thọ, Quảng Phú bị chết do nhiễm tác nhân gây bệnh nấm mang Brachiomyces sanguinis.

Bệnh Brachiomyces sanguinis khá nghiêm trọng và chưa có thuốc để trị dứt điểm. Vì vậy ngoài các biện pháp treo túi vôi và sunphat đồng tại các góc lồng, bà con tiếp tục thực hiện các biện pháp theo quy định để tránh lây lan mầm bệnh trên diện rộng. Trước hết loại bỏ ngay các con bị bệnh (cá yếu, chết) trong lồng. Đồng thời tăng cường cung cấp oxy cho lồng nuôi bằng cách bố trí hệ thống sục khí, hoặc các thiết bị bơm đảo nước tạo dòng chảy để tăng cường hàm lượng oxy.

Các hộ nuôi không để thức ăn quá dư thừa làm ô nhiễm môi trường bằng cách quản lý cho ăn và chăm sóc, như giảm khẩu phần cho ăn hàng ngày, bổ sung vitamin C; tập luyện và chuyển dần sang cho cá ăn bằng thức ăn công nghiệp để tăng cường sức đề kháng. Sử dụng hóa chất để kiểm soát dịch bệnh bằng phương pháp ngâm và treo túi thuốc trị nấm: Pronopol theo liều lượng khuyến cáo của cơ quan chức năng.

Bài, ảnh: Triều Thủy

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/ca-tram-nuoi-long-o-quang-dien-bi-chet-a113478.html