Kinh tế Kinh tế Cộng đồng bảo tồn đa dạng sinh học Trung Trường Sơn
TTH - Tại Trung Trường Sơn, 545ha rừng nghèo được phục hồi thành rừng trung bình, 223 hộ gia đình được hỗ trợ phát triển sinh kế và gần 8.000ha rừng tự nhiên được quản lý hiệu quả bởi cộng đồng. Đó là kết quả của dự án 'Tăng cường vai trò của cộng đồng và các tổ chức xã hội trong công tác bảo tồn ở khu vực Trung Trường Sơn' do WWF thực hiện 5 năm qua.
17 cộng đồng được hỗ trợ sinh kế
Ông Phạm Văn Dương, đại diện Ban Quản lý rừng cộng đồng Cha Măng, xã Thượng Lộ (Nam Đông) chia sẻ, một thời người dân hầu như ít hiểu biết về vai trò của sự đa dạng sinh học, cây rừng, muông thú đối với sự sống của con người. Một bộ phận người dân vô tư khai thác gỗ rừng tự nhiên, săn bắt động vật hoang dã, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy. Điều đó gây tác động tiêu cực đến tài nguyên rừng, sự đa dạng sinh học.
Quá trình tuyên truyền, vận động của ban, ngành chức năng, chính quyền địa phương, người dân từng bước thay đổi nhận thức trong quản lý, bảo vệ rừng tự nhiên và các loài động vật hoang dã. Một trong những bước tiến thay đổi nhận thức, tư duy bảo vệ rừng là từ khi người dân tham gia dự án “Tăng cường vai trò của cộng đồng và các tổ chức xã hội trong công tác bảo tồn ở khu vực Trung Trường Sơn” do WWF thực hiện.
Nâng cao sinh kế cho cộng đồng địa phương là một cách để giảm sự phụ thuộc của người dân vào tài nguyên, từ đó giảm áp lực lên tài nguyên rừng và quản lý rừng bền vững hơn. Dự án đã hỗ trợ 223 hộ gia đình thuộc 17 cộng đồng, nhóm hộ phát triển các mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện địa phương, gồm trồng mây, gừng gió dưới tán rừng và trồng cây nghệ đen trên đất nương rẫy. Trong hoạt động này, phụ nữ đóng vai trò chủ chốt, là những người đã nêu các đề xuất về sinh kế, sau đó được tập huấn và hỗ trợ triển khai các mô hình này.
Để xây dựng được mô hình sinh kế phù hợp và bền vững, dự án nghiên cứu điều kiện tự nhiên và thị trường cũng như các yếu tố kinh tế - xã hội của các địa phương. Một số loài cây lâm sản ngoài gỗ đã được lựa chọn để phát triển. Các lớp tập huấn về kỹ năng trồng và chăm sóc các loài này được tổ chức xuyên suốt dự án cho các hộ thành viên tham gia. Bằng việc trực tiếp tham gia gieo trồng, chăm sóc các loài lâm sản ngoài gỗ, làm vườn ươm, 17 cộng đồng và nhóm hộ không chỉ tăng thêm thu nhập mà còn giúp làm giàu 94ha rừng tự nhiên.
Giảm vụ khai thác gỗ trái phép
Bà Nguyễn Thị Thiên Thanh, cán bộ truyền thông WWF-Việt Nam cho rằng, cộng đồng địa phương và bản địa đóng vai trò quan trọng trong chiến lược bảo tồn đa dạng sinh học. Với kiến thức bản địa sâu rộng, mối liên hệ chặt chẽ và lâu đời với thiên nhiên, cộng đồng địa phương được xác định là những người thực hiện công việc bảo tồn tốt nhất. Khi thấy được vai trò, lợi ích cũng như trách nhiệm của mình, họ sẽ tích cực tham gia và có những đóng góp to lớn để bảo vệ các nguồn tài nguyên thiên nhiên của địa phương.
Để hỗ trợ các cộng đồng địa phương vừa phát triển bền vững, vừa giữ gìn được hệ sinh thái có giá trị bảo tồn cao của các khu rừng Trung Trường Sơn, dự án huy động sự tham gia của nhiều bên để đưa ra các giải pháp tối ưu nhất. Các giải pháp này được nghiên cứu, triển khai phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và giá trị truyền thống của cộng đồng trước khi đưa vào áp dụng. Với tâm huyết, nỗ lực của dự án và các đối tác, 5 năm qua, cộng đồng tại các huyện A Lưới, Nam Đông được hỗ trợ nguồn lực và năng lực kỹ thuật nhằm tạo ra những tác động tích cực lên tài nguyên rừng và đa dạng sinh học trong khu vực.
Dự án triển khai các biện pháp nâng cao năng lực cộng đồng nhằm bảo vệ rừng tự nhiên được giao, hoặc khoán cho cộng đồng quản lý. Nhiều lớp tập huấn, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm được tổ chức với sự tham gia của khoảng 6.000 lượt người tại các huyện Nam Đông, A Lưới. Hoạt động được thực hiện với sự phối hợp của Trung tâm Phát triển nông thôn miền Trung (CRD), Hội Chủ rừng phát triển bền vững Thừa Thiên Huế (TTH-FOSDA), Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học nước Việt xanh (GreenViet).
Khi được trang bị các kiến thức và kỹ năng cần thiết, kết hợp áp dụng công nghệ trong quản lý như phần mềm WebGIS, các cộng đồng đã thiết lập và vận hành hiệu quả mô hình quản lý rừng cộng đồng. Tính riêng địa bàn các xã thuộc dự án hỗ trợ, số vụ vi phạm khai thác gỗ tại mỗi xã từ 4-5 vụ các năm 2017-2018 đã giảm xuống còn 1-2 vụ năm 2021-2022.