Kinh tế Kinh tế Đồng bộ giải pháp xử lý rác thải sinh hoạt
TTH - Những năm gần đây, lượng rác thải sinh hoạt phát sinh, nhất là tại đô thị như TP. Huế ngày càng tăng. Theo Công ty CP Môi trường và Công trình đô thi Huế (HEPCO), mỗi ngày trên địa bàn TP. Huế mở rộng hiện nay đã phát sinh hơn 400 tấn rác thải sinh hoạt; chưa kể đến 8 huyện, thị trên địa bàn tỉnh.
Thời gian qua, dù tỷ lệ thu gom các loại chất thải trên địa bàn tỉnh đạt khá cao nhưng công tác phân loại rác tại nguồn, thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt còn nhiều khó khăn.
Trên thực tế, Thừa Thiên Huế rất quan tâm đến công tác xử lý rác thải, một số khu xử lý rác thải tập trung, đầu tư công nghệ xử lý rác đã đi vào hoạt động. Trong đó, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn hiện nay chủ yếu do HEPCO hợp đồng trực tiếp với chính quyền các địa phương để thực hiện xử lý chiếm hơn 70% tổng lượng rác phát sinh. Một số khác tự tổ chức thu gom rồi hợp đồng HEPCO vận chuyển xử lý. Một số huyện có thành lập đơn vị, DN phụ trách môi trường được giao đảm nhiệm khâu vận chuyển, xử lý, còn việc thu gom do các xã, thị trấn thành lập tổ đội trực tiếp thực hiện. Tuy nhiên, trước khối lượng rác thải phát sinh quá lớn nên một số khu xử lý rác thải tập trung dù đã cố gắng nhưng vẫn không thể xử lý hết lượng rác thải hằng ngày, lượng nước rỉ rác chưa được xử lý triệt để làm phát tán mùi, ảnh hưởng đến khu vực xung quanh, khiến người dân bức xúc.
Thông thường khi rác thải sinh hoạt không xử lý kịp thời, để tồn đọng là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường. Giải quyết vấn đề này yếu tố quan trọng là phân loại rác thải rắn sinh hoạt tại nguồn đóng vai trò rất quan trọng, góp phần giảm thiểu tổng lượng rác thải trong cộng đồng thải ra môi trường, tiết kiệm chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý. Hoạt động lâu nay đã triển khai, ứng dụng ở một số địa phương nhưng đang còn phạm vị hẹp nên cần được tiếp tục nhân rộng. Song song đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường từ những hành động nhỏ, mang ý nghĩa lớn, như phân loại rác tại nguồn; bỏ rác đúng nơi quy định; không vứt rác bừa bãi nơi công cộng, nhất là ở sông, suối, cống, mương nước; thay đổi thói quen sử dụng túi ni-lông...
Với sự phát triển công nghiệp, đô thị và dân số, trong thời gian tới, dự báo khối lượng chất thải phát sinh trên địa bàn tỉnh sẽ tăng mạnh. Một trong giải pháp hiện nay tỉnh đề ra phấn đấu đến năm 2025, sử dụng 100% túi ni-lông, bao bì thân thiện môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế cho túi ni-lông khó phân hủy; bảo đảm thu gom, tái sử dụng, tái chế; xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, khách sạn trên địa bàn không sử dụng túi ni-lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần.
Bền vững lâu dài hơn cần có giải pháp đồng bộ, căn cơ để rác thải nói chung và rác thải sinh hoạt nói riêng được thu gom, xử lý kịp thời, không còn tình trạng ùn ứ, góp phần bảo vệ môi trường sống bền vững. Trong đó, ngoài việc nâng cao chất lượng thu gom, khâu xử lý, như tái chế rác thải tiến tới giảm chôn lấp rác thải rắn, lựa chọn công nghệ cao tại các khu xử lý tập trung thân thiện với môi trường... là nhiệm vụ quan trọng mà tỉnh cần tiếp tục quan tâm.