Kinh tế Kinh tế Nhận thức khác và hành động phải khác để bảo vệ chim trời
Với cách ứng xử, quy định (có thể là luật và văn bản dưới luật), cách thức quản lý và xử lý của chúng ta, động vật hoang dã nói chung và chim trời nói riêng… còn khổ nữa!
Nhiều loại động vật bây giờ hầu như không còn hoặc còn rất ít. Ngay như con chồn, con thỏ, con dúi (một loài chuột rừng )… trước đây rất nhiều bây giờ cũng thành đồ hiếm. Cứ nhìn vào giá cả thì biết, một con chồn, đặc biệt là chồn hương có giá bán đến mấy triệu đồng (bán bất hợp pháp), một cân dúi đến mấy trăm ngàn đồng. Ở đây chúng ta cũng thấy sức tiêu dùng về động vật hoang dã cũng chưa hề giảm? Bởi, “bổ béo” không thì chưa biết nhưng phàm thứ gì hiếm trong khi sức cầu cao thì giá đắt.
Có nhiều nguyên nhân khiến nhiều loài động vật hoang dã trở nên hiếm, trong đó có hai nguyên nhân chính là: đánh bắt và môi trường sống bị thu hẹp.
Xin kể một chuyện “mắt thấy tai nghe”. Cạnh nhà tôi có một nhà máy xay xát gạo (công suất nhỏ thôi, chủ yếu là xay xát cho bà con quanh vùng). Nhà tôi lại được làm mái ngói, quanh nhà trồng nhiều cây xanh, có một số mái tôi còn lợp thêm tranh để tạo bóng râm thêm cho hàng hiên và chống tạt khi có mưa. Có lẽ đây là một môi trường lý tưởng - chỗ ăn, chỗ trú ẩn, có đủ điều kiện tốt để sinh nở, nên chim sẻ từ đâu về đây trú ẩn rất nhiều. Chúng cũng tạo ra một số phiền hà (ví dụ như mùa sinh sản, thường vào mùa xuân, chúng rỉa mái tranh để làm tổ) nhưng niềm vui, sự thích thú thì nhiều hơn. Cứ mỗi ban mai ngồi trong sân vườn uống trà hay cà phê, nghe tiếng chim thức giấc… thấy cuộc sống thanh bình, giản dị và đáng yêu.
Rồi một ngày, có mấy thanh niên kéo đến bẫy, bằng keo dính (tôi có nhắc nhở chứ không biết làm gì hơn vì mình không phải là ngành chức năng, trong tay cũng không có công cụ gì để bảo vệ cho đàn chim). Bản năng sinh tồn của loài vật cũng không phải chuyện đùa. Lần đó, chỉ một ít con bị keo dính, nhưng từ đó không biết chúng di cư đâu hết. Có thể chúng nhận biết vùng nguy hiểm nên “cảnh giác”, không về nữa. Hay là chúng đến một nơi nào đó, cũng với phương thức tương tự rồi cũng bị bắt vài con! Cứ như thế mà bầy đàn giờ ít dần.
Chợt nghĩ, cách ứng xử của con người ta cũng rất lạ - có rất nhiều khuyến cáo, quy định nhưng vẫn cứ bắt chim trời để ăn, để bán (có thể là một cách kiếm thu nhập), để nuôi (mua vui) và thậm chí là để “làm phúc” (phóng sinh). Chừng ấy nhu cầu của con người bao phủ với nhiều phương kế thì làm sao chim trời tồn tại !?
Giờ nói đến luật lệ và chuyện thực thi luật lệ. Có ai bắt chim trời mà bị phạt tiền, bị bắt đi lao động công ích, bị phạt tù chưa? Ở đâu không biết chứ ở Thừa Thiên Huế thì chưa thấy. Có lẽ cách thức quản lý và xử lý vấn đề của chúng ta chưa đến nơi đến chốn nên những người có hành động bắt chim trời (có thể là chuyên nghiệp) bị “lờn thuốc”. Nhắc nhở à? Dạ, hôm sau em rút kinh nghiệm. Hôm sau phát hiện tái phạm? Dạ, em hơi kẹt tiền nên kiếm thêm tí đỉnh…
Không áp vào xử lý liên quan đến kinh tế hoặc những hành vi mang tính cưỡng bức thì sức nặng răn đe đạt rất thấp hoặc không đạt được. Thực tế những hành động săn bắt động vật hoang dã là hành động lén lút, trong khi chúng ta áp chuyện xử lý bằng những lời khuyên, cam kết chung chung nên có vẻ như chẳng ăn nhập gì nhau.
Ví dụ chuyện này, qua một mẩu tin báo chí đưa. Mẩu tin này cho biết lực lượng kiểm lâm địa bàn Thừa Lưu (thuộc Hạt Kiểm lâm Phú Lộc) vừa phối hợp với một một số lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, dẹp bỏ các trường hợp dùng mồi, bẫy để đánh bắt chim trời trên đầm phá. Tin cũng cho biết thêm, chỉ trong thời gian ngắn đã gỡ tiêu hủy 5 giàn bẫy, 300 chim mồi (bằng phao xốp), 3.200 cái que dính bằng nhựa… và thả về tự nhiên 5 con cò. UBND xã Lộc Tiến đã triệu tập và yêu cầu 14 đối tượng ký cam kết không được hành động như vậy nữa. Còn Hạt Kiểm lâm huyện Phú Lộc cũng cho biết : “Sẽ tăng cường với các cơ quan chức năng kiểm tra, truy quét”.
Địa chỉ chúng ta đã biết, con người cụ thể chúng ta đã biết, hành động chúng ta đã biết, sức lực tiêu tốn của lực lượng chức trách chúng ta đã biết… thế thì phải áp dụng những biện pháp xử lý mạnh hơn chứ dừng lại ở chỗ cam kết thì e rằng chẳng mấy hiệu quả. Nhiều lần đi đường qua lại nơi đây, Thừa Lưu là nơi nổi tiếng bán chim trời, tức là hành động săn bắt đã lặp lại nhiều năm.
Chúng ta phải nhận thức khác và hành động khác thì mới có thể bảo vệ được những con chim trời bé bỏng.