Kinh tế Kinh tế Nới room, giảm lãi suất: Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn

Đã có nhiều động thái từ phía ngân hàng như nới room (hạn mức) cho vay, giảm lãi suất…; song nút thắt tín dụng chưa dễ gỡ khi cung và cầu vẫn còn khoảng cách.

Khách hàng giao dịch tại Sacombank

Khách hàng giao dịch tại Sacombank

Cánh cửa “nhà băng” vẫn chưa rộng mở

Đa phần các doanh nghiệp (DN) tại Thừa Thiên Huế thuộc diện DN vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, còn ít vốn, phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay, trong đó, nguồn vốn vay lớn nhất là tín dụng ngân hàng. Do đó, việc ngân hàng siết tín dụng thời gian qua đã khiến DN “ngộp thở”.

Theo Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh-Dương Tuấn Anh, nhiều DN đang rất khó khăn, đặc biệt là thiếu vốn sản xuất kinh doanh (SXKD). Một số chính sách hỗ trợ người lao động, đa phần DN chưa được hưởng lợi vì các điều kiện hỗ trợ đi kèm khó thực hiện. Trong đó, việc vay lãi suất 0% trả lương cho người lao động được đánh giá là chính sách khó tiếp cận nhất. Đối với gói hỗ trợ lãi suất (HTLS) 2%, dù Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhiều lần “thúc” các ngân hàng thương mại (NHTM) giải ngân, song thời điểm này vẫn rất hạn chế.

Phần lớn DN khó tiếp cận do không đủ điều kiện đáp ứng. Không được giải ngân vì thiếu tài sản thế chấp, không có hóa đơn thuế giá trị gia tăng theo yêu cầu mà chỉ có hóa đơn bán lẻ. Địa phương chưa có quy định về thu nhập thấp nên không biết căn cứ vào đâu để xác định… Nhiều DN cho rằng, quy trình thủ tục rắc rối, phức tạp từ đăng ký, phê duyệt, giải ngân, quyết toán, thậm chí là lo ngại về việc bị các cơ quan quản lý kiểm tra, thanh tra trước, trong và sau khi nhận khoản vay HTLS…

Xuất khẩu, lĩnh vực cần ưu tiên vốn vay hiện nay

Xuất khẩu, lĩnh vực cần ưu tiên vốn vay hiện nay

Một DN du lịch trên địa bàn TP Huế cho rằng, chính sách vay vốn đang bất cập. Đại diện DN này đơn cử, gói HTLS 2% được giải ngân “nhỏ giọt”, tín dụng “no dồn đói góp”; điều kiện cho vay của các NHTM trước và sau dịch cơ bản đều giống nhau dù “sức khỏe” của DN hiện tại đã khác xa… Do đó, dù nới room tín dụng nhưng cánh cửa tiếp cận vốn “nhà băng” không hề dễ dàng.

Hiện nay, do chính sách tín dụng ưu tiên phục vụ kiểm soát lạm phát, giữ giá trị VND và an toàn của hệ thống ngân hàng nên buộc phải tăng lãi suất. Lãi suất cho vay trên 10% thì khó có DN nào có thể làm ăn có lãi để vay, nên rất nhiều DN không thể vay để đầu tư mới. Nếu không giải quyết được vốn vay thì các DN, hộ kinh doanh sẽ có nguy cơ phá sản bởi không có tiền trả lương cho người lao động và theo đó DN sẽ mất nguồn nhân lực, không có vốn để SXKD và đầu tư mới, không thể phục hồi thời hậu COVID-19.

Không đủ tài sản bảo đảm cho khoản vay

Theo tìm hiểu, nguyên nhân của tình trạng này xuất phát chủ yếu từ chính bản thân DN khi đa phần các DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ quy mô vốn ít, thiếu phương án SXKD khả thi, phương án kinh doanh thường xuyên thay đổi, thiếu minh bạch về thông tin, dòng tiền, đặc biệt là vấn đề không đủ tài sản bảo đảm cho khoản vay…

Xuất khẩu - lĩnh vực cần ưu tiên vốn vay

Xuất khẩu - lĩnh vực cần ưu tiên vốn vay

Giám đốc một NHTM trên địa bàn TP. Huế phân trần: Hiện nay, do áp lực thanh khoản nên mặt bằng lãi suất không ngừng tăng lên, trong khi đó rủi ro với DN cũng ngày càng lớn. Trong bối cảnh này, ngân hàng phải lựa chọn kỹ đối tượng cho vay để đảm bảo hiệu quả và an toàn vốn. Câu chuyện ở đây không hẳn ở vấn đề thanh khoản, room tín dụng hay lãi suất, mà là dòng chảy tín dụng bị tắc nghẽn.

TS. Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia ví von: Tình trạng DN thiếu vốn như ruộng khô thiếu nước, trong khi thật sự có một hồ chứa nước rất lớn bên cạnh là tiền. Nguyên nhân là các kênh dẫn nước từ hồ chảy vào ruộng đang bị nghẽn. Nước không thiếu nhưng ruộng vẫn cứ khô, tiền không thiếu nhưng vốn thì không có.

Gần đây, NHNN và các NHTM liên tục có những động thái tích cực để khơi thông nguồn vốn, giảm lãi suất hỗ trợ DN. Với việc nới room tín dụng thêm 1,5 - 2% hơn cả tháng qua dự kiến có khoảng hàng trăm nghìn tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế. Nhiều NHTM cũng đã tích cực giảm lãi suất cho vay đối với DN. Đến nay, đã có ít nhất 10NHTM trên địa bàn công bố các chương trình giảm lãi suất từ 0,5% - 3%/năm. Để hạ nhiệt lãi suất cho vay, các NHTM thống nhất cùng bắt tay nhau ghìm cương lãi suất huy động với những cam kết không đẩy lãi suất huy động quá 9,5%/năm. NHNN cũng đã có những động thái quyết liệt trong việc giảm lãi suất, hỗ trợ DN.

Theo lãnh đạo NHNN Thừa Thiên Huế, cơ quan này đã có chỉ đạo, yêu cầu các NHTM đều phải giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ DN và nền kinh tế. Đây là chỉ đạo chứ không phải kêu gọi. Tinh thần tiết giảm chi phí, giảm lãi suất hỗ trợ DN là chỉ đạo của Thủ tướng và NHNN. Ngân hàng nào khó khăn không làm được thì báo cáo để NHNN có biện pháp hỗ trợ. Dù tín dụng được nới, lãi suất có thể sẽ giảm, song nguồn vốn này không có nghĩa sẽ “tưới đều” cho cộng đồng DN. Bởi, càng trong bối cảnh rủi ro, các ngân hàng càng không thể “xé rào”, hạ chuẩn vay.

Cũng theo NHNN, trên thực tế, ngân hàng không thiếu room bởi việc giải ngân hàng trăm nghìn tỷ đồng trong thời gian ngắn đối với ngành ngân hàng cũng là một áp lực không nhỏ và các NHTM cũng đang phải “đốt đuốc tìm DN tốt để cho vay”. Tuy nhiên, khoảng cách giữa cung và cầu tín dụng là vấn đề rất khó trong điều hành ngành ngân hàng. Các ngân hàng cũng rất quan tâm hướng vốn tín dụng vào những lĩnh vực chủ lực của nền kinh tế, trong đó có hoạt động xuất khẩu, song DN phải có năng lực tài chính lành mạnh mới tiếp cận được…

NHNN Thừa Thiên Huế thông tin: Đến 31/12/2022, có 4/27 chi nhánh NHTM trên địa bàn thực hiện gói HTLS 2% đối với 6 khách hàng, với tổng dư nợ khoảng 67,2 tỷ đồng và số tiền lãi hỗ trợ 235 triệu đồng.

Bài, ảnh: Bạch Quang

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/noi-room-giam-lai-suat-doanh-nghiep-van-kho-tiep-can-von-a123359.html