Kinh tế Kinh tế Tinh tế với bồ câu cảnh

Không quá cầu kỳ, không quá ồn ào, người có thú chơi chim bồ câu cảnh thường 'lặng lẽ' với đam mê của mình. Một cú chao liệng, một ánh mắt tròn xoe thân thuộc, một khoảnh khắc xòe cánh, chừng ấy đủ để người chơi mỉm cười, tận hưởng niềm vui sướng trong tâm hồn.

Phúc Lâm có niềm đam mê với các loại bồ câu

Phúc Lâm có niềm đam mê với các loại bồ câu

Đa dạng

Bồ câu cảnh có nhiều loại, có thể kể đến như bồ câu bi, bồ câu xòe, sư tử, thổi kèn, bông cúc… Ở Huế, phổ biến các loài bồ câu xòe, kèn, bồ câu sư tử, bồ câu gà. Anh Nguyễn Phúc Lâm, đam mê và nuôi bồ câu cảnh hơn 4 năm, cho biết: “Loài mình nuôi đầu tiên là bồ câu xòe Nhật Bản, xòe đuôi đen Ấn Độ và sư tử Hà Lan. Vì “đầu tay đầu chân” nên thú thật mình rất bỡ ngỡ, đó cũng là lần đầu tiên mình thấy bồ câu cảnh ngoài đời”.

Đang là sinh viên Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, tình cờ thấy hình ảnh của bồ câu cảnh trên mạng, chàng trai xứ Huế đã “phải lòng” ngay. Ấp ủ mất bao lâu, khi Phúc Lâm tốt nghiệp cũng là lúc anh theo đuổi đam mê của mình. Dù thời điểm ấy mới tập tễnh chơi, song anh đã chi gần 5 triệu đồng để sở hữu 5 đôi bồ câu.

“Gan” hơn cả Phúc Lâm là Phước Thành, chàng trai 8X tại TX. Hương Thủy. Để thỏa đam mê, anh chi 10 triệu đồng, mua bồ câu tận TP. Hồ Chí Minh. Thành kể: “Lúc ấy mua bán trên mạng chưa phổ biến như bây giờ. Tìm trại nuôi để mua đã khó, vận chuyển bồ câu còn khó hơn. Vì một trục trặc nhỏ, mình phải chầu chực ở ga, đi hỏi không biết bao nhiêu người mới tìm ra lồng bồ câu. Thật hú vía! ”. Toát mồ hôi vì tiền đã gửi, lại chẳng thấy bồ câu đâu, cảm giác thật sự vỡ òa khi kiện bồ câu của Thành đều ổn. Ngắm loại chim trước đó ít ngày chỉ là điều xa xỉ trên mạng, anh vui mừng, quyết tâm nuôi bằng được.

Mỗi loại bồ câu cảnh sở hữu một vẻ đẹp riêng. Bồ câu thổi kèn phập phồng ở phần ngực và cổ. Bồ câu xòe đặc trưng với lông chân um tùm, đuôi xòe như đuôi công. Bồ câu gà ngoài màu sắc lông đặc trưng còn có cân nặng “khủng”, nhiều con tròm trèm 1,5kg. Nổi tiếng nhất có lẽ là bồ câu sư tử. Oai phong bởi chiếc bờm uy nghi ôm lấy khuôn mặt, bồ câu sư tử thường được những người kinh doanh săn đón, xem là biểu tượng của quyền lực.

Thú chơi hái ra tiền

Bồ câu cảnh ít khi bị bệnh, chăm sóc khá dễ dàng. Tuy nhiên, loài này ấp trứng vụng, vì thế người nuôi thường phải ấp bằng máy hoặc nhờ đến bồ câu Pháp. Bồ câu Pháp cũng là bố mẹ nuôi tuyệt vời, chăm bẵm cho bồ câu cảnh non.

Thức ăn cho bồ câu cảnh tùy thời kỳ, loài giống mà sẽ gia giảm các thành phần, chủ yếu là ngô, gạo, bột công nghiệp. Để lông đẹp, vóc dáng săn chắc, bồ câu được cho ăn bổ sung vitamin, khoáng chất. Một vài nơi bồ câu được nuôi trên máng cát để lông chân đẹp, đây cũng là cách bồ sung cát, sỏi để chúng tiêu hóa tốt hơn.

Phước Thành nuôi dưỡng đam mê bằng việc kết hợp nuôi bồ câu cảnh và bồ câu Pháp. Tuy vậy, nguồn thu từ bồ câu cảnh cũng không hề nhỏ. Anh cho biết: “Bình thường bồ câu Pháp giống giá dao động từ 160-200 nghìn đồng/cặp, thế nhưng bồ câu cảnh có giá cao hơn gấp đôi, gấp ba. Nhiều loại giá cao hơn gấp 10 lần”.

Hiện tại, giá bồ câu xòe Nhật Bản giống (5 – 6 tuần tuổi) tầm 400 nghìn đồng/đôi. Bồ câu xòe đuôi đen Ấn Độ dao động từ 800 – 900 nghìn đồng/đôi. Bồ câu thổi kèn tầm 2 triệu/cặp. Đam mê này hiện tại chủ yếu mang tính chất cá nhân.Vì thế mong muốn của những chàng trai mê bồ câu cảnh là tập hợp lại những người có chung chí hướng. Từ đó có sân chơi để trao đổi kinh nghiệm, nâng tầm hiểu biết và phô diễn vẻ đẹp của loài vật xinh đẹp này.

Bài, ảnh: Mai Huế

Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/tinh-te-voi-bo-cau-canh-a77693.html