Kinh tế Mông Cổ mắc kẹt trong căng thẳng giữa Trung Quốc, Nga và Mỹ

Theo nhận định của nhà báo William Pesek đăng trên Nikkei Asian Review, trong thời gian tới Thủ tướng Ukhnaagiin Khurelsukh sẽ phải đối mặt với nhiệm vụ khó khăn.

Thủ tướng Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh phát biểu tại một phiên họp Quốc hội ở Ulaanbaatar. Ảnh: Today/TTXVN

Thủ tướng Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh phát biểu tại một phiên họp Quốc hội ở Ulaanbaatar. Ảnh: Today/TTXVN

Đó là sự điều chỉnh các chính sách để thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong những năm tới, giữa bối cảnh đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nặng nề đến nước này cũng như “thế khó” của Mông Cổ giữa ba cường quốc - Trung Quốc, Nga và Mỹ.
Ủy ban Tổng tuyển cử (GEC) Mông Cổ ngày 26/6 xác nhận đảng Nhân dân Mông Cổ (MPP) cầm quyền đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa mới ngày 24/6.
Kết quả kiểm phiếu chính thức cho thấy MPP giành được 62/76 ghế tại Quốc hội Mông cổ khóa mới, ít hơn 1 ghế so với nhiệm kỳ trước nhưng vẫn đủ để tiếp tục lãnh đạo quốc gia chỉ có khoảng 3 triệu dân này.
Nằm sát biên giới phía Nam, Trung Quốc mua khoảng 90% quặng sắt, đồng và vàng, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế trị giá 13,5 tỷ USD của Mông Cổ. Ở phía Bắc, Nga là nguồn năng lượng của hầu như toàn bộ Mông Cổ. Trong khi đó, cách xa về mặt địa lý nhưng gần về mặt địa chính trị, Mỹ thì thường được coi là “nhà cố vấn” của Mông Cổ.
Tuy nhiên, các mối quan hệ này đang ngày càng trở nên phức tạp sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền. Các vấn đề giữa Mỹ-Nga, Mỹ-Trung và đặc biệt là những ảnh hưởng của cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang lan sang châu u khiến giới chức Mông Cổ lo lắng.
"Người hàng xóm thứ ba" này, như cách người dân địa phương gọi các cường quốc ngoài Trung Quốc và Nga, cũng “thất thường” như hai quốc gia láng giềng sát biên giới Mông Cổ.
Bên cạnh đó, Chính phủ của ông Khurelsukh cũng phải đấu tranh với một thế lực bên ngoài khác, đó là những “người khổng lồ” trong ngành khai khoáng đang thúc đẩy việc tìm kiếm lợi nhuận lớn hơn từ nguồn tài nguyên dưới lòng đất của Mông Cổ.
Chính phủ Mông Cổ đang phải đàm phán với tập đoàn khai khoáng Rio Tinto Group (Australia) về dự án hợp tác khai thác chung quặng vàng và đồng tại mỏ Oyu Tolgoi ở Sa mạc Gobi. Cách Ulan Bator xử lý vấn đề thuế khoáng sản và các điều khoản của thỏa thuận khai thác sẽ gửi tín hiệu đến các nhà đầu tư nước ngoài khác.
Nếu không cân bằng các chính sách của mình, Thủ tướng Khurelsukh có thể sẽ vấp phải sự phản đối của Tổng thống Khaltmaagiin Battulga, một nhà dân túy đối lập của đảng Dân chủ (DP). Kể từ năm 2017, khi hai ông lên nắm quyền, bất đồng giữa hai người về vấn đề đầu tư nước ngoài đã làm dấy lên nhiều quan ngại trong các nhà quan sát quốc tế.
Thách thức lớn nhất đối với Mông Cổ hiện nay là duy trì sự ổn định của một nền kinh tế đang suy sụp. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính GDP của Mông Cổ sẽ giảm 1% trong năm 2020.
Nước này đã ghi nhận những kết quả ấn tượng trong nỗ lực phòng chống dịch COVID-19, với việc áp đặt các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt và là một trong số những nước đầu tiên đóng cửa biên giới. Cho đến nay, Mông Cổ mới ghi nhận khoảng 220 ca mắc COVID-19 và chưa có ca tử vong nào.
Tuy nhiên, IMF lưu ý rằng Mông Cổ đối mặt với "sự sụp đổ của nhu cầu từ bên ngoài". Trước đó, Mông Cổ có tăng trưởng thương mại đạt 6,7% trong năm ngoái.
Sự đảo ngược này làm trầm trọng thêm tình hình tài chính của Mông Cổ. Nợ công ở mức 30 tỷ USD cao hơn hai lần GDP quốc gia. Gần 1/3 trong số 3,2 triệu dân của nước này sống dưới mức nghèo khổ.
Tham nhũng vẫn là vấn nạn, và những nỗ lực của chính phủ trong những năm gần đây nhằm đa dạng hóa nền kinh tế, ví dự như hàng may mặc, đang đối mặt với nhiều thách thức do COVID-19 gây ra. Trong khi đó, lĩnh vực mũi nhọn là du lịch cũng đang suy yếu do ảnh hưởng của đại dịch.
Cuối tháng 5/2020, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings cảnh báo về những rủi ro nghiêm trọng đối với kinh tế của Mông Cổ. Fitch chỉ ra rằng các yếu tố cấu trúc mạnh mẽ kết hợp với khả năng tiếp cận nguồn tài chính từ các chủ nợ đa phương và song phương sẽ cung cấp hỗ trợ cho nền kinh tế nước này.
Tuy nhiên, tin xấu đối với Mông Cổ là sự xói mòn nhanh chóng của các động cơ tăng trưởng bên ngoài. Trong bối cảnh Trung Quốc đang ghi nhận tốc độ tăng trưởng chậm nhất trong vòng 30 năm trở lại đây, các đoàn xe tải chở dầu và tài nguyên thiên nhiên của Mông Cổ sang quốc gia láng giềng vì thế cũng chịu tác động tiêu cực.
Trung Quốc đứng trước nguy cơ xảy ra làn sóng dịch bệnh thứ hai, do đó nguy cơ các công trường xây dựng, nhà máy và trung tâm mua sắm ở nước này đóng cửa một lần nữa sẽ làm tăng thêm rủi ro của Mông Cổ vào năm 2021.
Về phía người láng giềng Nga, kinh tế nước này cũng chịu tác động sau khi giá dầu giảm. Trong năm ngoái, Moskva đã tăng cường trục phía Đông của mình để chống lại ảnh hưởng tại khu vực này của Bắc Kinh. Sự cạnh tranh lợi ích giữa Nga và Trung Quốc có thể có lợi cho Mông Cổ, khi nước này phát huy vai trò địa chính trị của mình.
Cụ thể, tháng 12/2019, chưa đầy một tuần sau khi khai trương tuyến đường ống dẫn khí tự nhiên đầu tiên sang Trung Quốc, Nga đã khởi động dự án đường ống thứ hai qua Mông Cổ để thay thế các kế hoạch xây dựng đường ống qua Tân Cương trước đó. Theo đó, Nga và Mông Cổ đã ký biên bản ghi nhớ (MoU) để đánh giá chung về tính khả thi của đường ống dẫn khí từ Nga qua Mông Cổ sang Trung Quốc.
Nỗ lực đẩy nhanh việc xây dựng đường ống qua Mông Cổ của Nga sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc bất chấp những “cơn gió ngược” trong thời gian gần đây, dựa trên kế hoạch chuyển đổi từ tiêu thụ than đá sang năng lượng sạch vốn có giá thành cao hơn.
Tuy nhiên, điều quan trọng không kém đó là việc Nga theo đuổi kế hoạch xây dựng đường ống qua Mông Cổ dường như để nhằm chấm dứt nỗ lực trước đó về việc xây dựng tuyến đường ống phía Tây qua Tân Cương sau khi không thể thuyết phục Bắc Kinh về ý tưởng này trong 14 năm qua.
Tuy nhiên, đến năm 2020, tình thế trở nên bấp bênh đối và Thủ tướng Khurelsukh sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong việc lựa chọn chính sách phù hợp cho nền kinh tế mong manh như Mông Cổ.
Với cuộc bầu cử Tổng thống diễn ra vào tháng 11 tới, Tổng thống Trump đang theo dõi các cuộc thăm dò và mong muốn “lấy lòng” các cử tri bằng biện pháp thuế áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc.
Trong khi đó, Moskva cũng là mục tiêu mà nhiều chính khách Mỹ nhắm tới với cáo buộc Nga can thiệp vào chính trị Mỹ. Sẽ không bất ngờ khi Quốc hội nước này thông qua các lệnh trừng phạt bổ sung đối với Nga./.

Mai Ly/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kinh-te-mong-co-mac-ket-trong-cang-thang-giua-trung-quoc-nga-va-my/161769.html