Kinh tế Mỹ bước trên 'đường cong Phillips'
Trong khi tỷ lệ lạm phát ở mức cao, tỷ lệ thất nghiệp lại tương đối thấp, nói cách khác, hiện nay kinh tế Mỹ đang bước trên 'đường cong Phillips'.
Theo kết quả thăm dò mới nhất, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Mỹ Joe Biden đã giảm xuống còn 36%, mức thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức Tổng thống. Điều này khiến đảng Dân chủ và Nhà Trắng lo ngại sẽ mất đa số ghế ở Quốc hội trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào cuối năm nay.
Do đó, Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực tìm cách kết nối với người dân. Trong báo cáo về tình hình việc làm trong tháng 5/2022, ông Joe Biden nhấn mạnh chính quyền đảng Dân chủ đã đạt tiến triển trong việc giúp người dân Mỹ có việc làm trở lại, được thể hiện qua việc tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống mức thấp 3,6%, với hơn 8 triệu việc làm mới được tạo ra.
Trong khi tỷ lệ lạm phát ở mức cao, tỷ lệ thất nghiệp lại tương đối thấp. Nói cách khác, hiện nay kinh tế Mỹ đang bước trên "đường cong Phillips". "Đường cong Phillips" là đường cong được dùng để biểu thị quan hệ chọn lựa thay thế giữa thất nghiệp và lạm phát do nhà thống kê New Zealand A.W.Phillips đưa ra vào năm 1958.
Trong một bản luận văn có tiêu đề "Mối quan hệ giữa tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thay đổi tiền lương của Anh giai đoạn 1861-1957", A.W.Phillips đã đưa ra một đường cong dùng để biểu thị quan hệ chọn lựa thay thế giữa tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ thay đổi tiền lương dựa trên số liệu thống kê thực nghiệm của hai tỷ lệ này ở Anh trong thời gian đó.
Đường cong này cho thấy: Khi tỷ lệ thất nghiệp tương đối thấp, tỷ lệ tăng trưởng tiền lương khá cao, ngược lại khi tỷ lệ thất nghiệp tương đối cao, tỷ lệ tăng trưởng tiền lương khá thấp, thậm chí là âm.
Khái niệm này thực sự được thế giới biết đến là nhờ bài viết có tên gọi "Phân tích chính sách chống lạm phát" của Paul A.Samuelson và Robert M.Solow đăng trên "Tạp chí kinh tế Mỹ" (American Economic Review) vào năm 1960. Hai nhà kinh tế này đã sử dụng dữ liệu của Mỹ để thay thế dữ liệu của Anh, đồng thời sử dụng tỷ lệ tăng giá thay thế tỷ lệ tăng lương danh nghĩa.
Nghiên cứu rút ra một số quan điểm quan trọng. Thứ nhất, lạm phát là do chi phí tiền lương thúc đẩy. Theo lý thuyết này, tỷ lệ tăng lương và tỷ lệ lạm phát liên quan đến nhau. Thứ hai, tỷ lệ thất nghiệp và lạm phát có mối quan hệ chọn lựa thay thế, có thể cùng tồn tại. Thứ ba, do giữa tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ lạm phát tồn tại mối quan hệ chọn lựa thay thế, nên có thể vận dụng chính sách kinh tế vĩ mô mang tính mở rộng để đánh đổi tỷ lệ thất nghiệp tương đối thấp bằng tỷ lệ lạm phát khá cao.
Tuy nhiên, quyết sách đưa ra dựa vào lý thuyết này lại vấp phải thực tế rằng nước Mỹ luôn tìm cách đánh đổi tỷ lệ lạm phát cao bằng tỷ lệ thất nghiệp thấp từ thập niên 1960 đến 1970, song đã thất bại. Thứ mang lại từ lạm phát cao là tỷ lệ thất nghiệp cao, chứ không phải tỷ lệ thất nghiệp thấp, và Mỹ rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ.
Tại sao lại như vậy? Tại lễ trao giải Nobel kinh tế năm 1976, người đoạt giải Nobel là ông Milton Friedman đã cố gắng đưa ra câu trả lời trong bài phát biểu của mình. Ông Milton Friedman thừa nhận, quả thực có tồn tại mối quan hệ chọn lựa thay thế giữa lạm phát và thất nghiệp như ông A.W.Phillips tuyên bố, song điều này chỉ diễn ra trong ngắn hạn.
Nguyên nhân là do chi phí thông tin tìm hiểu mặt bằng giá chung trong ngắn hạn khá cao, nên người lao động sẽ có "ảo tưởng tiền bạc" tạm thời, nhầm tưởng giữa tăng lương danh nghĩa là tăng lương thực tế và tăng cung lao động. Người sử dụng lao động lại tự tin cho rằng giá hàng hóa do mình sản xuất tăng lên, từ đó gia tăng tuyển dụng lao động. Lúc này sẽ xuất hiện kịch bản mà đường cong Phillips nhấn mạnh: Tỷ lệ lạm phát cao và thất nghiệp thấp cùng tồn tại.
Vấn đề là toàn bộ mức giá đều đăng tăng lên vào một thời điểm. Kết quả là cả người lao động hay người sử dụng lao động đều sẽ điều chỉnh kỳ vọng dài hạn, khiến tỷ lệ lạm phát kỳ vọng bằng với tỷ lệ lạm phát thực tế, lúc này đường cong Phillips bắt đầu xấu đi.
Khi đường cong Phillips phá vỡ quán tính vốn có và tiếp tục tăng lên, nó sẽ đi lệch khỏi phạm vi an toàn trong điểm giới hạn. Trong quá trình tỷ lệ lạm phát tăng cao này, tỷ lệ thất nghiệp cũng không ngừng gia tăng. Hiện tượng kinh tế với cả tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp đều tăng này chính là tình trạng lạm phát đình trệ thường được đề cập trong thời gian gần đây.
Kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đến nay, thực tiễn của Mỹ cũng đã một lần nữa chứng minh lý thuyết kích cầu của Keynes sử dụng lạm phát để đổi lấy tăng trưởng việc làm chẳng khác nào việc giải quyết vấn đề không triệt để, mỗi lần đều chỉ mang lại hiệu quả nhất thời. Nếu muốn tiếp tục tăng trưởng việc làm thì phải chấp nhận tỷ lệ lạm phát cao hơn. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến tỷ lệ lạm phát của Mỹ dường như vượt tầm kiểm soát hiện nay.
Thách thức đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện nay là họ sẽ phải ứng phó với vấn đề tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh như thế nào giữa bối cảnh tỷ lệ lạm phát tiếp tục tăng cao và đường cong Phillips bắt đầu xấu đi.
Điều quan quan trọng hơn là hiện tượng này đã xuất hiện. Theo Reuters, trong một email gửi cho các quản lý cấp cao, Giám đốc điều hành Tesla, Elon Musk, đã viết rằng: "Do tình hình kinh tế khó khăn, công ty phải cắt giảm khoảng 10% việc làm"./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kinh-te-my-buoc-tren-duong-cong-phillips/249544.html