Kinh tế Mỹ phục hồi vượt dự báo
Kinh tế Mỹ tăng trưởng nhanh hơn dự báo trong quý 4/2023, được thúc đẩy bởi chi tiêu cá nhân và đầu tư doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất và y tế.
Theo báo cáo từ Bộ Thương mại Mỹ công bố vào thứ Năm, lợi nhuận kinh doanh tăng trưởng rõ rệt trong quý trước.
Với đà phục hồi, đa phần các công ty đều bày tỏ lạc quan về xu hướng kinh doanh, qua đó tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh và gia tăng năng suất lao động.
Nền kinh tế Mỹ đã vượt qua những lo ngại về suy thoái sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất 525 điểm cơ sở kể từ tháng 3/2022 để kiềm chế lạm phát. Mặc dù đà tăng đã chậm lại, nhưng triển vọng tăng trưởng Mỹ vẫn vượt xa các quốc gia láng giềng.
Báo cáo cũng cho thấy áp lực lạm phát cơ bản giảm trong quý trước, cho thấy cơ sở để Fed sẽ tiếp tục lộ trình cắt giảm lãi suất vào tháng 6 tới.
"Nền kinh tế đang trong tình trạng tốt", Bill Adams, nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Comerica ở chi nhánh Dallas, cho biết. "Các yếu tố kinh tế nền tảng đang hoạt động ổn định hơn so với thời kỳ đại dịch."
Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng trưởng với tốc độ 3,4% theo tỷ lệ hàng năm trong quý trước, được điều chỉnh tăng so với mức 3,2% được báo cáo trước đó, Cục Phân tích Kinh tế thuộc Bộ Thương mại cho biết trong ước tính thứ Ba về GDP quý 4.
Việc điều chỉnh phản ánh sự tăng trưởng trong mức chi tiêu của người tiêu dùng, cũng như xu hướng gia tăng chi tiêu của doanh nghiệp và chính quyền địa phương..
Nền kinh tế đang tăng trưởng nhanh hơn mức 1,8% mà các quan chức Fed coi là mức tăng trưởng ổn định. Trước đó, tốc độ tăng GDP đã đạt mức 4,9% trong quý 2 , tăng tốc so với mức 1,9% trong năm 2022. Ước tính tăng trưởng cho quý đầu tiên 2024 là 2%, trong khi tỷ lệ lạm phát được điều chỉnh giảm xuống còn 2% từ mức 2,1%.
Chi tiêu cá nhân, vốn chiếm hơn hai phần ba hoạt động kinh tế của Mỹ, tăng trưởng với tốc độ 3,3%, đóng góp 2,20 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP. Trước đó, mảng này được dự báo tăng trưởng với tốc độ 3%.
Doanh nghiệp đang chi tiêu nhiều hơn dự kiến, đặc biệt là trong các lĩnh vực sản xuất, xây dựng thương mại và chăm sóc sức khỏe. Điều này cho thấy sự lạc quan tăng lên đối với triển vọng kinh doanh. Ngoài ra, chi tiêu cho các sản phẩm sở hữu trí tuệ cũng được điều chỉnh tăng, thể hiện tầm quan trọng của đổi mới trong chiến lược của các doanh nghiệp.
Mặc dù chi tiêu cho đầu tư vẫn giảm, nhưng không đáng kể so với ước tính trước đó, cho thấy doanh nghiệp có thể đang thận trọng hơn trong việc mua sắm trang thiết bị mới.
Mức đầu tư hàng tồn kho được điều chỉnh giảm so với ước tính trước đó, từ 66,3 tỷ USD xuống còn 54,9 tỷ USD. Điều chỉnh này làm giảm 0,47% điểm tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, triển vọng kinh tế cho năm nay vẫn là khá lạc quan. Chi tiêu của người tiêu dùng, vốn tăng mạnh trong năm ngoái, dự kiến sẽ có phần giảm tốc trong năm nay, dẫn đến việc tích lũy hàng tồn kho chậm hơn.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/kinh-te-my-phuc-hoi-vuot-du-bao.html