Kinh tế Mỹ sẽ như thế nào nếu Fed không cắt giảm lãi suất?

Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) gần như chắc chắn sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách tuần này. Nhưng ngày càng nhiều chuyên gia kinh tế - trong đó có cựu Phó Chủ tịch Fed Alan Blinder và người đoạt giải Nobel kinh tế 2008 Paul Krugman - đang thúc giục các nhà hoạch định chính sách Fed cắt giảm lãi suất ngay thay vì tại cuộc họp tháng 9 như được dự báo.

Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ ở Washington, DC. Ảnh: THX/TTXVN

Trụ sở Cục Dự trữ liên bang Mỹ ở Washington, DC. Ảnh: THX/TTXVN

Ông Alan Blinder đã viết trong bài bình luận trên Wall Street Journal tuần này: "Tại sao phải chờ đợi?". Tuy nhiên, cũng có một lập luận mạnh mẽ tương tự cho câu hỏi ngược lại: Tại sao không chờ đợi?

Lập luận của ông Blinder và các nhà kinh tế khác là: Nếu Fed đang trên đà hướng tới việc cắt giảm lãi suất trong hai tháng tới thì các nhà hoạch định chính sách tiền tệ của ngân hàng này nên đưa ra quyết định sớm hơn thay vì muộn, bởi chính sách tiền tệ thường đi kèm với cái gọi là độ trễ và tính biến đổi. Nói cách khác, cần có thời gian để các động thái của Fed được cảm nhận trên toàn bộ nền kinh tế.

Fed đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ nhằm phần nào làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế và đưa lạm phát trở lại mức mục tiêu 2% của Fed sau khi tăng vọt lên mức cao kỷ lục của 40 năm vào năm 2022.

Lạm phát của Mỹ hiện vẫn còn cao hơn một chút so với mức mục tiêu. Vì vậy, giữ lãi suất ở mức cao này lâu hơn nữa với hy vọng sẽ giúp giảm lạm phát thêm có nguy cơ gây tổn hại cho nền kinh tế nhiều hơn là nâng đỡ nó.

Xét về thị trường lao động Mỹ, số việc làm tạo mới đang tăng trưởng yếu ớt, tỷ lệ thất nghiệp đang tăng dần và một số ngành đang sa thải nhiều người lao động hơn. Trong khi đó, người tiêu dùng đã báo hiệu sự mong muốn chi tiêu yếu hơn trong những tháng gần đây. Nếu tất cả những điều đó tiếp tục, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể suy yếu đáng kể hơn.

Kinh tế Mỹ đã tăng trưởng nhanh hơn dự kiến trong quý II/2024, giữa lúc lạm phát lắng xuống. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này đã tăng với tốc độ 2,8% trong quý II/2024. Con số này cao hơn so với dự báo GDP tăng trưởng 2% mà các nhà kinh tế tham gia khảo sát của hãng tin Reuters đưa ra. Nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ 1,4% trong quý I/2024.

Nền kinh tế Mỹ tiếp tục thể hiện sự vượt trội so với các nước khác trên thế giới bất chấp việc Fed tăng lãi suất mạnh mẽ trong năm 2022 và 2023. Điều này là nhờ sự hỗ trợ từ thị trường lao động "kiên cường", ngay cả khi tỷ lệ thất nghiệp đã tăng lên mức cao nhất 2 năm rưỡi là 4,1%.

Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE), không tính các mặt hàng thực phẩm và năng lượng dễ biến động, đã tăng 2,9% trong quý II/2024, sau khi tăng vọt ở mức 3,7% trong quý đầu tiên. Chỉ số giá PCE lõi là một trong những thước đo lạm phát được Fed theo dõi cho mục tiêu lạm phát 2% của mình.

Nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 2,8% trong quý II năm nay, vượt quá dự kiến của các nhà kinh tế, trong khi lạm phát tiếp tục giảm xuống gần mức mục tiêu 2% - một sự kết hợp hiếm có trong lịch sử. Mặc dù tỷ lệ thất nghiệp đang tăng, các nhà tuyển dụng vẫn tiếp tục thuê trên 100.000 người lao động mỗi tháng. Người tiêu dùng đang chi tiêu thận trọng hơn, nhưng hầu bao của họ không bị cạn kiệt. Đồng thời, báo cáo về Chỉ số giá tiêu dùng tháng 3/2024, cho thấy lạm phát của Mỹ bất ngờ tăng lên 3,5%, là một lời nhắc nhở rằng không có gì đảm bảo giá sẽ duy trì được đà hiện tại.

Đó là lý do tại sao nhà kinh tế trưởng Torsten Slok của Apollo Global, vẫn duy trì dự báo trước đó của mình rằng Fed sẽ không cắt giảm lãi suất trong năm nay. Tuy nhiên, khả năng kịch bản này xảy ra được ví như việc có bão tuyết giữa mùa hè. Các quan chức Fed đã báo hiệu rằng tháng 9 sẽ là thời điểm họ có thể hạ lãi suất.

Thống đốc Fed Christopher Waller cho biết, sự khác biệt về thời điểm cho lần cắt giảm ban đầu "thực sự không quan trọng trừ khi có một cú sốc lớn nào đó xảy ra đối với nền kinh tế trong thời gian đó". Ví dụ, nếu Fed cắt giảm lãi suất tại cuộc họp tháng 7 này và xung đột ở Trung Đông leo thang khiến giá năng lượng tăng vọt, Fed có thể sẽ phải "hối tiếc" vì đã nới lỏng chính sách tiền tệ vì nó có thể khiến lạm phát tăng cao hơn. Song ông Waller thừa nhận rằng thời điểm rất quan trọng đối với các nhà đầu tư đặt cược vào những động thái tiếp theo của Fed.

Minh Trang/TTXVN (Theo CNN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/kinh-te-my-se-nhu-the-nao-neu-fed-khong-cat-giam-lai-suat-20240731143628417.htm