Kinh tế Myanmar khó khăn chồng chất do xung đột

Theo Nikkei Asia, do tình hình khó khăn, chính quyền quân sự Myanmar đang tăng cường kiểm soát những mặt hàng nhu yếu phẩm hàng ngày, nhằm kìm chế lạm phát. Sự can thiệp sâu rộng của nhà nước gợi nhớ đến mô hình bao cấp, khiến đồng tiền mất giá và làm trầm trọng thêm các lo ngại tín dụng.

Trong 1 cuộc họp với quan chức chủ chốt, tướng Min Aung Hlaing – chính trị gia quyền lực nhất Myanmar nói rằng, hợp tác xã là hệ thống kinh tế tốt nhất cho đất nước hiện nay.

Một khu chợ ở thành phố Yangon - Ảnh: Myanmar Travel

Một khu chợ ở thành phố Yangon - Ảnh: Myanmar Travel

Những động thái của Chính phủ như kìm hãm giá bán và thiết lập giá mua, đã vi phạm nguyên tắc thị trường và can thiệp sâu vào khu vực tư nhân. Một doanh nhân người Nhật tại siêu thị AEON ở địa phương, gần đây đã bị kết tội vi phạm mức giá trần. Ông bị kết án 1 năm nhưng đột ngột được thả.

Các nhà bán lẻ ở Myanmar đang giữ giá gạo ở mức do liên đoàn gạo Myanmar đặt ra. Cơ quan này nằm dưới sự kiểm soát của chính quyền quân sự, thậm chí đã bắt đầu bán gạo trực tiếp cho khách hàng.

Dầu cọ về cơ bản cũng được phân phối theo định mức. Chính quyền kiểm soát giá lẫn khối lượng bán ra. Hiệp hội đại lý dầu ăn Myanmar từ cuối tháng 7 chỉ bán khoảng 3,2 kg cho mỗi hộ gia đình, với mức giá được quy định.

Dược phẩm và thiết bị y tế cũng được kiểm soát chặt chẽ.

Tại chợ đen, giá trị đồng kyat nội tệ của Myanmar tiếp tục lao dốc. Hiện nay 1 USD đổi khoảng 7.000 kyat, nghĩa là đồng tiền này đã mất khoảng 50% giá trị trong gần 2 tháng qua. Hiện đồng kyat chỉ còn khoảng 20% giá trị, so với thời điểm tháng 2/2021 - trước khi quân đội đảo chính. Điều này làm cho giá cả các mặt hàng nhập khẩu tăng vọt.

Một cư dân Yangon cho biết, nhiều loại thuốc chỉ bán giới hạn cho khách, do đồng kyat mất giá khiến việc nhập khẩu gặp khó khăn. Ngoài ra, một số mặt hàng có sẵn để bán nhưng các cửa hàng không dám mang ra, vì sợ vi phạm lệnh kiểm soát giá của Chính phủ, điều đó làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt và gây áp lực tăng giá.

Thời gian qua, các nhóm kháng chiến dân tộc thiểu số liên tục kiểm soát thêm nhiều thị trấn quan trọng ở biên giới, đẩy quân đội Myanmar vào thế khó. Đây cũng là nguyên nhân khiến giao thương xuyên biên giới không ổn định, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt sản phẩm thiết yếu.

Nguyên Phước

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/kinh-te-myanmar-kho-khan-chong-chat-do-xung-dot-312929.html