Kinh tế năm 2024: Tăng trưởng vượt trội

Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và chuẩn bị, củng cố các yếu tố nền tảng, làm tiền đề để nước ta bước vào Kỷ nguyên mới – Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm 2025, cần nhận diện về tăng trưởng kinh tế năm 2024 và những vấn đề cần giải quyết...

Tăng trưởng nhanh là mục tiêu đầu tiên của các nước, đặc biệt là nước có điểm xuất phát thấp, để tránh các nguy cơ “tụt hậu xa hơn”, “chưa giàu đã già”… và thực hiện “ngũ giác mục tiêu” (tăng trưởng nhanh, lạm phát thấp, cán cân thanh toán có số dư, thất nghiệp ít, môi trường được bảo vệ và cải thiện).

Theo Tổng cục Thống kê, kinh tế Việt Nam năm 2024 đã cán đích thành công với mức tăng trưởng ước đạt 7,09%, vượt chỉ tiêu 6,5-7% do Quốc hội đặt ra, trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%, đóng góp 5,37%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%, đóng góp 45,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,38%, đóng góp 49,46%.

NHẬN DIỆN VỀ TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ

Sự vượt trội của tăng trưởng kinh tế 2024 được thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau.

Thứ nhất, tăng trưởng GDP năm 2024 đạt tốc độ khá cao so với nhiều năm gần đây tính từ khi GDP được đánh giá lại.

Theo đó, tốc độ tăng GDP của năm 2024 cao thứ 4 trong 14 năm qua, cao hơn tốc độ tăng bình quân năm của thời kỳ 2021-2019, của thời kỳ 2021-2023 và của thời kỳ 2021-2024. Điều đó chứng tỏ tăng trưởng GDP đã có sự phục hồi tốc độ, không những của năm sau mà cả nhiều năm trước đại dịch Covid-19.

Thứ hai, tốc độ tăng GDP đã cao lên qua các quý trong năm 2024, cụ thể: tăng trưởng GDP quý 1/2024 đạt 5,98%, đến quý 2 đã tăng lên mức 7,25%, quý 3 là 7,43% và quý 4 là 7,55%.

Đà tăng này, một mặt, thể hiện việc chỉ đạo, điều hành kịp thời các giải pháp của các cấp, các ngành; mặt khác, sẽ tạo điều kiện cho xu hướng trên tiếp tục trong năm 2025 - năm cuối cùng của Kế hoạch 5 năm (2021-2025).

Thứ ba, số năm GDP của Việt Nam tăng liên tục tính đến năm 2024 đã đạt 43 năm, thuộc nhóm nước có số năm tăng liên tục dài nhất trên thế giới; chỉ thấp thua kỷ lục thế giới 46 năm mà Trung Quốc nắm giữ. Kỷ lục này của Trung Quốc, cộng với tốc độ tăng cao trong nhiều năm ở mức 2 chữ số, đã góp phần đưa Trung Quốc có tổng GDP vượt qua nhiều nước, trở thành nước lớn thứ hai trên thế giới.

Thứ tư, tốc độ tăng GDP của Việt Nam năm 2024 (cũng như của thời kỳ 2021-2024) thuộc top đầu trong các nước và vùng lãnh thổ có số liệu so sánh. Theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Liên hợp quốc (UN), GDP toàn cầu tăng 2,7-3,2%. Theo dự báo của ADB, Singapore tăng 3,5%, Malaysia tăng 5%, Thái Lan tăng 2,6%, Indonesia tăng 5%, Philipines tăng 6%.

Thứ năm, tăng trưởng đạt được ở cả 3 nhóm ngành chủ yếu.

Nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2024 mặc dù gặp thiên tai lớn, đặc biệt ở miền Bắc và miền Trung, đã tăng thấp hơn tốc độ tăng năm trước (năm 2024 tăng 3,27%, năm 2023 tăng 3,93%), nhưng vẫn tăng với tốc độ khá so với tốc độ tăng bình quân năm trong nhiều năm trước (2013 tăng 2,53%, 2014 tăng 3,20%, 2015 tăng 2,51%, 2016 tăng 1,65%, 2017 tăng 3,17%, 2019 tăng 2,67%, 2020 tăng 3,04%...).

Kết quả này đạt được có một phần quan trọng do sản xuất (nhất là lâm nghiệp với sản lượng gỗ khai thác tăng 7,9%, là thủy sản với sản lượng tăng 2,5%), một phần quan trong do kim ngạch xuất khẩu nông, lâm-thủy sản tăng cao (như rau quả tăng 8,5%, cà phê tăng 17,6%, gạo tăng 15,6%, cao su tăng 30,2%, thủy sản tăng 18,6%, hạt điều tăng 13,2%, hạt tiêu tăng 42,5%,…)

Nhóm ngành công nghiệp - xây dựng có xu hướng phục hồi rõ, tăng 8,24%, là tốc độ tăng khá cao so với nhiều thời kỳ trước (2011-2015, 2020-2023). Trong đó, công nghiệp còn tăng cao hơn (8,32%), đặc biệt công nghiệp chế biến, chế tạo (tiêu chí quan trọng nhất của nước công nghiệp) còn tăng cao hơn nữa (9,83%).

Nhiều mặt hàng công nghiệp sản xuất và xuất khẩu tăng cao như xăng dầu (14%), sữa bột (10,9%), đường kính (16,7%), vải dệt từ sợi tự nhiên (16,7%), phân bón hỗn hợp NPK (11%), thép cán (13,8%), thép thanh, thép góc (18,7%), ti vi (18,6%), ô tô (27%). Điện sản xuất tăng 9,6%…

Nhóm ngành dịch vụ tiếp tục tăng (7,38%), cao hơn tốc độ tăng của cả nước; trong đó có một số ngành còn tăng cao như: thương mại (7,38%), vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống (9,76%), hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ (10,56%).

Đây cũng là kết quả tích cực của việc chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, góp phần quan trọng vào công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Khi tỷ trọng trong GDP năm 2024 so với năm 2010 của nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản giảm (11,86% so với 15,38 %), của công nghiệp-xây dựng tăng (37,64% so với 33,02%), của dịch vụ tăng (42,36% so với 40,63%).

Thứ sáu, cùng với sự vượt trội của tăng trưởng về số lượng (tốc độ) là sự cải thiện về chất lượng tăng trưởng, là sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trên cơ sở nâng cao hiệu quả đầu tư, tăng năng suất lao động, tăng tỷ lệ đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tốc độ tăng GDP. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện thể hiện qua một số chỉ tiêu chủ yếu.

Hiệu quả đầu tư biểu hiện ở hệ số ICOR (ICOR tính bằng cách chia lượng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tính theo giá so sánh của năm nay cho mức tăng GDP năm nay so với năm trước tính theo giá so sánh; ICOR phản ánh để tăng 1 đồng GDP theo giá so sánh phải đầu tư bao nhiêu đồng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội.

Năng suất lao động là yếu tố có tầm quan trọng hàng đầu đối với tăng trưởng kinh tế và thu nhập của người lao động. Năng suất lao động được nhận diện dưới 2 mặt: mức năng suất lao động và tốc độ tăng năng suất lao động.

Mức năng suất lao động giá thực tế tính bằng VND để so sánh ở trong nước và tính bằng USD để so sánh với các nước. Mức năng suất lao động tính bằng VND năm 2024 của các ngành thể hiện ở hình 3.

Mức năng suất lao động của nhóm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản thấp nhất trong 3 nhóm ngành, chỉ bằng 44,8% của cả nước, chỉ bằng 39,8% của nhóm ngành công nghiệp-xây dựng và chỉ bằng 42,4% của nhóm ngành dịch vụ. Điều đó cho thấy, một mặt, cần ứng dụng công nghệ cao, tăng chế biến nông sản; mặt khác, cần chuyển dịch lao động sang công nghiệp-xây dựng nhanh hơn.

Nhóm ngành công nghiệp-xây dựng có mức năng suất lao động cao nhất. Trong nhóm ngành này, công nghiệp chế biến, chế tạo là tiêu chí chủ yếu của nước công nghiệp, trong đó là công nghiệp có kỹ thuật-công nghệ hiện đại, do đó, phải giảm nhanh tỷ trọng công nghiệp gia công, lắp ráp, nếu không sẽ không có thu nhập cao, còn phụ thuộc vào nhập khẩu.

Nhóm ngành dịch vụ có mức năng suất lao động cao thứ hai nhờ tính năng động của nó. Các nước phát triển thường có tỷ trọng dịch vụ/GDP rất cao.

Thứ bảy, xét tăng trưởng GDP dưới góc độ sử dụng. Nếu trong nhiều năm trước, tốc độ tăng của tích lũy tài sản và tốc độ tăng của tiêu dùng cuối cùng đều thấp hơn tốc độ tăng của GDP-tức là tổng cầu trong nước tăng thấp hơn tốc độ tăng cung ở trong nước, thì năm 2024, quan hệ này đã được cải thiện, khi tốc độ tăng tích lũy tài sản đã cao hơn tốc độ tăng GDP (tăng 7,28% so với 7,09%).

Tuy nhiên, tốc độ tăng tiêu dùng cuối cùng (có tỷ trọng cao gấp 2 lần tỷ trọng của tích lũy tài sản) vẫn còn thấp hơn tốc độ tăng GDP (tăng 6,57% so với 7,09%); tiêu dùng không còn tâm lý nặng nề “tích cốc phòng cơ”, thậm chí “thắt lưng buộc bụng” của những năm bị đại dịch Covid-19, nhưng chưa được cải thiện nhiều.

Thứ tám, tăng trưởng GDP cao lên và đạt cao hơn nhiều so với CPI (tăng 7,09% so với 3,63%) đã chứng tỏ hiệu ứng phụ của tích lũy tài sản - đầu tư và tiêu dùng cuối cùng cũng bị hạn chế một phần. Đó là kết quả kép: tăng trưởng cao hơn mục tiêu, nhưng lạm phát được kiểm soát theo mục tiêu.

Thứ chín, GDP bình quân đầu người tính bằng USD (theo tỷ giá hối đoái) gần như liên tục tăng qua các năm.

Nếu vào năm 1988, GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ đạt 86 USD, nằm trong vài nước có mức thu nhập thấp nhất thế giới, thì 10 năm sau, nhờ đường lối đổi mới, mở cửa hội nhập, Việt Nam đã chuyển sang nhóm nước thu nhập trung bình (thấp). GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2024 ước đạt 4700 USD - cán mốc của phân loại mới từ ngày 1/7/2024 (trung bình cao có mức 4.516-14.005 USD). Nếu tính bằng USD theo tỷ giá sức mua tương đương thì năm 2024 ước đạt 14.000 USD/người.

Đạt được kết quả tích cực trên do nhiều yếu tố. Yếu tố quan trọng là do GDP đạt tốc độ cao sẽ dẫn đến quy mô GDP cao (tính bằng tỷ giá hối đoái, năm 2024 đạt 476,3 USD, cao gấp 4,9 lần năm 2008, gấp 3,4 lần năm 2010, gấp 1,99 lần 2015, tăng 37,4% năm 2020.

Thứ bậc về GDP bình quân đầu người và tổng GDP của Việt Nam đã cao lên. GDP bình quân đầu người trong khu vực tăng từ thứ 7 năm 2015 lên thứ 5 năm 2024 trong khu vực, ở châu Á, tăng từ 30 lên 23, trên thế giới từ 91 lên 84 (trong các nước và vùng lãnh thổ có số liệu so sánh).

Tổng quy mô GDP trong khu vực tăng từ thứ 6 lên thứ 3, ở châu Á tăng từ thứ 27 lên thứ 10, trên thế giới tăng từ 44 lên 37. Như vậy, Việt Nam đã trở thành nước có quy mô GDP có sức hấp dẫn nhiều mặt đối với thế giới. GDP bình quân đầu người và tổng GDP tính bằng sức mua tương đương còn có mức và thứ bậc cao hơn.

Ngoài ra, tốc độ tăng dân số tự nhiên giảm nhanh, từ trên 2% trước kia xuống còn dưới 1% hiện nay và tốc độ tăng giá USD chậm lại, từ trên 7,6% trước kia xuống dưới 2% trong một số năm gần đây cũng là những yếu tố quan trọng.

VẤN ĐỀ ĐẶT RA CẦN GIẢI QUYẾT

Mục tiêu tăng trưởng bình quân năm của Kế hoạch 5 năm 2021-2025 đề ra là 6,5-7%/năm, có nghĩa là năm 2025 so với năm 2020, GDP phải tăng 37%-40,3%, trong khi 4 năm qua mới tăng 25,24%. Để thực hiện được mục tiêu của Kế hoạch 5 năm, thì năm 2025 phải tăng 9,39%-12,02%, cao hơn nhiều so với mức thực tế đã đạt được trong 4 năm qua.

Mục tiêu dự kiến của Kế hoạch năm 2025 đề ra GDP tăng 8% đã thể hiện quyết tâm cao hơn để bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Điều quan trọng hơn là việc thực hiện mục tiêu năm 2025 có nhiều hạn chế và đứng trước những thách thức không nhỏ.

Hạn chế

Tốc độ tăng GDP do tác động của đại dịch Covid-19 xuất hiện năm 2020, bùng phát năm 2021 và tiếp tục tác động đến những năm sau nhất là tổng cầu ở trong nước. Chất lượng tăng trưởng tuy được cải thiện, nhưng do hệ số ICOR còn ở mức khá cao (gấp rưỡi, gấp đôi so với nhiều nước), làm cho hiệu quả đầu tư còn thấp.

Năng suất lao động đạt tốc độ khá, nhưng mức năng suất lao động còn thấp so với nhiều nước; ngay tốc độ tăng năng suất lao động vẫn chậm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo tuy tăng lên, nhưng hiệu quả còn ở mức thấp. Tỷ trọng số doanh nghiệp có trình độ kỹ thuật công nghệ thấp còn lớn.

Nông nghiệp nhiều vùng còn tình trạng “lấy công làm lãi”, “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Công nghiệp hỗ trợ còn yếu, tình trạng gia công lắp ráp còn lớn, nên thực thu còn thấp, nhập khẩu đầu vào còn cao. Tỷ suất lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp còn thấp, ở mức thấp hơn lãi suất vay ngân hàng, có ngành còn thấp hơn cả lãi suất gửi ngân hàng, thậm chí còn mang dấu âm (lỗ).

Thách thức

Năm 2025, thách thức còn lớn và khó lường khi chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch có xu hướng gia tăng, ảnh hưởng đến xuất khẩu, xuất siêu - một yếu tố quan trọng, thậm chí là lối ra lớn của kinh tế Việt Nam.

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung có nguy cơ khốc liệt hơn, tuy có tạo điều kiện cho việc chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam, nhưng cũng có tác động tiêu cực không nhỏ đối với kinh tế của Việt Nam, nhất là trong việc chiếm lĩnh thị phần xuất khẩu để “né” thuế suất cao; thậm chí mở rộng trạng thái “xuất khẩu hộ, tiêu thụ dùm”.

Với các động thái ngăn chặn “thao túng tiền tệ”, “công nhận là nền kinh tế thị trường” hay vẫn nằm trong nền kinh tế phi thị trường để dựng lên các hàng rào hạn chế nhập khẩu của Việt Nam vào Mỹ,… thì việc xuất khẩu vào Mỹ sẽ khó đạt lại mốc 100 tỷ USD, mức suất siêu vào thị trường này sẽ khó đạt mốc trên 90 tỷ USD. Việt Nam cũng khó đạt được vị thế có quy mô suất khẩu lớn nằm trong TOP 10, xuất siêu nằm trong TOP 5 của Mỹ…

Đối với Trung Quốc, nhập khẩu sẽ vượt qua đỉnh 117 tỷ USD, nhập siêu trên 60 tỷ USD. Một số mặt hàng xuất khẩu cũng khó đạt lại các mốc đỉnh (như giày dép với đỉnh 23,9 tỷ USD của năm 2022).

Nhiều mặt hàng nhập khẩu, nhất là nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc sẽ vượt mốc đỉnh như: máy tính, sản phẩm, điện tử, linh kiện sẽ vượt đỉnh 107,05 tỷ USD năm 2024, trong đó Hàn Quốc, Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng sẽ vượt đỉnh 48,9 tỷ USD năm 2024, trong đó Trung Quốc chiếm trên dưới 1/3.

Một số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt quy mô và tỷ trọng lớn trong tổng số như vải, nguyên phụ liệu dệt may da giày, thức ăn gia súc, sắt thép… cũng sẽ vượt cả quy mô và tỷ trọng mốc đỉnh trước đây.

Nội dung bài viết được đăng tải trên ẩn phẩm đặc biệt Kinh tế 2024-2025: Việt Nam & Thế giới phát hành vào tháng 02/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1262

Dương Ngọc

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/kinh-tenam-2024-tang-truong-vuot-troi.htm