Kinh tế Nga chẳng hề hấn trước trừng phạt, không có làn sóng di cư, doanh nghiệp phương Tây đang làm đầy ngân khố Điện Kremlin

Trong bài viết mới đây trên wilsoncenter.org, tác giả Mark Temnycky nhận định, các doanh nghiệp phương Tây hoạt động tại Nga có nghĩa là hàng tỷ Ruble vẫn đang giúp kích thích nền kinh tế nước này và làm suy yếu hiệu quả của các biện pháp trừng phạt.

Tổng giá trị thương mại hiện tại của Nga với các quốc gia châu Âu lên tới hàng tỷ USD. (Nguồn: AFP)

Tổng giá trị thương mại hiện tại của Nga với các quốc gia châu Âu lên tới hàng tỷ USD. (Nguồn: AFP)

Khi Nga phát động chiến dịch quân sự tại Ukraine vào tháng 2/2022, các nước phương Tây đã áp đặt một loạt lệnh trừng phạt. Khoảng hơn 1 nghìn công ty quốc tế đã tuân thủ lệnh trừng phạt bằng cách tự nguyện rút lui hoặc tạm dừng hoạt động kinh doanh tại Nga. Tuy nhiên, nhiều công ty toàn cầu, hoạt động cả trong và ngoài nước Nga, vẫn tiếp tục kinh doanh như bình thường.

Một số doanh nghiệp và công ty quốc tế tuyên bố rằng họ không thể tạm dừng hoạt động tại Nga vì “khách hàng của họ cần họ”. Các công ty này lập luận rằng, việc đình chỉ công việc sẽ ngăn công dân Nga mua những nhu yếu phẩm cơ bản như thực phẩm.

Thậm chí, nếu trong trường hợp bị quốc hữu hóa, một số công ty cũng cho biết sẽ giao tài sản cho chính phủ Nga. Theo thống kê, tính đến mùa Thu năm 2022, các công ty con của hơn 1.400 công ty Liên minh châu Âu (EU) và Nhóm các nền công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) vẫn hoạt động ở Nga.

Không có cuộc di cư rộng lớn

Khi chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine nổ ra, Đại học Yale (Mỹ) bắt đầu lập danh sách các tập đoàn quốc tế lớn đang hoạt động tại Nga. Tài liệu trực tiếp theo dõi những công ty nào đã cắt giảm hoạt động kinh doanh và những công ty nào vẫn tiếp tục hoạt động ở đây.

Các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Nga cung cấp đa dạng hàng hóa và dịch vụ, từ các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu, năng lượng và công nghệ thông tin đến sản phẩm công nghiệp, vật liệu và tiện ích.

Ví dụ, về các doanh nghiệp vẫn đang hoạt động tại Nga có công ty công nghệ thông tin CloudFlare của Mỹ, công ty công nghệ sinh học Bayer của Đức, công ty dịch vụ dầu mỏ SLB của Mỹ, công ty kỹ thuật và công nghệ Bosch của Đức, công ty dịch vụ tài chính và ngân hàng HSBC của Anh, công ty Red Bull của Áo hay công ty hậu cần FS Mackenzie của Anh. Hiện trên trang web của Đại học Yale có đăng tải danh sách đầy đủ các doanh nghiệp phương Tây đang hoạt động tại Nga.

Các doanh nghiệp trên chưa rời khỏi Nga có nghĩa là hàng tỷ Ruble vẫn đang giúp kích thích nền kinh tế nước này và làm suy yếu hiệu quả của các biện pháp trừng phạt quốc tế.

Theo danh sách của Yale, Công ty Salzgitter AG của Đức cung cấp các sản phẩm thép và ống thép, tiến hành kinh doanh như bình thường ở Nga. Công ty Titan International của Mỹ, sản xuất lốp xe, vẫn có một bộ phận hoạt động ở Nga. Tập đoàn GXO Logistics của Mỹ và công ty ID Logistics của Pháp, chuyên về hậu cần và quản lý chuỗi cung ứng, cũng chưa nói lời tạm biệt với thị trường Nga. Hàng trăm tập đoàn quốc tế khác trong danh sách của Yale cung cấp các dịch vụ tương tự.

Hoạt động của các công ty nói trên, cũng như hàng trăm công ty khác trong danh sách của Yale, đã mang lại doanh thu lớn cho chính phủ Nga.

Tương tự, trong một bài báo trên Politico ngày 28/2, tác giả Douglas Busvine thông tin rằng, nhà kinh tế học Simon Evenett và Niccolò Pisani của Trường kinh doanh IMD, thuộc Đại học St. Gallen (Thụy Sỹ) vào ngày 13/1 đã công bố một báo cáo nghiên cứu cho thấy, chưa đến 9% các công ty phương Tây (chỉ có 120 công ty được thống kê) đã thoái vốn khỏi Nga.

Hai tác giả người Thụy Sỹ khẳng định: "Những phát hiện của họ thách thức câu chuyện rằng có một cuộc di cư rộng lớn của các công ty phương Tây rời khỏi thị trường Nga”.

Kinh tế Nga vẫn đứng vững

Theo một công cụ do New York Times phát triển, xuất khẩu của Nga sang một số nước châu Âu đã tăng đáng kể vào năm 2022. Ví dụ, xuất khẩu của nước này sang Tây Ban Nha tăng 112%, hàng hóa và dịch vụ Bỉ được nhập vào Nga tăng 130% và xuất khẩu của Moscow sang Hà Lan tăng 74%.

Công cụ trên ước tính rằng, tổng giá trị thương mại hiện tại của Nga với các quốc gia châu Âu lên tới hàng tỷ USD.

Không có gì ngạc nhiên khi xuất khẩu dầu và khí đốt là nguồn doanh thu cao nhất của Nga vào năm 2022, giúp người Nga bù đắp doanh thu sụt giảm do các lệnh trừng phạt.

Cũng theo danh sách của Đại học Yale, nhiều công ty vẫn đang hoạt động ở Nga là của Trung Quốc. Nhưng, như đã đề cập ở trên, cũng có rất nhiều doanh nghiệp khác của châu Âu hoặc Mỹ.

Một số quốc gia đã hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ Nga. EU và G7 áp đặt giá trần đối với dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ của Moscow. Bằng cách này, các quốc gia trừng phạt đã cố gắng hạn chế doanh thu của Điện Kremlin mà không làm suy yếu thị trường châu Âu và châu Mỹ.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, hiệu quả của trừng phạt cần thời gian, nên trong năm nay, một số tác động từ các biện pháp này vẫn chưa thành hiện thực. Theo nhiều ước tính khác nhau, năm ngoái, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga chỉ giảm 2-4%.

Đến nay, xung đột chưa có dấu hiệu hạ nhiệt hay kết thúc trong khi tác động kinh tế đầy đủ của các biện pháp trừng phạt vẫn chưa được ghi nhận như mong muốn của phương Tây.

Tổng thống Nga Putin phát biểu trong chuyến thăm công ty hàng không Ulan-Ude tại Buryatia, vùng Viễn Đông, ngày 14/3. (Nguồn: TASS)

Tổng thống Nga Putin phát biểu trong chuyến thăm công ty hàng không Ulan-Ude tại Buryatia, vùng Viễn Đông, ngày 14/3. (Nguồn: TASS)

Trong khi đó, ngày 23/2, kênh France 24 (Pháp) có bài bình luận rằng, bất chấp nhiều vòng trừng phạt bủa vây của phương Tây, năm 2022, tăng trưởng nền kinh tế Nga chỉ giảm nhẹ.

Theo cơ quan thống kê Nga Rosstat, GDP nước này chỉ giảm 2,1% trong năm 2022. Thậm chí, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) còn dự đoán kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 0,3% trong năm 2023 này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng khẳng định, nước Nga đã đảm bảo sự ổn định tình hình kinh tế và phương Tây đã thất bại trong việc "làm mất ổn định xã hội Nga".

Theo đó, nền kinh tế Nga phục hồi chủ yếu do giá dầu và khí đốt tăng cao vào năm ngoái, bù đắp cho sự sụt giảm doanh thu do khối lượng xuất khẩu giảm. Không bán hàng sang khách hàng chính là EU, Moscow đã làm thân với những người mua mới, nhất là Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ. Thực tế thống kê cho thấy, năm ngoái, khí đốt Nga xuất khẩu qua đường ống Sức mạnh Siberia đã tăng 48%.

Bên cạnh đó, ngày 14/3, phát biểu trong chuyến thăm công ty hàng không Ulan-Ude tại Buryatia, vùng Viễn Đông, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, thu hoạch nông nghiệp của nước này đã đạt mức kỷ lục 153-155 triệu tấn.

Nhà lãnh đạo Nga còn bày tỏ niềm tin rằng, các doanh nghiệp nước này có thể thay thế dễ dàng các doanh nghiệp nước ngoài đã rời Nga sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

Ông nói: "Khi các doanh nghiệp phương Tây rời đi, họ tưởng rằng mọi thứ sẽ sụp đổ ngay sau đó. Nhưng chẳng có gì xảy ra cả. Nền kinh tế Nga vẫn phát triển, mạnh mẽ hơn. Các công ty của Nga có mạng lưới trên toàn cầu và có thể thay thế dễ dàng những công ty rời đi".

(theo wilsoncenter.org, Politico)

Hải An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-nga-chang-he-han-truoc-trung-phat-khong-co-lan-song-di-cu-doanh-nghiep-phuong-tay-dang-lam-day-ngan-kho-dien-kremlin-220990.html