Kinh tế Nga trụ vững đến khi nào?

Nền kinh tế Nga suy giảm mạnh trong quý II/2022 do nước này đang dần cảm nhận gánh nặng của các lệnh trừng phạt trong chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Tăng trưởng kinh tế Nga quý II/2022 đã giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. (Nguồn: Shutterstock)

Tăng trưởng kinh tế Nga quý II/2022 đã giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. (Nguồn: Shutterstock)

Nga đã chịu được cú sốc trừng phạt ban đầu

Ngày 12/8, Cơ quan thống kê Nga (Rosstat) công bố dữ liệu sơ bộ cho thấy, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý II/2022 giảm 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là báo cáo GDP đầu tiên ghi nhận đầy đủ sự thay đổi của nền kinh tế kể từ khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Theo Rosstat, GDP trong quý II/2022 giảm vì doanh thu trong các lĩnh vực đều giảm. Doanh thu bán buôn giảm 15,3%, bán lẻ giảm 9,8%. Doanh thu trong lĩnh vực cung cấp nước, thoát nước, thu gom và tận dụng chất thải, xử lý ô nhiễm giảm 8,9%. Doanh thu từ dịch vụ vận tải hành khách cũng giảm 5,3%, vận tải hàng hóa giảm 2,9% và công nghiệp chế biến giảm 3,3%.

Trước đó, Rosstat cho biết, trong quý I năm nay, GDP của Nga tăng 3,5%.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã "thổi bay" khoảng một nửa số dự trữ ngoại tệ và vàng của Nga, khiến các ngân hàng Moscow bị áp đặt hạn chế nghiêm trọng và cắt giảm khả năng các doanh nghiệp tiếp cận công nghệ của Mỹ. Điều này đã khiến hàng trăm tập đoàn lớn của phương Tây rút khỏi đất nước.

Nhưng bất chấp lệnh trừng phạt, nền kinh tế Nga đã thể hiện sức chống chịu tốt hơn so với dự kiến ban đầu của một số nhà kinh tế và sự sụt giảm GDP trong quý II/2022 cũng được đánh giá là không quá nghiêm trọng như một số người dự đoán.

Trước khi tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2, nền kinh tế Nga trị giá 1,5 nghìn tỷ USD. Sau "cơn mưa" trừng phạt của phương Tây, Ngân hàng trung ương Nga đã tăng hơn gấp đôi lãi suất lên 20% nhằm hạn chế dòng tiền ra khỏi đất nước. Đồng thời, đóng cửa giao dịch chứng khoán trên Sàn giao dịch Moscow và nới lỏng các quy định đối với các ngân hàng để kiềm chế các khoản vay.

Bên cạnh đó, chính phủ cũng tăng chi tiêu xã hội để hỗ trợ các hộ gia đình và các khoản vay cho các doanh nghiệp bị tổn thương bởi các lệnh trừng phạt.

Các biện pháp này đã phần nào làm giảm tác động của một số biện pháp trừng phạt. Bên cạnh đó, nền tài chính của Nga được hưởng lợi từ giá dầu tăng cao.

Dmitry Dolgin, nhà kinh tế trưởng về Nga tại ngân hàng ING của Hà Lan cho biết: “Nga đã chịu được cú sốc trừng phạt ban đầu và đã tương đối kiên cường cho đến nay”.

Tuy nhiên, nhà kinh tế này lưu ý, nếu Nga không đa dạng hóa thương mại và tài chính, nền kinh tế sẽ suy yếu trong dài hạn.

Thiệt hại kinh tế sẽ ngày càng nặng nề hơn

Các nhà phân tích cho rằng, thiệt hại kinh tế Nga sẽ ngày càng nặng nề hơn khi các quốc gia phương Tây "quay lưng" với dầu và khí đốt của Nga - nguồn thu quan trọng của đất nước này.

Cố vấn cấp cao Laura Solanko của Viện Nghiên cứu Các nền kinh tế đang chuyển đổi của Ngân hàng Phần Lan nhận định: “Chúng tôi nghĩ rằng, kinh tế Nga sẽ sụt giảm sâu trong năm nay".

Theo ông Michael S. Bernstam, một thành viên nghiên cứu tại Viện Hoover thuộc Đại học Stanford, tình hình kinh tế Nga sẽ xấu đi trong nửa cuối năm nay và tiếp tục diễn biến như vậy vào năm 2023.

Ngân hàng trung ương Nga dự báo, lạm phát tại quốc gia này sẽ ở mức 12% đến 15% vào cuối năm nay. (Nguồn:Shutterstock)

Ngân hàng trung ương Nga dự báo, lạm phát tại quốc gia này sẽ ở mức 12% đến 15% vào cuối năm nay. (Nguồn:Shutterstock)

Khi chiến dịch quân sự tại Ukraine kéo dài, nhiều quốc gia và công ty sẽ tìm cách chấm dứt vĩnh viễn mối quan hệ với Nga. Các doanh nghiệp nội địa sẽ gặp khó khăn khi mua vật tư, thiết bị máy móc do phương Tây sản xuất.

Không chỉ thế, triển vọng cho ngành năng lượng - trung tâm của nền kinh tế nước này cũng đang xấu đi. Mỹ và Anh đã cấm nhập khẩu dầu của Nga và sản lượng dầu của nước này sẽ giảm hơn nữa vào đầu năm tới, khi lệnh cấm nhập khẩu gần như toàn bộ dầu Moscow của Liên minh châu Âu (EU) chính thức có hiệu lực.

Theo Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA), Nga sẽ cần tìm khách hàng cho khoảng 2,3 triệu thùng dầu thô và sản phẩm dầu mỗi ngày - chiếm khoảng 20% sản lượng trung bình của nước này vào năm 2022.

Cho đến nay, các quốc gia bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ là những khách hàng thay thế châu Âu và Mỹ mua dầu Nga. Nhưng trong tương lai, vẫn chưa rõ có thêm bao nhiêu khách hàng mới.

Ngoài ra, sự phụ thuộc của phương Tây vào khí đốt tự nhiên của Nga cũng đang giảm dần. Theo báo cáo của Ngân hàng trung ương châu Âu, trong tuần cuối cùng của tháng 6/2022, tổng nhập khẩu khí đốt của EU từ Nga đã giảm 65% so với một năm trước đó.

Sự sụt giảm này là bắt buộc vì Nga đã cắt nguồn cung cấp khí đốt cho khối 27 thành viên. Tuy nhiên, các nước châu Âu đã và đang tăng cường nỗ lực tìm kiếm các nguồn thay thế. Chẳng hạn, EU đang nhanh chóng phát triển cơ sở hạ tầng để nhập khẩu thêm khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ và các quốc gia khác.

Nhà kinh tế Dmitry Dolgin nhấn mạnh: "Nền kinh tế Nga sẽ bị ảnh hưởng khi EU thực thi lệnh cấm vận dầu mỏ, các hộ gia đình chịu áp lực tài chính cao hơn và sự phụ thuộc hơn vào nhà nước. Trong khi đó, khả năng cung cấp tiền tệ của ngân hàng trung ương và chính phủ sẽ bị hạn chế".

Bà Solanko cũng nhận thấy: “Tôi không nghĩ nền kinh tế Nga đang hoạt động tốt vào lúc này".

Ngay sau khi chiến dịch quân sự tại Ukraine bùng nổ, lạm phát ở Nga đã tăng vọt khi các hộ gia đình tăng mua hàng hóa tích trữ. Vào tháng 7/2022, lạm phát đã tăng hơn 15%. Tuy nhiên, đã có dấu hiệu lạm phát đang chậm lại và Ngân hàng trung ương Nga đã giảm lãi suất xuống 8%, thấp hơn so với trước xung đột Nga-Ukraine.

Dù vậy, Ngân hàng trung ương Nga nhấn mạnh, môi trường kinh tế “vẫn còn nhiều thách thức". Nền kinh tế sẽ suy thoái sâu hơn trong năm 2023 và sẽ không trở lại tăng trưởng cho đến năm 2025. Thêm vào đó, lạm phát sẽ ở mức 12% đến 15% vào cuối năm nay.

Ngân hàng này dự báo, nền kinh tế sẽ giảm 4% đến 6% trong năm nay. Con số giảm 6% đó cũng khớp với bản cập nhật dự báo tăng trưởng kinh tế mới nhất từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Trong những tháng tới, Ngân hàng trung ương Nga cho rằng, các vấn đề về chuỗi cung ứng sẽ đặt ra nhiều thách thức cho nền kinh tế, khi các doanh nghiệp bị hạn chế bởi các lệnh trừng phạt cố gắng thay đổi chuỗi cung ứng để bổ sung kho dự trữ hàng hóa.

(theo New York Times)

Linh Chi

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-nga-tru-vung-den-khi-nao-194310.html