Kinh tế Nga với viễn cảnh suy yếu trong dài hạn

Một năm sau khi cuộc xung đột Nga – Ukraine bùng phát, nền kinh tế Nga vẫn đang chống chịu một cách bền bỉ trước các đòn trừng phạt từ phương Tây. Tuy nhiên, những thách thức mà Nga phải đối mặt vẫn đang ở phía trước.

Kinh tế Nga không lao dốc như dự đoán

Trang mạng Quartz nhận định, các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga là khắc nghiệt nhất và toàn diện nhất trong gần một thế kỷ qua. Bởi lẽ, với một quốc gia quá phụ thuộc vào việc xuất khẩu năng lượng, tài nguyên khoáng sản ra nước ngoài như Nga, việc bị cắt đứt liên kết với hệ thống tài chính quốc tế trong một nền kinh tế toàn cầu hóa, thực sự là một đòn đánh chí mạng.

Quả thực, các biện pháp khắc nghiệt này đã mang lại những tác động to lớn lên nền kinh tế Nga ngay sau khi được áp dụng. Đồng rúp rơi xuống mức thấp kỷ lục là 139 rúp đổi 1 đô la Mỹ, buộc Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) phải tăng lãi suất gấp đôi để hỗ trợ. Những hỗn loạn trên thị trường tài chính đã buộc Sở giao dịch Chứng khoán Moscow phải tạm dừng hoạt động trong vài ngày.

Trong một tuyên bố được đưa ra khi đó, các nhà lãnh đạo EU đã mô tả về “những hậu quả to lớn và nghiêm trọng” đối với Nga. Vài tuần sau khi các biện pháp trừng phạt được áp đặt, Nhà Trắng nhận định, “Kinh tế Nga có thể sụt giảm tới 15% trong năm 2022, xóa sạch thành quả kinh tế đạt được trong vòng 15 năm qua”.

Tuy nhiên, một năm sau đó, những dự đoán trên đã không trở thành hiện thực. Mặc dù vừa phải trải qua 12 tháng rất khó khăn và triển vọng hiện vẫn còn nhiều bất ổn, nền kinh tế Nga trên thực tế đã hoạt động tốt hơn nhiều so với dự kiến. Các số liệu chính thức mới được Chính phủ Nga công bố cho thấy, nền kinh tế nước này chỉ suy giảm 2,1% trong năm ngoái, thấp hơn nhiều so với dự báo của phương Tây, và cả mức dự báo 12% mà chính các quan chức Nga đưa ra trước đó.

Trả lời phỏng vấn DW, bà Alexandra Vacroux, Giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Davis chuyên về Nga và Á – Âu tại Đại học Harvard nhận định: “Tôi nghĩ chúng ta có thể nói rằng, nền kinh tế Nga đã suy giảm ít hơn rất nhiều so với mức dự báo 10-15% mà mọi người nói đến khi xung đột bắt đầu”. Bà Vacroux tin rằng GDP của Nga đã suy giảm từ 3-4% trong vòng 12 tháng qua, một con số phù hợp với ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Những yếu tố giúp kinh tế Nga trụ vững

Câu hỏi được đặt ra là vì sao kinh tế Nga có thể đứng vững trước các lệnh trừng phạt như vậy? Theo các chuyên gia, có nhiều lý do để giải thích cho vấn đề này.

Đầu tiên, Nga đã có sự chuẩn bị tốt cho các lệnh trừng phạt từ nhiều năm trước đó. Theo nhà kinh tế cấp cao Liam Peach tại tổ chức nghiên cứu Capital Economics có trụ sở tại London, Nga đã phải ứng phó với những biện pháp hạn chế kinh tế của phương Tây từ năm 2014 khi nước này tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea.

Đối với hệ thống tài chính, Nga đã cố gắng thanh toán các khoản nợ nước ngoài, qua đó dần giảm sự phụ thuộc vào nguồn tài chính của phương Tây. Các số liệu thống kê cho thấy, tổng nợ nước ngoài của Nga đã giảm từ 41% GDP hồi năm 2016, xuống còn 27% vào năm 2021. Cũng trong năm 2014, Nga đã bắt đầu phát triển một giải pháp thanh toán quốc tế để dần thay thế cho hệ thống SWIFT.

Một thập kỷ bị trừng phạt cũng đã giúp ngành ngân hàng Nga luôn được chuẩn bị sẵn sàng. Khi đòn trừng phạt giáng vào Nga hồi năm ngoái, CBR đã hành động quyết đoán để củng cố hệ thống tài chính hồi tháng 2 và tháng 3 năm ngoái, bằng việc tăng lãi suất, qua đó giúp ngăn chặn tình trạng rút tiền ồ ạt tại các ngân hàng. Chuyên gia Peach đánh giá “các nỗ lực của CBR đã giúp ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng”.

Bên cạnh đó, hệ thống sản xuất và thương mại của Nga cũng đã được điều chỉnh nhanh chóng để thích nghi với các lệnh trừng phạt. Nước này đã nỗ lực tự chủ được một số ngành kinh tế chủ chốt, đặc biệt là nông nghiệp.

Để khắc phục tình trạng thiếu hụt hàng tiêu dùng Nga đã đẩy mạnh nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Kazakhstan, và các quốc gia Trung Á khác. DW cho biết, Nga đang thúc đẩy hoạt động nhập khẩu song song, qua đó cho phép các sản phẩm phương Tây quay trở lại Nga một lần nữa thông qua các nước bên thứ ba.

Quan trọng hơn cả, hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga không những không bị bóp nghẹt, mà còn bùng nổ mạnh mẽ trong năm 2022, mang lại nguồn thu ngoại tệ cao kỷ lục. Hồi đầu tháng này, CBR đã báo cáo mức thặng dư tài khoản vãng lai cao kỷ lục 227 tỉ đô la trong năm 2022, chủ yếu nhờ xuất khẩu năng lượng.

Theo chuyên gia đầu tư Chris Weafer – người đã làm việc tại Nga trong 25 năm qua, khoản tiền khổng lồ thu về đã cho phép Chính phủ Nga hạn chế đáng kể tác động từ các biện pháp trừng phạt nhằm vào dự trữ ngoại hối của nước này.

Một yếu tố khác đã giúp giữ cho nền kinh tế Nga tiếp tục đứng vững là việc nhiều công ty phương Tây vẫn tiếp tục hoạt động tại nước này, sau khi xu hướng rời đi trong những tháng đầu xung đột dần lắng dịu.

Nguy cơ suy yếu trong dài hạn

Tuy nhiên, những triển vọng của kinh tế Nga trong thời gian tới vẫn còn là điều khó dự báo. IMF gần đây cho rằng GDP Nga có thể tăng trưởng nhẹ 0,3% trong năm nay, trong khi các tổ chức khác lại dự báo kinh tế Nga sẽ suy giảm khoảng 2%.

Nhiều chuyên gia nhận định, các báo cáo chính thức không thể hiện hết thực trạng của kinh tế Nga. Theo Agathe Demarais, Giám đốc dự báo toàn cầu tại Economist Intelligence Unit: “Một số chỉ số quan trọng, chẳng hạn như dữ liệu về ngoại thương đã không được công bố, có lẽ là để ngăn chặn phương Tây tuyên truyền về hiệu quả của các biện pháp trừng phạt”.

Bên cạnh đó, con số tỷ lệ thất nghiệp 4%, được cho là đã bị sai lệch đáng kể, bởi thực tế là hàng trăm ngàn người Nga đã không còn ở trong lực lượng lao động do bị gọi nhập ngũ hoặc đã rời khỏi đất nước. Tình trạng này được dự báo có thể ảnh hưởng lớn đến năng suất kinh tế trong dài hạn.

David Teurtrie, giảng viên cao cấp về khoa học chính trị tại Học viện Công giáo Vendee (Pháp) cho biết “bên cạnh các biện pháp trừng phạt, khía cạnh này là một trong những yếu tố ảnh hưởng nặng nề nhất đến nền kinh tế Nga trong nửa cuối năm 2022, đặc biệt là khi những người Nga di cư thuộc nhóm có học thức và giàu có”.

Chia sẻ quan điểm trên, chuyên gia Peach cho biết: “Tình trạng thiếu hụt lao động đã bắt đầu xuất hiện. Một nghiên cứu công bố hồi tháng 11 năm ngoái cho thấy, một phần ba lĩnh vực công nghiệp có nguy cơ mất nhân sự vì các đợt gọi nhập ngũ”.

Một số lĩnh vực kinh tế quan trọng như hàng không hay sản xuất công nghệ cao cũng đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng với sản lượng sụt giảm tới 80% do sự thiếu hụt các chất bán dẫn, linh kiện nhập khẩu cần thiết. Theo Hiệp hội các doanh nghiệp châu Âu (AEB), số ô tô bán ra tại Nga trong năm ngoái đã giảm gần 1 triệu chiếc so với năm 2021, tương ứng với mức giảm 59%.

Theo chuyên gia kinh tế người Nga Oleg Vyugin, để hỗ trợ cho nền kinh tế, Chính phủ Nga vẫn đang chi tiêu mạnh tay với mức chi tiêu bổ sung lên tới 73 tỉ đô la trong năm ngoái, tương đương khoảng 4% GDP. Tuy nhiên, trong năm 2023, chi tiêu của chính phủ cùng với việc người tiêu dùng bắt đầu mở hầu bao trở lại có thể khiến lạm phát gia tăng.

Trong khi đó, nguồn thu từ năng lượng của Nga được dự báo sẽ dần hạn chế do giá dầu khí đã giảm đáng kể, các nỗ lực đa dạng nguồn cung từ châu Âu và các biện pháp trừng phạt dần phát huy hiệu quả theo thời gian. Chuyên gia Weafer đánh giá các biện pháp trừng phạt mới của EU lên các sản phẩm từ dầu Nga, có hiệu lực từ hôm 5-2, sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Với những yếu tố kể trên, chuyên gia Agathe Demarais nhận định rằng, kinh tế Nga đang đối mặt với một cuộc chạy marathon hơn là chạy nước rút, và “trong những tháng tới, Nga sẽ phải loay hoay với bài toán làm sao có thể vừa tài trợ cho các nỗ lực quân sự ở Ukraine, vừa duy trì các khoản trợ cấp xã hội đủ cao để tránh tình trạng bất ổn”. Chuyên gia Vyugin cũng lập luận rằng, lợi nhuận từ dầu mỏ và khí đốt sẽ giảm mạnh đến mức Chính phủ Nga buộc phải đi vay để bù đắp thâm hụt ngân sách.

Chuyên gia David Teurtrie cho biết Nga vẫn còn nhiều cách để ứng phó với các lệnh trừng phạt nhờ dự trữ tài chính khổng lồ và mức nợ tương đối thấp, cho phép nước này có khả năng vay mượn đáng kể.

Tuy không sụp đổ nhanh như kỳ vọng của phương Tây, kinh tế Nga được dự báo sẽ đối mặt với viễn cảnh suy yếu trong dài hạn. Chuyên gia Liam Peach dự báo “những gì chúng ta đang thấy ở kinh tế Nga trong thời gian tới là triển vọng tăng trưởng vẫn đang bị bóp nghẹt. Đó sẽ là một nền kinh tế tăng trưởng chậm, kém hiệu quả hơn và có mức lạm phát cao hơn”.

Nguồn: DW, Quartz, France 24, Aljazeera

Song Thanh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/kinh-te-nga-voi-vien-canh-suy-yeu-trong-dai-han/