Kinh tế Nhật Bản đứng trước chặng đường gập ghềnh

Sản lượng nhà máy của Nhật Bản đã giảm vào tháng 6/2024, làm tăng thêm dấu hiệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ tư thế giới đang vật lộn để phục hồi sau sự suy giảm vào đầu năm.

Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Utsunomiya, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Công nhân làm việc tại một nhà máy ở Utsunomiya, Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản công bố báo cáo vào ngày 31/7 cho thấy sản lượng công nghiệp đã giảm 3,6% so với tháng Năm, không cao như mức dự báo giảm 4,5% của thị trường. So với cùng kỳ năm 2023, sản lượng tại các nhà máy Nhật Bản đã giảm 7,3% nhưng lại tăng 2,9% trong quý tính đến tháng 6/2024, cho thấy lĩnh vực này đã hỗ trợ một phần cho nền kinh tế trong quý trước.

Sản lượng ô tô và phụ tùng ô tô giảm đã kéo sản lượng công nghiệp của Nhật Bản cùng đi xuống. Điều này chủ yếu do vụ bê bối đang diễn ra liên quan đến các nhà sản xuất ô tô lớn của Nhật Bản như Toyota Motor Corp tiếp tục làm gián đoạn sản lượng. Toyota đang gia hạn lệnh đình chỉ sản xuất ba mẫu xe sau cuộc điều tra của chính phủ về gian lận chứng nhận xe của hãng. Tuy nhiên, xuất khẩu vững chắc báo hiệu rằng nhu cầu toàn cầu vẫn tương đối mạnh, mang lại một số hỗ trợ cho hoạt động sản xuất của Nhật Bản.

Dù vậy, kết quả sản lượng công nghiệp ảm đạm đã làm giảm triển vọng rằng nền kinh tế sẽ phục hồi trong ba tháng tính đến tháng 6/2024, trong khi hoạt động tiêu dùng vẫn yếu. Trong một báo cáo riêng, doanh số bán lẻ của Nhật Bản trong tháng Sáu đã tăng 0,6% theo tháng và tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà phân tích đã kỳ vọng nền kinh tế sẽ phục hồi vừa phải trong quý II/2024 sau khi suy giảm trong ba tháng đầu năm nay.

Số liệu hôm 31/7 được đưa ra khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ kết thúc cuộc họp chính sách kéo dài hai ngày vào cuối cùng ngày. Các nhà phân tích đang chia rẽ về việc liệu BoJ sẽ tăng lãi suất lần này hay sẽ chọn chờ thêm các số liệu kinh tế để xem liệu lạm phát do nhu cầu tăng có đang bắt đầu phát triển ở Nhật Bản hay không.

Theo những người hiểu rõ vấn đề này, các quan chức BoJ thấy rằng hoạt động chi tiêu khá yếu ớt đang làm phức tạp thêm quyết định của họ về việc có nên tăng lãi suất hay không.

Ông Toru Suehiro, nhà kinh tế trưởng tại công ty dịch vụ tài chính Daiwa Securities cho biết vẫn có khả năng nền kinh tế Nhật Bản tăng trưởng trở lại trong quý II/2024 sau kết quả kém trong giai đoạn trước. Nếu kịch bản này thành sự thật, việc BoJ tăng lãi suất vào hôm nay sẽ không bị "phàn nàn" ngay lập tức.

Một chỉ số quan trọng về thể trạng của lĩnh vực dịch vụ của Nhật Bản đã phục hồi vào tháng Bảy, trong khi một thước đo hoạt động chế tạo lại cho thấy có sự sụt giảm. Đây là những dấu hiệu mới nhất thể hiện sự tăng trưởng không đồng đều của nền kinh tế Nhật Bản.

Chỉ số các nhà quản trị mua hàng (PMI) của au Jibun Bank cho lĩnh vực dịch vụ của Nhật Bản đã tăng từ mức 49,4 vào tháng Sáu lên 53,9 trong tháng Bảy, mức cao nhất trong ba tháng qua. Đây là một dấu hiệu đáng khích lệ cho thấy nhu cầu nội địa có thể đủ mạnh để hỗ trợ tăng trưởng và lạm phát.

Tuy nhiên, chỉ số PMI cho lĩnh vực chế tạo lại cho thấy sự thu hẹp từ mức 50 trong tháng Sáu xuống 49,2 trong tháng Bảy.

Những con số tương phản này cho thấy hoạt động không đồng đều của nền kinh tế, trong bối cảnh Nhật Bản đang vật lộn để quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng vững chắc, sau khi ghi nhận năm quý tăng trưởng âm trong 11 quý gần đây.

Tuy nhiên, sự cải thiện trong lĩnh vực dịch vụ là dấu hiệu cho thấy nhu cầu trong nền kinh tế có thể mạnh hơn so với mức được thể hiện qua số liệu chi tiêu tiêu dùng. Đó sẽ là một diễn biến tích cực đối với các nhà hoạch định chính sách, vốn đang lo ngại về hoạt động tiêu dùng tư nhân và tác động của lạm phát đối với các hộ gia đình và giới doanh nghiệp.

Hương Thủy (Theo Bloomberg)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kinh-te-nhat-ban-dung-truoc-chang-duong-gap-ghenh/342157.html