Kinh tế Nhật Bản rơi vào tình trạng suy thoái
Theo số liệu Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 3/8, sau khi điều chỉnh lần hai, tăng trưởng kinh tế thực nước này trong quý I/2020 tiếp tục giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Điều này cho thấy Nhật Bản đã ở trong tình trạng suy thoái trước khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 bùng phát.
Nguyên nhân Chính phủ Nhật Bản điều chỉnh mức tăng trưởng là do một số dữ liệu bị cập nhật chậm do dịch bệnh. Sau khi điều chỉnh lạm phát cho tổng giá trị hàng hóa trên cả nước, tăng trưởng kinh tế thực của Nhật Bản giảm 0,56% so với quý trước.
Trong quý IV/2019, tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản đã giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2018, do tăng thuế tiêu dùng từ 8% lên 10% vào ngày 1/10/2019. Đây là quý thứ II liên tiếp tăng trưởng kinh tế Nhật Bản giảm, qua đó cho thấy kinh tế nước này đã rơi vào tình trạng suy thoái kỹ thuật.
Dữ liệu GDP của Nhật Bản trong quý II năm nay sẽ được công bố vào ngày 17/8 tới. Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng trong quý II sẽ giảm tới hơn 20% so với quý trước, do Nhật Bản ban bố tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc, hạn chế các hoạt động kinh tế trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 5 để ngăn dịch bệnh lây lan. Lần gần đây nhất Nhật Bản ghi nhận 3 quý liên tiếp GDP giảm là vào quý IV/2010 đến quý I, II/2011, do tiêu dùng cá nhân suy yếu, thảm họa động đất và sóng thần tàn phá khu vực Đông Bắc nước này vào tháng 3/2011.
Về tình hình kinh tế trong quý III/2020, nhiều nhà phân tích dự đoán GDP của Nhật Bản sẽ phục hồi, song triển vọng kinh tế vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro do số ca lây nhiễm tại nhiều khu vực của Nhật Bản đang tăng trở lại.
Cùng ngày, Hãng hàng không Japan Airlines (JAL) của Nhật Bản thông báo đã ghi nhận mức lỗ ròng 93,7 tỷ yen (885 triệu USD) trong quý II/2020 do dịch COVID-19 khiến giao thông hàng không trên toàn thế giới bị ngưng trệ. Con số này thấp hơn nhiều so với mức lợi nhuận 12,9 tỷ USD được ghi nhận cách đây một năm.
Japan Airlines đã thay đổi cách cách tính lợi nhuận kể từ quý II năm nay. Số liệu trên được xem là mức lỗ lớn nhất theo cách tính mới, kể từ khi JAL được niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo năm 2012, sau khi đệ đơn xin phá sản năm 2010. Doanh thu theo quý của JAL đã giảm 78,1% xuống 76,4 tỷ yen (720 triệu USD). Số hành khách bay nội địa đã giảm 86,7%, trong khi lượng hành khách quốc tế đã giảm 98,6%.
Công ty đã không đưa ra dự báo hằng năm do còn nhiều rủi ro liên quan đến dịch bệnh. Sự lây lan của COVID-19 trên toàn thế giới đã khiến các nước áp đặt hạn chế đối với hàng không quốc tế, khiến nhu cầu đi lại quốc tế gần như biến mất. Trong khi đó, Nhật Bản đã áp đặt tình trạng khẩn cấp quốc gia vào ngày 7/4 vừa qua, khiến nhu cầu đi lại nội địa cũng giảm nhanh chóng.
Theo JAL, dù Nhật Bản đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp và những nỗ lực gần đây của chính phủ giúp cải thiện nhu cầu đi lại trong nước, song xã hội Nhật Bản vẫn đang vật lộn để vừa có thể nối lại các hoạt động kinh tế mà vẫn đảm bảo phòng dịch hiệu quả. Do đó, hãng Japan Airlines tin rằng nhu cầu nội địa sẽ phải mất thêm khoảng thời gian nữa mới có thể phục hồi hoàn toàn.