Kinh tế Nhật Bản vẫn đứng vững trước 'núi' nợ công khổng lồ
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính rằng tỷ lệ nợ công trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản là khoảng 260% - cho đến nay là mức cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính rằng tỷ lệ nợ công trên Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nhật Bản là khoảng 260% - cho đến nay là mức cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển, vượt qua mức 204% trong Chiến tranh Thế giới thứ hai năm 1944. Theo dự báo của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản, một cơ quan tư vấn chính sách trực thuộc Nikkei, con số này sẽ tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, Nhật Bản vẫn tương đối lạc quan.
Trong một kịch bản tích cực cho thấy tốc độ tăng trưởng tiềm năng của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới cao hơn, Chính phủ dự kiến nước này sẽ cân bằng cán cân ngân sách vào năm tài khóa 2026. Tuy nhiên, chi phí đi vay đang tăng lên. Quyết định của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) vào ngày 28/7 cho phép lợi suất trái phiếu Chính phủ Nhật Bản (JGB) tăng cao hơn mức trần trước đó từ 0,5% đến 1% đã khiến lợi suất tăng đột biến. Đây là lần đầu tiên lợi suất trái phiếu này tăng trên 0,6% trong 9 năm.
Trong khi đó, Nhật Bản vẫn tiếp tục chi tiêu. Thủ tướng Fumio Kishida đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP vào năm tài khóa 2027 từ mức khoảng 1% hiện nay và tăng gấp đôi ngân sách chăm sóc trẻ em lên mức 3.500 tỷ yen (25 tỷ USD) hàng năm. Ông cũng đang lên kế hoạch phát hành 20.000 tỷ yen trái phiếu Chuyển đổi xanh (GX) trong thập kỷ tới.
Trong khi các trái phiếu GX sẽ được hoàn trả thông qua kế hoạch định giá carbon và thuế carbon, Chính phủ của ông Kishida vẫn chưa giải quyết được kế hoạch trang trải phần chi phí quốc phòng dự kiến sẽ tăng thêm và ngân sách bổ sung dành cho việc chăm sóc trẻ em. Đối mặt với một xã hội siêu già, Chính phủ dự kiến Nhật Bản sẽ phải chi gần 1/4 GDP cho phúc lợi xã hội như chăm sóc điều dưỡng và lương hưu trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 4/2040.
Cho đến nay, không điều nào trong số này khiến các nhà đầu tư toàn cầu hoảng sợ như kế hoạch thuế của mà cựu Thủ tướng Anh Liz Truss đã làm. Kế hoạch đó khiến lợi suất trái phiếu Chính phủ Anh lên mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đẩy nhanh sự sụp đổ của bà Truss chỉ sau 44 ngày tại vị. Nhiều yếu tố khác nhau đang làm giảm “ngòi nổ” của “quả bom nợ hẹn giờ” tại Nhật Bản. Các công ty nắm giữ lượng tiền mặt lớn và chưa vay nhiều. Trái phiếu Chính phủ Nhật Bản có kỳ hạn trung bình tương đối dài và hầu hết được trong nước nắm giữ. Đất nước này có thặng dư tài khoản vãng lai lành mạnh và một giai đoạn lạm phát hiếm hoi cũng đang giúp ích.
Krisjanis Krustins, Giám đốc đánh giá xếp hạng nợ quốc gia của khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại Fitch Ratings, nói: "Thật khó để tưởng tượng một cuộc khủng hoảng nợ ở Nhật Bản. Nhưng mức xếp hạng A không có nghĩa là hoàn toàn không có rủi ro. Nếu tăng trưởng và lạm phát quay trở lại mức thấp, thì điều đó sẽ dẫn đến tỷ lệ nợ có xu hướng tăng lên".
Có lẽ yếu tố lớn nhất hỗ trợ tình hình nợ của Nhật Bản là điều mà Tohru Sasaki, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vĩ mô Nhật Bản tại Ngân hàng JPMorgan Chase, gọi là "một kiểu nghiện ngập" đối với các chính sách quá lỏng lẻo của BoJ.
Dưới thời Thống đốc trước đây của BoJ, ông Haruhiko Kuroda, và tiếp tục dưới thời Thống đốc Kazuo Ueda, ngân hàng trung ương đã định hướng lãi suất trong biên độ quanh hoặc dưới 0 và theo chương trình mua tài sản lớn, BoJ hiện nắm giữ khoảng một nửa số trái phiếu Chính phủ.
Ông Sasaki nói: “Ngân hàng trung ương không thể thoát khỏi việc kiếm tiền từ nợ của Chính phủ. BoJ có thể sẽ mua nợ nếu chúng ta gặp rắc rối từ đây. Tôi không nói điều này theo nghĩa lạc quan, mà theo nghĩa bi quan".
Nhật Bản dự kiến sẽ chi 22,1% ngân sách năm tài chính hiện tại cho việc trả lãi và mua lại nợ. Nhận thức được điều này và gánh nặng nợ ngày càng tăng, Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki đã cảnh báo vào tháng Ba năm nay rằng: "Tài chính công của Nhật Bản đã gia tăng nghiêm trọng ở mức độ chưa từng có".
Tuy nhiên, Christian de Guzman, nhà phân tích rủi ro nợ công của công ty đầu tư của Moody, phụ trách Nhật Bản cho rằng niềm tin của nhà đầu tư vào tình hình tài chính của Nhật Bản dường như vẫn được duy trì. Mặc dù Nhật Bản có thể yên tâm rằng gánh nặng nợ nần của họ sẽ không sớm gây ra thiệt hại kinh tế lớn, nhưng các nhà kinh tế vẫn nhìn thấy những mối nguy hiểm.
Shigeto Nagai, người đứng đầu bộ phận kinh tế Nhật Bản tại Oxford Economics có trụ sở tại Vương quốc Anh, cho biết một cú sốc tiềm ẩn có thể là việc quay trở lại chính sách tiền tệ "bình thường" hơn không đúng lúc. Ông Nagai nói: “Quá trình rút khỏi chương trình nới lỏng định lượng của BoJ sẽ mất nhiều năm và nó cần một rào chắn bảo vệ. Thực hiện kém, nó có thể gây ra hỗn loạn thị trường trái phiếu".
Kazumasa Oguro, cựu quan chức Bộ Tài chính, hiện là Giáo sư kinh tế tại Đại học Hosei ở Tokyo, đánh giá BoJ đang giữ lãi suất dài hạn thông qua chương trình kiểm soát đường cong lợi suất, nhưng khi không còn khả năng làm như vậy, đó là thời điểm mà vấn đề sẽ trở nên rõ ràng nhất.
Kim Eng Tan, Giám đốc cấp cao của S&P Global Ratings, cũng cảnh báo rằng nếu ngân hàng trung ương đột ngột tăng lãi suất hoặc thắt chặt chính sách tiền tệ, thì họ sẽ khai quật được "rất nhiều yếu điểm được giấu kín".
Tăng trưởng thấp khi dân số Nhật Bản già đi và giảm sút cũng là một rủi ro lớn. Nếu không tăng năng suất đáng kể, dân số trong độ tuổi lao động nhỏ hơn sẽ khiến Nhật Bản rất khó duy trì hoặc thúc đẩy tăng trưởng. Như giới quan sát nhận định, đối với Nhật Bản, yếu tố rủi ro xã hội lớn nhất là nhân khẩu học.
Lạm phát, mặc dù không được nhiều người dân Nhật Bản ưa chuộng do tăng trưởng tiền lương không theo kịp, nhưng có thể là liều thuốc chữa bách bệnh cho tình trạng nợ nần. Giá tiêu dùng đã tăng trở lại vào tháng Sáu để vượt mục tiêu 2% của BoJ trong tháng thứ 15 liên tiếp. Mặc dù lãi suất quanh mức 0%, Nhật Bản hiện có lạm phát nhanh hơn Mỹ, nơi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) vừa tăng lãi suất tuần trước.
Ông Krustins cho biết, nếu lạm phát bền vững xảy ra ở Nhật Bản, điều đó sẽ có tác động tích cực đến GDP và tỷ lệ nợ trên GDP, đồng thời cũng có xu hướng tích cực đối với doanh thu của Chính phủ. Tuy nhiên, đến một lúc nào đó, Nhật Bản sẽ phải củng cố vị thế nợ và hạn chế chi tiêu ngay cả khi dân số ngày càng già đi, các nhà kinh tế nhận định.
Trong khi đó, ông Ranil Salgado, Trưởng phái đoàn IMF tại Nhật Bản cảnh báo rằng, Nhật Bản phải đối mặt với sự lựa chọn giữa tăng thuế và cắt giảm chi tiêu. Theo ông Salgado, việc tăng thêm (không được ưa chuộng về mặt chính trị) trong thuế suất tiêu dùng là giải pháp tốt nhất cho các nhu cầu chi tiêu quan trọng. Chuyên gia này cho rằng: "Ở một quốc gia như Nhật Bản, nơi có một lượng lớn dân số già, cách tốt nhất để đánh thuế thu nhập vĩnh viễn hoặc tiêu dùng vĩnh viễn là thuế tiêu dùng".
Richard Koo, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Nomura và là tác giả của cuốn sách "Suy thoái bảng cân đối kế toán: Cuộc đấu tranh của Nhật Bản" cho biết, cuối cùng thì nhiệm vụ ngăn chặn khủng hoảng nợ có thể thuộc về BoJ và liệu khu vực tư nhân của Nhật Bản có thể đổi mới để thúc đẩy tăng trưởng hay không. Ông Koo nói: “Người đi vay duy nhất còn lại là Chính phủ. Tôi muốn nhìn thấy BoJ thoát khỏi chương trình nới lỏng định lượng và dần dần chuyển những khoản nắm giữ đó cho các nhà đầu tư khu vực tư nhân"./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/kinh-te-nhat-ban-van-dung-vung-truoc-nui-no-cong-khong-lo/302046.html