Kinh tế Nông nghiệp - Nông thôn Cho mùa bội thu

TTH - Sau những ngày đón xuân, vui Tết, ngày 27/1 (mùng 6 Tết), nông dân đồng loạt ra đồng chăm sóc lúa, hoa màu.

Người dân chăm sóc rau. Ảnh: Hải Triều

Từ những ngày sau Tết, trên những cánh đồng lúa, hoa màu phủ một màu xanh non mơn mởn. Cây lúa, rau màu đang vươn mình, sinh trưởng tốt mặc cho thời tiết mưa, rét kéo dài gây bất lợi.

Nông dân Nguyễn Xuân Thành ở xã Phú Thanh (TP. Huế) chia sẻ, mặc dù vui chơi trong những ngày Tết nhưng nông dân vẫn không quên nhiệm vụ, luôn theo dõi tình hình sinh trưởng của cây lúa. Tuy nhiên, phải đến ngày mùng 6 Tết được xem là ngày tốt, nông dân mới đồng loạt “xông đồng” đầu năm.

Theo quan niệm của người dân, việc “xông đồng” đầu năm mới phải chọn ngày lành để cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Ông Thành bảo, ngoài chọn ngày lành, ngày tốt để chăm sóc ruộng lúa, rau màu đầu năm thì người dân hầu như không cúng cấp bất kỳ lễ vật gì mà chỉ chú trọng vào việc chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh để cây phát triển tốt, đạt năng suất cao.

Điều lo ngại hiện nay với nông dân các địa phương vùng thấp trũng khi mưa rét kéo dài làm một số đồng ruộng có nguy cơ ngập úng. Trong ngày 6 Tết, lãnh đạo các địa phương như Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền… đều tổ chức kiểm tra đồng ruộng. Yêu cầu đặt ra đối với các địa phương hiện nay là chuẩn bị máy móc, thiết bị, sẵn sàng đấu úng nếu bị ngập sâu, kéo dài. Trước mắt, một số xứ đồng thấp trũng bị ngập, nông dân sử dụng máy bơm dầu để đấu úng.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, ông Lê Văn Anh thông tin, trước tết, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương đôn đốc, yêu cầu nông dân gieo cấy hết diện tích theo kế hoạch với khoảng 28 ngàn ha lúa, đảm bảo khung lịch thời vụ. Ngay sau khi hoàn thành gieo cấy, các địa phương, nông dân tiến hành theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, chủ động tu bổ, gia cố các tuyến đê bao ngăn mặn, đê, đập nội đồng để bảo vệ lúa; kịp thời đấu úng khi mưa to, nước sông lớn và triều cường.

Người dân chăm sóc ruộng. Ảnh: M.C

Cán bộ nông nghiệp cùng với các địa phương, hợp tác xã tổ chức hướng dẫn nông dân tích cực chăm sóc, tỉa dặm đảm bảo mật độ, bón phân thúc sớm, cân đối NPK theo đúng quy trình nhằm giúp cây lúa sinh trưởng, phát triển khỏe ngay từ đầu vụ; đồng thời tăng khả năng chống chịu với sinh vật gây hại, điều kiện ngoại cảnh bất lợi. Chi cục khuyến cáo, nông dân tuyệt đối không bón phân đạm urê, phun thuốc bảo vệ thực vật trong những ngày mưa rét, khi nhiệt độ ngoài trời dưới 18oC. Các hợp tác xã, nông dân dự phòng các giống lúa có thời gian sinh trưởng ngắn ngày, cực ngắn để kịp thời gieo cấy lại diện tích bị thiệt hại do rét gây ra.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cử cán bộ thường xuyên kiểm tra, phát hiện và hướng dẫn nông dân phòng trừ các đối tượng sinh vật gây hại kịp thời. Trong đó, quan tâm đến các đối tượng bệnh đạo ôn lá trên các trà lúa gieo sạ sớm đối với các giống lúa bị nhiễm như nếp, Xi23, NN4B, BT7..., nhất là ở những vùng đất cát, có tầng canh tác mỏng, bón phân không cân đối. Chi cục phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng thông báo tình hình sinh vật gây hại, vận động nông dân thăm đồng thường xuyên, phát hiện sớm để xử lý kịp thời sâu bệnh, nhất là giai đoạn trước, trong và sau Tết cổ truyền.

Đối với các cây trồng ngắn ngày khác tùy điều kiện cụ thể của từng địa phương để bố trí các công thức luân canh, xen canh phù hợp như lạc - sắn, lạc - đậu đỗ, lạc - khoai nhằm đảm bảo thời vụ. Quá trình sản xuất phải tăng cường đầu tư thâm canh, chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật ngay từ đầu vụ để đạt năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng hiệu quả kinh tế. Với các loại cây trồng trên cần sử dụng giống có nguồn gốc, nhất là kiểm soát chặt chẽ nguồn giống sắn, không sử dụng giống đã bị nhiễm bệnh khảm lá trồng trong niên vụ 2023.

Đối với cây công nghiệp và cây ăn quả, các vườn cây đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản cần có biện pháp bảo vệ kịp thời như tủ gốc giữ ấm cho cây, chuẩn bị nguồn giống dự phòng để trồng dặm đối với những diện tích bị chết. Đối với cây đang trong thời kỳ kinh doanh cần bổ sung thêm phân bón kali, phân hữu cơ đảm bảo tăng khả năng chống rét cho cây; tiến hành tủ gốc bằng tàn dư hữu cơ, phế phụ phẩm nông nghiệp vừa giữ ấm vừa giữ ẩm cho gốc và rễ cây. Đối với cây cao su phải điều chỉnh lượng phân bón, tăng cường kali, giảm NPK vào đợt cuối trước mùa đông để tăng khả năng chịu rét cho cây trồng.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đang cùng với các ban, ngành tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong kinh doanh giống cây trồng và vật tư nông nghiệp trên thị trường. Đồng thời phân công lãnh đạo, cán bộ chuyên môn bám cơ sở, tăng cường công tác dự tính, dự báo; thông tin tuyên truyền, hướng dẫn nông dân thực hiệncác biện pháp kỹ thuật nhằm khắc phục kịp thời ảnh hưởng của thời tiết và sâu bệnh gây hại, cho mùa bội thu.

Hoàng Thế

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/cho-mua-boi-thu-a123227.html