Kinh tế Nông nghiệp - Nông thôn Đưa nông sản 'lên sàn'

TTH - Năm 2022, Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam sẽ đưa hơn 28.000 hộ nông dân sản xuất nông nghiệp (SXNN) trên địa bàn tỉnh cập nhật, giới thiệu mua và bán sản phẩm trên sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT).

Việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử sẽ giúp người nông dân sớm làm chủ được hình thức bán hàng mới

Việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử sẽ giúp người nông dân sớm làm chủ được hình thức bán hàng mới

Hỗ trợ chuyển đổi số, phát triển kinh tế

Mới đây (ngày 19/4), Bưu điện (BĐ) tỉnh và Hội Nông dân (HND) tỉnh đã cùng ký kết thỏa thuận hợp tác về việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản hàng hóa giai đoạn 2021 - 2025.

Theo kế hoạch, BĐ tỉnh và HND tỉnh sẽ hỗ trợ các hộ SXNN đăng ký tham gia sàn Postmart.vn để giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh tiêu thụ; kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm kênh phân phối mới, mở rộng thị trường. Đồng thời, thông qua sàn Postmart.vn tuyên truyền, trang bị kiến thức, kỹ năng, cung cấp thông tin khoa học và có hệ thống để các hộ SXNN thay đổi phương thức tiêu thụ sản phẩm đầu ra, mua sản phẩm đầu vào, góp phần phát triển nền tảng công nghệ số trong nông nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Mục tiêu, trong năm 2022 thu thập thông tin của 28.400 hộ SXNN trên địa bàn tỉnh để giới thiệu và bán sản phẩm lên sàn giao dịch TMĐT. Trong đó, ưu tiên các loại nông sản an toàn, chất lượng do người nông dân sản xuất ra đạt tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm OCOP, sản phẩm có giấy chứng nhận vệ sinh an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ra đời năm 2019, sàn Postmart.vn là giải pháp trọn gói giúp hộ sản xuất quảng bá, giới thiệu sản phẩm trực tiếp đến tay người tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ quản lý đơn hàng, tiếp nhận vận chuyển, phát đơn hàng đến tay người mua và thu hộ tiền trả cho người bán. Toàn bộ khâu bán hàng của các hộ sản xuất sẽ được BĐ thực hiện khép kín.

Giám đốc Bưu điện tỉnh Lê Văn Nghị thông tin, hộ nông dân, hộ SXKD, chủ trang trại, hộ kinh doanh cá thể, HTX, chi, tổ hội nghề nghiệp… sẽ được BĐ Việt Nam miễn phí toàn bộ các loại chi phí lên sàn. Đồng thời, “được hỗ trợ đăng ký các công cụ thanh toán điện tử kèm theo các chính sách đào tạo, tập huấn, quảng bá, tiêu thụ các sản phẩm tại địa phương, mở rộng kênh phân phối trong nước và quốc tế, gia tăng giá trị sản phẩm của người nông dân trên địa bàn, góp phần vào sự phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế”, ông Nghị nói.

Theo ông Nghị, sự hợp tác giữa 2 đơn vị rất phù hợp trong bối cảnh hiện nay, “nhưng để triển khai có hiệu quả, đòi hỏi phải có sự phối kết hợp chặt chẽ, quyết tâm cao bởi mục tiêu chung của cả hai bên hướng tới là hỗ trợ người dân chuyển đổi số, gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ khoa học, ứng dụng công nghệ 4.0, giúp nông dân an tâm sản xuất, tìm được đầu ra cho sản phẩm của mình; thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện bình thường mới”.

Không "đánh trống bỏ dùi"

So với các phương thức tiêu thụ truyền thống, kênh bán hàng trực tuyến thông qua các sàn TMĐT mở thêm cơ hội mới, giúp các hộ nông dân có thể giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng, hỗ trợ tiêu thụ nông sản thuận lợi hơn, tránh bị tư thương ép giá trong tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp.

Chủ tịch HND tỉnh Nguyễn Chí Quang bày tỏ, với việc ký kết hợp tác giữa 2 bên, các cấp HND rất vui mừng khi có BĐ làm cầu nối, đỡ đầu về kỹ thuật, về khoa học công nghệ.

“Thời gian tới, HND bắt tay vào soạn thảo kế hoạch chi tiết, lấy người nông dân làm chủ thể, có trách nhiệm thì chắc chắn mục đích ký kết sẽ thu được kết quả tốt”, ông Quang khẳng định.

“Để triển khai, chúng tôi thành lập tổ giúp việc với 32 người, trong đó, vai trò của HND làm chủ thể. HND các huyện, thị xã, thành phố sẽ xây dựng cho mình kế hoạch riêng, phù hợp. Ban Thường vụ các huyện hội sẽ cụ thể hóa việc thực hiện, không “đánh trống bỏ dùi” và sẽ đưa vào tiêu chí thi đua để đánh giá. Đơn vị làm tốt sẽ nhân rộng, phát huy, nơi làm chưa tốt sẽ điều chỉnh, đánh giá xem do điều kiện khách quan hay chủ quan và việc triển khai phải lồng ghép hài hòa giữa tuyên truyền, vận động và các nội dung cụ thể trong SXKD của Hội”, ông Quang nói.

Trước mắt, HND tỉnh sẽ tập trung tuyên truyền mục đích, ý nghĩa và quyền lợi của hộ SXNN khi tham gia sàn TMĐT; giúp nông dân hiểu được giá trị sản phẩm tạo ra có chất lượng thì mới được đưa lên sàn và bán được với giá thành cao. Bên cạnh đó, thông qua sàn TMĐT bà con được tiếp cận những sản phẩm thiết yếu cần thiết vừa đúng giá trị, chất lượng, kịp thời. Qua đó, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy tiêu thụ nhanh, tránh ùn ứ nông sản trong mùa thu hoạch, giúp người dân giữ giá, nâng cao giá trị của nông sản, tránh phụ thuộc vào thương lái, tư thương buôn bán trung gian.

HND và BĐ từ cấp Trung ương đến các tỉnh, thành phố, huyện, thị sẽ đồng loạt vào cuộc để phối hợp chặt chẽ triển khai các chương trình kết nối, tiêu thụ nông sản cho hộ sản xuất đồng thời trên cả hai kênh online (sàn Postmart.vn) và Offline (hệ thống điểm bán hàng).

Bài, ảnh: Liên Minh

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/dua-nong-san-len-san-a112701.html