Kinh tế Nông nghiệp - Nông thôn Hoàn thiện hạ tầng chợ truyền thống
TTH - Quy hoạch lại mạng lưới chợ và tập trung kêu gọi đầu tư để chuyển đổi mô hình quản lý (CĐMHQL) là giải pháp mà UBND TP. Huế đã và đang triển khai nhằm hoàn thiện hạ tầng, đưa hệ thống chợ truyền thống trên địa bàn trở thành chợ văn minh thương mại.
Quá tải, xuống cấp
Ban đầu hình thành với quy mô nhỏ, đến năm 1999, chợ Bến Ngự (phường Vĩnh Ninh) được UBND TP. Huế đầu tư xây dựng và trở thành trung tâm mua sắm sầm uất, phục vụ nhu cầu của người dân khu vực phía tây thành phố cũng như khách du lịch. Chợ có diện tích 3.200m2, bao gồm 380 lô chính, 50 lô rong bạ; mỗi lô có diện tích từ 1- 7,5m2.
Qua 22 năm hoạt động với lưu lượng tiểu thương và khách đến chợ khá đông, trên dưới 1.000 người/ngày, trong khi thiếu kinh phí sửa chữa, cải tạo, chợ ngày càng xuống cấp, nhếch nhác; hệ thống điện chằng chịt, các khu nhà xuống cấp, thấm dột.
Trưởng Ban Quản lý (BQL) chợ Bến Ngự - bà Trần Thị Thúy Hà cho rằng, theo quy hoạch của TP. Huế, chợ nằm trong danh sách CĐMHQL, song đến nay vẫn chưa thực hiện được nên chưa được bố trí vốn để nâng cấp, sửa chữa các hạng mục xuống cấp.
Để giải quyết tình thế và đảm bảo hạ tầng cho bà con kinh doanh, mua bán, đầu năm 2021, BQL tranh thủ các nguồn thu, đồng thời huy động sự đóng góp của tiểu thương đầu tư gần 200 triệu đồng cải tại hệ thống điện chiếu sáng ở khu vực đình A; hiện đang tiếp tục thực hiện phương châm xã hội hóa đầu tư để cải tạo hệ thống thoát nước, nâng cấp nền chợ cá và chống thấm khu vực chợ với tổng kinh phí khoảng hơn 500 triệu đồng. Dự kiến, năm 2022 sẽ triển khai nhằm hoàn thiện hạ tầng, tạo điều kiện cho tiểu thương thuận lợi trong kinh doanh, mua bán.
Tại các chợ Cống, Trường An, An Hòa, Vỹ Dạ…, do không có kinh phí đầu tư cải tạo nên cơ sở hạ tầng xuống cấp, các thiết bị phòng cháy chữa cháy, hệ thống điện không đảm bảo an toàn, ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh, mua bán của tiểu thương cũng như người dân đến chợ.
Chị Trần Thị Ly, tiểu thương chợ Cống cho rằng, bên trong chợ xuống cấp, các lô hàng nằm san sát nhau đi lại khó nên khách ngại vào, trong khi bên ngoài chợ thì hàng rong, hàng xén bày bán tràn lan nên bán buôn ngày càng ế ẩm. Trong khi đó, nghe BQL thông báo sẽ thực hiện CĐMHQL nên hiện chưa thể đầu tư, nâng cấp nên tiểu thương chỉ biết... chờ!
Qua tìm hiểu, trước đây Nhà nước xây dựng hệ thống chợ truyền thống để phục vụ nhu cầu kinh tế vùng, qua thời gian, số lượng dân cư phát triển nhanh, lưu lượng người tham gia kinh doanh nhiều nên một số chợ không đảm bảo về diện tích, không trang bị đủ các thiết bị phòng cháy chữa cháy, nhà vệ sinh, khuôn viên chật dẫn đến quá tải. Vì vậy, CĐMHQL để khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế chợ truyền thống là nhu cầu cấp bách và cần thiết để hoàn thiện hệ thống chợ, đồng thời phát triển theo đúng quy hoạch, tiêu chí chung.
Chuyển đổi mô hình quản lý là tất yếu
Là 1 trong 2 chợ truyền thống nằm trên địa bàn TP. Huế thực hiện việc CĐMHQL, chợ Hương Hồ (phường Hương Hồ) có diện tích hơn 3.000m2, hiện đã phủ kín gần 200 lô. Ở vị trí giao thương thuận lợi, chợ không chỉ phục vụ người dân địa phương mà còn thu hút khách đến từ các vùng lân cận như: Hương An, Hương Thọ, Thủy Biều...
Chị Hà, kinh doanh hàng cá ở chợ Hương Hồ chia sẻ: Thời gian trước, khu vực hàng cá, thịt lều lụp xụp, nắng nóng, mưa dột nên rất lo lắng khi để hàng hóa bên trong chợ. Sau khi CĐMHQL chợ, HTX Nông nghiệp Hương Hồ 1 quản lý, đầu tư kinh phí nâng cấp nên chợ khá khang trang, sạch đẹp, từ đó khách hàng đến đông hơn, hoạt động kinh doanh thuận lợi hơn trước.
Theo lãnh đạo HTX Nông nghiệp Hương Hồ 1, khi nhận bàn giao quản lý, chợ đã xuống cấp, một số khu vực kinh doanh không thể sử dụng được vì cột kèo, mái lợp đều rệu rã. Sau khi tiếp quản chợ (tháng 9/2017), HTX lên phương án đầu tư cải tạo, xây dựng mới một số hạng mục quanh chợ. Đến nay, HTX đã đầu tư trên 1 tỷ đồng xây mới kiên cố nhà vệ sinh, 2 nhà để xe, khu chợ cá, thịt, chỉnh trang mặt tiền chợ và một số công trình khác.
Hiện, trên địa bàn TP. Huế có 1 chợ đầu mối và 38 chợ truyền thống. Theo quy định hiện nay, Nhà nước không đầu tư kinh phí xây mới và cải tạo chợ nhằm từng bước thực hiện chủ trương CĐMHQL, đồng thời các địa phương tăng cường công tác kêu gọi đầu tư để thực hiện mục tiêu xã hội hóa trong đầu tư, quản lý chợ.
Theo lãnh đạo UBND TP. Huế, thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, giai đoạn 2019- 2021, thành phố xây dựng phương án kêu gọi đầu tư triển khai CĐMHQL chợ nhằm thực hiện lộ trình tái đầu tư, nâng cấp hệ thống chợ truyền thống đảm bảo tính văn minh thương mại. Trước mắt, sẽ thực hiện việc di dời chợ Cống (Xuân Phú) vì quỹ đất bị thu hẹp do dự án mở rộng cầu Vỹ Dạ và đường Bà Triệu, đồng thời CĐMHQL đối với chợ Bến Ngự (Vĩnh Ninh), chợ An Hòa (An Hòa) và một số chợ khác. Hiện, có nhiều nhà đầu tư đến nghiên cứu, tìm hiểu và xây dựng phương án đầu tư, tiếp quản các chợ trên, song do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên đến nay, vẫn chưa thực hiện được. Năm 2022, phấn đấu hoàn thành mục tiêu chuyển đổi 3 chợ nói trên, đồng thời tiếp tục khảo sát, nghiên cứu để chuyển đổi thêm một số chợ truyền thống nhằm từng bước hoàn thiện hạ tầng, đáp ứng các tiêu chí chợ văn minh thương mại.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/hoan-thien-ha-tang-cho-truyen-thong-a106762.html