Kinh tế Nông nghiệp - Nông thôn Hướng mở từ nuôi ốc hương trên cát
Trong khi hiệu quả nuôi tôm trên cát bấp bênh vì dịch bệnh, một số hộ ở vùng Ngũ Điền đã chuyển sang nuôi ốc hương, bước đầu cho thấy hiệu quả kinh tế cao.
Ôm khoản nợ lớn do nuôi tôm trên cát thất bát, anh Nguyễn Tấn Thành ở xã Điền Hương (Phong Điền) tìm đến nhiều nơi trên địa bàn trong và ngoài tỉnh tham khảo, học tập các mô hình nuôi trồng thủy sản để ứng dụng vào vùng cát ven biển. Sau nhiều lần tham quan các mô hình, anh Thành nhận thấy nuôi ốc hương phù hợp với điều kiện vùng cát Ngũ Điền.
Trong khi mùa hè không thích hợp với nuôi tôm trên cát, nguy cơ dịch bệnh, thua lỗ cao thì từ tháng 3-4/2019, anh Thành đưa ốc hương vào nuôi ngay trên ao hồ tôm cũ. Từ khi bắt đầu xuống giống, thời tiết nắng nóng diễn biến phức tạp, ốc hương vẫn thích nghi tốt với điều kiện thời tiết tại vùng cát Ngũ Điền, phát triển tương đối tốt.
Một hộ khác là anh Phan Văn Sĩ ở xã Điền Hương cũng chuyển sang nuôi ốc hương từ tháng 3/2019. Sau 6 tháng nuôi, ốc hương đủ tiêu chuẩn thu hoạch, xuất bán với trọng lượng 60-70 con/kg. Với giá thị trường hiện nay, mỗi kg ốc hương khoảng 300-350 ngàn đồng. Với mỗi ao nuôi 2.000m2, anh Sĩ lãi 500 triệu đồng.
Anh Sĩ nhẩm tính: “Mỗi ha nuôi tôm chân trắng chi phí từ giống, thức ăn, điện, nước… từ 2,5-3 tỷ đồng. Trong khi nuôi ốc hương với mật độ thả giống 90 con/m2, sau 6 tháng nuôi tính cả chi phí thức ăn, điện, nước… khoảng 1,5 tỷ đồng. Sản lượng thu hoạch ước chừng 10 tấn sản phẩm. Với giá hiện nay sẽ thu 3-3,5 tỷ đồng, lãi ròng 1,5-2 tỷ đồng/ha”.
Ông Nguyễn Đăng Thành, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền đánh giá, đây là mô hình mở ra triển vọng mới trong quá trình định hướng đa dạng hóa nuôi trồng thủy sản trên vùng cát Ngũ Điền. Sắp đến, ngành nông nghiệp huyện sẽ tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho người dân để chuyển đổi một số diện tích ao nuôi tôm kém hiệu quả sang nuôi ốc hương.
Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, bà Phan Thị Thu Hồng cho rằng, nuôi ốc hương là mô hình nuôi trồng thủy sản mới theo hướng công nghiệp hóa, “chuỗi giá trị”. Quá trình nuôi đều sử dụng quạt nước tạo ô xi và các thiết bị máy móc xử lý vệ sinh môi trường. Các hộ dân nuôi theo mô hình liên kết, từ hợp đồng cung ứng nguồn giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật đến bao tiêu sản phẩm.
Theo quy hoạch, đến năm 2020-2025, toàn tỉnh có hàng ngàn ha nuôi tôm trên cát, trong đó lớn nhất là vùng Ngũ Điền khoảng 1.000 ha. Đến nay, toàn tỉnh đã khai thác, đưa vào nuôi tôm trên cát gần 500 ha, riêng vùng Ngũ Điền hơn 300 ha.
Gần đây, do diện tích phát triển ồ ạt, trong khi hạ tầng chưa đảm bảo dẫn đến ô nhiễm môi trường, tôm thường xuyên dịch bệnh, người nuôi thua lỗ triền miên.
Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, nuôi ốc hương cũng có thể xảy ra dịch bệnh nếu không thực hiện đúng quy trình kỹ thuật từ khâu cải tạo ao, chọn giống, chăm sóc, quản lý môi trường. Người dân cần chọn giống ở những cơ sở uy tín, đảm bảo chất lượng, giống đã được kiểm dịch. Thức ăn phải đảm bảo tươi, không bảo quản bằng hóa chất. Sau khi cho ăn khoảng 2-3 giờ, tiến hành làm vệ sinh, vớt hết thức ăn dư thừa ra khỏi ao, tránh ô nhiễm môi trường. Quá trình nuôi ốc có thể kết hợp nuôi với một số đối tượng nuôi khác, như rong câu, rong nho, hải sâm, cá dìa để tận dụng triệt để diện tích mặt nước, tăng thêm thu nhập, vừa cải thiện môi trường ao nuôi…
Bài, ảnh: HOÀNG TRIỀU
Nguồn Thừa Thiên Huế: http://baothuathienhue.vn/huong-mo-tu-nuoi-oc-huong-tren-cat-a78698.html