Kinh tế Nông nghiệp - Nông thôn Khó khăn trong sản xuất lúa hữu cơ ở Phong Điền
TTH - Sản xuất lúa hữu cơ, VietGAP là hướng đi đúng, tất yếu trong nông nghiệp. Tuy nhiên, hiện người dân Phong Điền không mặn mà vì hiệu quả không cao.
Chật vật tìm đầu ra
Từ năm 2017, Phong Điền bắt đầu triển khai sản xuất lúa hữu cơ. Sau đó một năm, huyện này áp dụng sản xuất lúa theo hướng VietGAP. Đến nay, Phong Điền đã tổ chức sản xuất hơn 4.100ha lúa theo hướng VietGAP; trong đó, 384ha được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP. Về lúa hữu cơ sản xuất được 28ha và đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 5 sao.
Sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn đang là xu hướng, vì thế mà huyện Phong Điền đã xác định sản xuất lúa hữu cơ, VietGAP là một trong những cây trồng chủ lực của huyện.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, việc sản xuất lúa hữu cơ, VietGAP ở Phong Điền gặp khó khăn. Người dân không quan tâm, thiếu mặn mà, khiến diện tích ngày càng thu hẹp. Như sản xuất lúa hữu cơ từ diện tích 60ha, giảm xuống 40ha và năm 2022 chỉ còn 28ha. Diện tích trồng theo hướng VietGAP nhiều, nhưng đạt tiêu chuẩn chỉ 10%.
Ông Nguyễn Văn Phước, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Điền cho biết, đầu ra tiêu thụ của sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hiện đang gặp khó khăn. Giá sản phẩm lúa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP chỉ tương đương với giá sản phẩm sản xuất bình thường, nhưng năng suất thường thấp hơn. Chưa có sự liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hoặc sự liên kết chưa bền chặt. Đây là một trong những thách thức lớn nhất trong việc duy trì, mở rộng diện tích sản xuất lúa VietGAP ở huyện.
Trong khi đó, quy trình, kỹ thuật sản xuất lúa hữu cơ phức tạp từ gieo mạ khay, cấy, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, bón hoàn toàn phân hữu cơ… Dù giá bán ra thị trường cao, nhưng đầu ra lại vô cùng chật vật. Năm nào đơn vị tổ chức sản xuất cũng phải nhờ các cơ quan chức năng trong huyện giải cứu sản phẩm, nên nhiều hộ dân muốn ra khỏi tổ chức, trở lại sản xuất thông thường.
Theo Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt, đơn vị tiêu thụ lớn nhất sản phẩm lúa hữu cơ ở Phong Điền thời gian qua, chỉ riêng năm 2022, số lượng gạo công ty thu mua cho người dân giảm đến 50%. Nguyên nhân là chất lượng hạt gạo thấp, không thể cạnh tranh với các loại gạo ở miền Nam. Khâu bảo quản gạo hữu cơ Phong Điền cũng rất khó khăn. Đối với gạo chuyển đi các tỉnh thành cần ép chân không, nhưng cứ 10 gói gửi đi là đến 8 gói bị bung ra. Thế là đối tác trả lại và không lấy hàng nữa.
Cần có mô hình khép kín
Ông Nguyễn Văn Phước cho rằng, để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy duy trì, mở rộng diện tích, quy mô sản xuất theo VietGAP trong thời gian đến, huyện Phong Điền sẽ tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm lúa gạo sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, quy trình hữu cơ, tạo lợi thế cạnh tranh so với sản phẩm bình thường. Tích cực kêu gọi, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, người dân đẩy mạnh các hình thức liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đầu ra luôn là yếu tố “sống còn” đối với lúa hữu cơ, VietGAP ở Phong Điền. Trong khi chờ đợi nguồn ra ổn định hơn, một giải pháp mang tính tạm thời được Phong Điền triển khai là các cấp ủy đảng, chính quyền các xã, thị trấn và cả hệ thống chính chung tay vào cuộc, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm.
Bà Nguyễn Thị Huệ, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hữu cơ Huế Việt cho rằng, để duy trì sản xuất lúa hữu cơ, VietGAP ở Phong Điền đã khó, chứ đừng nói là mở rộng quy mô. Do đó, cần có những bước đi vững chắc hơn. Cần tập trung hình thành một mô hình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ. Có thể sản lượng thấp, nhưng chất lượng hạt gạo tốt, được thị trường chấp nhận thì khi đó mới nhân rộng mô hình.
Bài, ảnh: ĐỨC QUANG